Những bờ cỏ non

  • 08:37 | Chủ Nhật, 06/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) -  "… Em Lý em Mai
                Ngồi trên bờ cỏ
                Nhặt chiếc lá nhỏ
                hả thuyền chơi vui…”
 
Bài thơ nhỏ học từ năm xửa năm xưa bỗng vẳng về khi đứng trước cánh đồng lúa ở quê đang vào vụ gặt.
 
Lúa gặt xong thì còn thân rạ. Ngày trước, cấy trồng loại giống cũ, cây lúa cao, nông phu dùng liềm hái cắt nửa thân trên, còn phần rạ ở dưới vứt bỏ hoặc bứt vào lợp nhà, hoặc dành cho trâu. Nhưng, khi hai thửa lúa liền kề gặt xong thì lộ ra bờ cỏ non được bảo vệ bấy lâu nay mới đích thị là phần thưởng cho trâu, bò. Những bờ cỏ tốt tươi hào phóng đãi cho những “bạn của nhà nông” từng gò lưng kéo cày vất vả, mùa đông rét mướt đói kém, một bữa tiệc sum suê. Nên mới có bài ca dao sâu đằm mà phảng phất phần tính toán chia phần “lợi tức” giữa người và trâu:  
 
             Trâu ơi ta bảo trâu này
             Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
             Cấy cày vốn nghiệp nông gia
            Ta đây trâu đó ai mà quản công
             Bao giờ cây lúa còn bông
             Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
 
Vâng, trâu ơi, dĩ nông vi bản! Dù xã hội tiến hóa đến thế nào, dù khoa học có phát minh, sáng chế đến đâu thì cây lúa vẫn mọc lên từ ruộng, trổ đòng ngậm sữa, chắc hạt nặng bông nuôi sống con người. Và, khi tháng 5 về, nông phu vào vụ gặt, học sinh bắt đầu nghỉ hè thì cánh đồng làng thực sự là một... bức tranh toàn cảnh ấm no, một đại nhạc hội. Là buổi sớm mai gió Nam về hây hẩy vẳng tiếng cu gù cuối xóm, là trưa hè nắng nôi thóc phơi đầy sân, là đêm trăng vẳng tiếng sáo trúc và xạc xào thân cau, bát nước chè xanh sóng sánh.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Có thể nào phôi phai ký ức về những ngày hè, khi mặt trời lên chói chang phía đằng Đông, ngọn gió Nam buổi sáng sớm thổi riu riu từ Tây Nam Trường Sơn, một trời phượng vỹ chói lòa, lộc vừng đong đưa bờ mương, bờ hói, và chín mươi ngày hè nhảy nhót "cả mùa xuân trong mùa hạ" của lũ trẻ đồng quê? Từng đàn trâu kéo ra từ chuồng trại của các đội sản xuất. Có chừng năm, sáu đàn như thế của mỗi hợp tác xã nông nghiệp.
 
Tất cả đều túa ra cánh đồng đang gặt hái. Và, trong khuôn hình "đại cảnh" đồng quê no ấm ấy, không còn phân biệt được đâu là nông phu đang nhẩn nha gặt hái, đâu là những "chị" trâu cái, nghé con thong thả gặm cỏ non ở các bờ thửa mới lộ ra và đâu là đám trẻ trâu đang hò hét quanh hai "đấu sĩ" trâu đực đang phân thắng bại.
                
Thời gian trôi như nước chảy chân cầu, như bóng câu qua cửa sổ. Cuộc sống lao về phía trước mặc người đời uổng công hoài niệm. Hoa phượng vẫn thắp lửa cả một trời chói chang, lộc vừng vẫn đong đưa bên bờ mương, bờ hói. Và, cánh đồng đã trơ gốc rạ. Và, bờ cỏ tốt tươi đã lộ ra hào phóng, chào mời.
 
Nhưng, không còn cái bức tranh "đại cảnh" thời xửa xưa ấy nữa rồi. Cuộc cách mạng cơ khí trong nông nghiệp đã đưa câu ca dao “Trâu ơi!” vào dĩ vãng. Không thể nói là không có chút ưu tư, hoài niệm. Thôi thì cứ giữ lấy ký ức như một di sản văn hóa mà luôn nhớ câu “dĩ nông vi bản” để cân bằng với một nền nông nghiệp đang bước ra biển lớn.
 
Với những ai từng được hưởng “một trời thần tiên", ve kêu, phượng đỏ đầy trời, lộc vừng đong đưa và ngọn gió Nam mướt mát trên đồng thì sẽ còn rất lâu nữa vẫn chưa quên vẻ hân hoan tận hưởng của những “bạn nhà nông” trên những bờ cỏ lộ ra trong mùa gặt hái. 
 
Ôi, những bờ cỏ, mãi mãi tốt tươi trong ký ức người đời!
 
Nguyễn Thế Tường