Nhà văn Văn Lợi "lợi nhờ văn"

  • 08:18 | Thứ Hai, 07/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà văn Văn Lợi buổi đầu đến với văn chương bằng sáng tác thơ. Bài thơ "Tự giác" của ông được giải A viết cho thiếu nhi năm 1960 do Hội Nhà văn Việt Nam phát động với bút danh Nguyễn Văn Lợi (tên khai sinh của ông).
 
Nhưng ông không đi học ngành Văn mà học Trường Công nhân kỹ thuật Trung ương rồi về làm việc tại Công trường thủy lợi Cẩm Ly. Thời bấy giờ, công trường Cẩm Ly là một điểm nóng hấp dẫn các nam nữ thanh niên.
 
Tuy nhiên, với năng khiếu viết văn, làm thơ sẵn có, năm 1966, Văn Lợi được tổ chức điều về làm việc ở Ty Văn hóa-Thông tin Quảng Bình; hàng ngày gần gũi với các nhà văn, nhà thơ: Xuân Hoàng, Trần Công Tấn, Nguyễn Văn Dinh, Dương Tử Giang… Ông viết báo, làm thơ, làm ca dao, làm sách.
 
Năm 1972, ông đã có tập thơ in chung với Trần Nhật Thu. Năm 1973, ông được cử đi học Trường Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Tại đây, ông được gặp gỡ nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Từ một cán bộ, bằng hoạt động văn hóa-văn nghệ, lớn lên từ thực tiễn, ông được bổ nhiệm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Văn hóa- Thông tin tỉnh Quảng Bình. Có thời kỳ ông giữ chức Tổng biên tập Tạp chí Nhật Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
 
Điều cảm phục ở con người này là sự gần gũi, ông luôn luôn tôn thờ chữ "tâm" và chữ "tình". Ngày mẹ ông mất, ông cho ra đời tập thơ "Tình Mẹ" hết sức cảm động mà không phải ai cũng làm được. Thơ ông giản dị, chân thực. Tài thơ của ông không nổi bật như Lâm Thị Mỹ Dạ, Trần Nhật Thu nhưng vẫn có những bài bạn đọc yêu thích như: "Làng mặt trận", "Đèo Ngang", "Phố biển tình anh", "Tơ trời"…
 
Bạn bè văn chương chúng tôi thường đùa nhau: Không hiểu Văn Lợi với Lâm Thị Mỹ Dạ “nồng độ” tình cảm thế nào mà dám thề với nhau “cùng chết!”... Lần ấy, Văn Lợi đèo Mỹ Dạ đi dự hội nghị bằng xe đạp qua đèo Lý Hòa. Đoạn xuống dốc nguy hiểm, Văn Lợi bảo Mỹ Dạ ôm chặt mình rồi nói: “Nếu anh em mình cùng chết ở đèo này thì người đời lấy tên anh em mình đặt tên đèo, chúng mình sẽ nổi tiếng đó! Mỹ Dạ đồng ý không?”. “Đồng ý!”-Mỹ Dạ đáp và theo dõi lòng dũng cảm của Văn Lợi.
 
Nào ngờ Văn Lợi chỉ thả phanh cho xe lao một đoạn rồi đột ngột phanh xe lại. Mỹ Dạ chê Văn Lợi nhát gan, sợ chết! Ngày hai người cho ra tập truyện thiếu nhi in chung "Phần thưởng muôn đời", mọi người đùa rằng đó là “kỷ niệm tình yêu” của hai nhà thơ thời còn trẻ.
 
Một lần anh em văn nghệ đến chơi nhà Văn Lợi đưa chuyện cũ, mới ra trêu chọc, kích động bà Khánh Tùng (vợ Văn Lợi). Bà Tùng không một chút tự ái, lại còn khen chồng: “Ông Văn Lợi yêu cô nào cũng tài và đẹp. Tùng rất tự hào về ông Văn Lợi!”. Thế là hết chuyện! Văn Lợi chỉ biết “cúi đầu” thú nhận trước vợ: “Anh không làm được thơ tình/Vì anh đã sống hết mình cho em”.
 
Đó là cách nói khiêm tốn, cách đùa nịnh vợ, còn thực tế, Văn Lợi vẫn lặng lẽ làm thơ tình và đã cho ra mắt bạn đọc một tập thơ tình dày dặn. Nhưng, khách quan mà nói "Thơ tình Văn Lợi" không ấn tượng bằng "Ngụ ngôn Văn Lợi". Đánh giá về tập truyện này, nhà thơ Xuân Hoàng từng viết: “Trong số ít ỏi những tác giả viết truyện ngụ ngôn hiện nay, Văn Lợi nổi lên như một hiện tượng hiếm hoi đáng quý trong cả nước”.
 
Bên cạnh viết truyện ngụ ngôn, Văn Lợi còn viết truyện thiếu nhi, truyện châm biếm. Ở Quảng Bình, có lẽ không ai làm câu đối chuẩn, sâu sắc và hay bằng Văn Lợi. Hai câu đối khắc ở Đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sỹ tỉnh Quảng Bình tại Quảng trường Hồ Chí Minh-Đồng Hới là của ông. Trời cho ông bộ nhớ khá tốt nên có những chuyện chỉ nghe qua một đôi lần mà ông vẫn nhớ rất lâu.
 
Văn Lợi có biệt tài ứng đối nhanh. Hồi chưa tách tỉnh, còn là Bình-Trị-Thiên, ông và tôi có thời là Thường trực Ban tổ chức cuộc thi "Viết, vẽ về chủ đề sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" do Sở Văn hóa-Thông tin, Sở Tư pháp và Báo Dân phối hợp tổ chức đạt kết quả tốt, khiến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi đó là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình-Trị-Thiên hết sức mừng rỡ.
 
Văn Lợi là người có năng lực quản lý, biết thu phục nhân tâm. Thời kỳ ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Nhật Lệ, nhờ quan hệ tốt, ông đã thu hút được những cộng tác viên có tên tuổi, uy tín như: Trần Bạch Đằng, Trần Quốc Vượng, Bảo Ninh, Nguyễn Tri Nguyên, Lê Tiến Dũng…
 
Đến chơi nhà Văn Lợi, điều mà khách nể phục về tài sản vô giá trong nhà ông là tủ sách đa dạng, phong phú. Ông sắp xếp ngăn nắp từng loại sách, không khác gì thư viện. Có lần tôi đùa bà Khánh Tùng: “Chắc Văn Lợi quý sách hơn tiền, phải không chị?”.
 
Bà Khánh Tùng nhanh nhảu đáp: “Sách cũng quý mà tiền cũng quý! Lý Hoài Xuân biết không, đi hội nghị, phong bì chỉ được mấy chục nghìn mà anh Văn Lợi vẫn cầm về cho Tùng đấy!”. Thì ra, ông Văn Lợi quý nhiều thứ: vừa quý sách, vừa quý tiền, vừa quý vợ, vừa quý “nàng thơ”, vừa quý thơ, vừa quý ngụ ngôn, châm biếm; truyện thiếu nhi cũng quý mà câu đối cũng quý!
 
Từ hồ Cẩm Ly về Ty Văn hóa, một bước ngoặt quan trọng trong đời Văn Lợi. Văn Lợi nhờ văn thơ, câu đối mà được nhiều cái lợi; quả như nhà văn Hoàng Bình Trọng nói: “Văn Lợi lợi nhờ văn”.
 
Lý Hoài Xuân