"Ngày về" - Tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi cuối cùng của nhà văn Hoàng Bình Trọng

  • 09:08 | Thứ Năm, 03/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đón xuân Tân Sửu, Ban chủ nhiệm CLB Văn nghệ Quảng Minh đến trao quà Tết cho nhà văn Hoàng Bình Trọng. Ông vui lắm, bắt tay từng người một rồi lấy trong tủ ra một chồng sách: “Đây là tập truyện ngắn "Ngày về". Những cuốn sách cuối cùng mình tặng cho các bạn. Mấy bữa nay mình thấy trong người yếu lắm rồi. Có lẽ năm nay mình sẽ về với các cụ”. Thế rồi, ngày 26-2-2021, ông lặng lẽ ra đi. Ông đã gửi lòng mình qua từng trang viết trong tập truyện ngắn "Ngày về".             
 
Trang bìa tập truyện ngắn
Trang bìa tập truyện ngắn "Ngày về" của nhà văn Hoàng Bình Trọng, NXB Thuận Hóa, 2021.
Hoàng Bình Trọng sinh năm 1937 tại Chợ Đũi-Sài Gòn nhưng ông khai là năm 1942. Ông nói đó là năm ông theo cha về Quảng Bình. Năm 3 tuổi, mồ côi mẹ nên 5 tuổi, ông phải theo cha về quê sống lênh đênh trên sông nước. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam, đánh ra Quảng Bình. Cả nhà chạy giặc và ông bị lạc cha từ đó.
 
Ông vào trại trẻ mồ côi ở vùng tự do Thanh-Nghệ-Tĩnh. Năm 1948, trại trẻ mồ côi bị máy bay giặc Pháp ném bom đốt cháy. Ông được vợ chồng ông Mẹt Vạt ở huyện Đức Thọ-Hà Tĩnh đem về nuôi. Cuộc đời rất cơ cực, bởi thế, những ký ức tuổi thơ đã "lặn" vào tác phẩm của ông qua từng trang viết. Tiểu thuyết để đời “Bí mật một khu rừng” viết cho thiếu nhi được in lần đầu năm 1971, lúc ông đang ở chiến trường Lào. Tác phẩm được tái bản nhiều lần và dịch ra tiếng nước ngoài.
 
“Ngày về” là cuốn sách thứ 27 của ông. Ông tập hợp 21 truyện ngắn được chắt lọc, chọn ra từ 6 tập truyện ngắn trước. Trong đó có nhiều truyện dành riêng cho thiếu nhi, như: Ngày về, Cuốn sách học vần, Bát canh cua đồng, Chiếc đèn ông sao, Cái phích, Sang sông, Ông và cháu, Con ranh, Bộ quần áo mới, Bà lão ngoài quê, Bất ngờ, Quả trứng… “Ngày về” là thông điệp của những tâm hồn trẻ thơ gửi tới người lớn. Nhân phẩm của con người, giá trị chân-thiện-mỹ được phân tích, mổ xẻ dưới ánh sáng, góc nhìn của con trẻ.  
 
Truyện ngắn “Cái phích” là một ví dụ. Trong tác phẩm, ông lên án sự thất đức, trái đạo lý của vợ chồng kỹ sư Trần Quang Lợi đối với người mẹ rứt ruột đẻ ra mình. Truyện ngắn thấm đẫm tính nhân văn, ca ngợi tấm lòng vị tha, tình thương vô bờ của cu Thắng, đứa cháu đích tôn của bà cụ. Cu Thắng đã phải đi làm cái bị thịt cho một lò luyện võ đấm để lấy tiền cho bà nội đền cha mẹ cái phích bà lỡ tay đánh vỡ. Cu Thắng đã bị đánh cho đến kiệt sức và trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện. Cái chết của em đã cảnh tỉnh cho những người làm cha, làm mẹ có lối sống ích kỷ, tôn thờ đồng tiền, của cải.
 
Hay truyện ngắn “Con ranh” cũng vậy. Mụ Hoàng Anh quan hệ bừa bãi, nạo thai nhiều lần, sinh con vứt ra ngoài đường. Khi đã đứng vào được hàng ngũ “đại gia” thì hết kỳ sinh nở. Mụ quay về tìm lại đứa con. Vô vọng. Mụ đến nhờ thầy bói. Tin lời thầy, con của mụ đã thành "Hồng Ngọc Tiên Cô", mụ đắp bức tượng thờ. Mụ xin Lượm về chăm sóc khu vườn và quét dọn, thắp hương thờ bức tượng. Mụ bắt Lượm phải ngủ trong xó bếp và ăn những thứ cơm thừa, canh cặn. Thậm chí có lần, mụ đấm, đá, bạt tai, bóp cổ con bé đến chết giấc.
 
Trái lại, Lượm chăm bẳm, yêu thương con mèo tội nghiệp lạc mẹ khi mới lọt lòng. Khi mụ bắt con mèo đen để nấu cao cho lão tình nhân thì Lượm ôm con mèo trốn đi. Mụ về quê gặp lại người chị để tìm cho bằng được Lượm trị tội. Qua người chị, mụ mới biết Lượm chính là đứa con mà mụ đã rứt ruột đẻ ra. Mụ hóa rồ, hóa dại lao đi. Bằng lối so sánh ngầm (ẩn dụ), nhà văn đã ca ngợi lòng yêu thương con mèo của Lượm để lên án lối sống ích kỷ, hẹp hòi của không ít người trong xã hội, họ không bằng một đứa trẻ.  
 
Đặc biệt, truyện “Ngày về” viết về chuyện của người lớn nhưng nhân vật chính lại là thiếu nhi. Khi biết vợ có đứa con ngoài giá thú, cựu chiến binh Phan Cự Chiến đã đòi ly hôn. Và chính Phan Cự Thắng, đứa con riêng hiếu thảo của vợ ông chứ không ai khác đã làm thay đổi cục diện. Niềm tự hào vì có một người cha là “liệt sỹ”, cu Thắng đã kéo hai vợ chồng họ lại với nhau.
 
Cái kết có hậu. Phan Cự Chiến đã thốt lên: “Chính nhờ lòng mong mỏi của con mà bố vượt qua bao phen vào sinh ra tử để có ngày hôm nay”. Và: “Cu Thắng nhảy vào lòng Chiến với tất cả sức mạnh của một đứa con tưởng cha mình đã vĩnh viễn mất đi, nay đột ngột quay về đoàn tụ”.   
 
Truyện “Nấm mồ thứ sáu” là truyện viết cho người lớn ông nhờ tôi đánh máy và gửi cho Dương Kim Thoa, biên tập viên văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau này, ông có sửa lại một ít chi tiết và đổi tên thành “Nấm mồ hoang”. Truyện kể về một bác sỹ của đối phương tên là Châu Quyền mà ta bắt được trong trận đánh đồn A So. Đồng chí y tá hy sinh, Châu Quyền được Trần Văn Quang, đại đội trưởng giữ lại làm thầy thuốc cho đơn vị. Đêm 20-4-1971, đại đội ông nhận nhiệm vụ tập kích đồn Đầm Chuối. Khi đột phá khẩu đánh đến hàng rào thứ 3 thì 2 chiến sỹ đánh bộc phá hy sinh. Châu Quyền lao lên nhặt quả bộc phá từ tay đồng đội giật nụ xòe.
 
Đột phá khẩu được mở. Mười phút sau, quân ta làm chủ vị trí Đầm Chuối. Bên ta 6 người hy sinh, trong đó có Châu Quyền. Chính trị viên trưởng lúc đó là Nguyễn Cự Đỉnh khăng khăng Châu Quyền là “một tên lính ngụy mạt hạng” và không cho chôn chung cùng các liệt sỹ khác. Đỉnh đã nói năng xúc phạm quá nhiều về vong linh Châu Quyền buộc ông phải cho Đỉnh 2 cái tát. Miền Nam hoàn toàn giải phóng ông giải ngũ về quê.
 
Ba mươi mốt năm sau, ông trở lại chiến trường xưa giúp đội tìm kiếm hài cốt liệt sỹ tìm được khu mộ. Vốn là một kỹ sư địa chất, ông biết bom đã làm thay đổi dòng chảy của suối “Không tên”. Vẫn gặp phải hòn đá tảng bảo thủ, cố chấp, cực đoan Nguyễn Cự Đỉnh. Đỉnh bây giờ đã là trưởng ban quân lực của quân khu. Đỉnh kiên quyết không cho đem hài cốt Châu Quyền vào trong nghĩa trang liệt sỹ.
 
Tất cả đều bế tắc. Chính lúc đó ông Quang đã vào bản người Vân Kiều đóng một cái tiểu bằng gỗ gụ có hình “lưỡng long chầu nguyệt” phía đầu, có dòng chữ Hán “Tiên cảnh nhàn du” trên nắp ván thiên, chạm nhiều hoa lá chim muông. Ông đem hài cốt Châu Quyền về khu lăng mộ họ Trần của nhà mình.  
 
Trong tác phẩm của mình, Hoàng Bình Trọng xây dựng hai tuyến nhân vật đối kháng. Những chi tiết hấp dẫn, đắt giá đã lôi cuốn người đọc ngay từ đầu. Truyện được viết theo lớp lang chặt chẽ, có nhiều tình huống tạo thành nút thắt, kịch tính đẩy mâu thuẫn nhân vật lên đến đỉnh điểm.
 
Ông khéo léo dẫn dắt người đọc cùng mình suy nghĩ, tìm cách giải quyết. Cái tài của ông là kết thúc bất ngờ, thấu tình đạt lý mà không phải ai cũng nghĩ ra được. Ngôn ngữ trong tác phẩm Hoàng Bình Trọng mộc mạc, trong sáng, câu văn giản dị, không trau chuốt nhưng lấp lánh chất thơ. Truyện ngắn giàu tính giáo dục, rất nhân văn, ấm áp tình người.
 
Vốn là một kỹ sư địa chất học rộng, biết nhiều, ông đã vận dụng những kiến thức xã hội, tự nhiên một cách thông minh, tài tình, biến hóa khôn lường trong tác phẩm. Dù viết cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc mãi vẫn không biết chán. Hoàng Bình Trọng đã góp một gương mặt sáng giá viết cho thiếu nhi của nền văn học đương đại Việt Nam.
                                                                                              Hoàng Minh Đức