Muôn nẻo... nhưng chỉ một đích đến

  • 09:05 | Chủ Nhật, 20/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bảo vệ rừng là chủ đề xuyên suốt trong tập sách “Muôn nẻo đường rừng” của tác giả Nguyễn Tâm Phùng. Một chủ đề quen thuộc nhưng có lẽ với cách thể hiện chân thực mà sinh động cùng với những tư liệu phong phú “đầy gai góc” đã làm cho tập sách như “nặng” hơn…
 
Nguyễn Tâm Phùng là cây bút không còn xa lạ với bạn đọc xa gần. Nhưng có điều không phải ai cũng tỏ tường, rừng hình như có “duyên nợ” gì đó với anh. Hơn chục năm ở Báo Quảng Bình, Tâm Phùng là phóng viên chuyên trách mảng “Bảo vệ và phát triển rừng”.
 
Sau khi chia tay với tờ báo tỉnh năm 2007, anh lại “vào rừng” ở Báo Nông nghiệp Việt Nam cho đến tận bây giờ. Và chắc là đến ngày anh “hạ cánh” cũng trên “cánh rừng” Báo Nông nghiệp Việt Nam. Có lẽ vì thế mà “vốn rừng” của anh thật phong phú cùng nỗi niềm đau đáu với rừng từ thuở thiếu thời để có những trang viết hút người đọc.
 
Rừng Quảng Bình thật phong phú, nhiều gỗ quý và tuyệt đẹp. Nhưng cũng chính điều đó đã cuốn những kẻ bất nhân và một bộ phận cư dân gần rừng vì miếng cơm manh áo vào cuộc tàn phá rừng triền miên. Tâm Phùng đã khắc họa nỗi đau của rừng trong phần đầu tập sách với tên gọi “Tiếng vọng của rừng thẳm” qua những bài viết “nóng hổi”: “Phá rừng như chém”, “Tan hoang những cánh rừng già”…
 
Có lẽ những ai dù có vô tâm cũng không khỏi quặn lòng khi thấy những cây gỗ hàng trăm năm tuổi đổ ngã nghiêng với những nhát cắt sắc lẹm trong những bức ảnh mà tác giả đã chụp từ hiện trường. Rồi những cánh rừng tan hoang, những tốp phá rừng hầm hố xông thẳng vào rừng, những lán trại của lâm tặc giăng mắc khắp trên những cánh rừng gỗ quý… được tác giả đặc tả làm người đọc càng nhức nhối.
Tập sách “Muôn nẻo đường rừng” của tác giả Nguyễn Tâm Phùng.
Tập sách “Muôn nẻo đường rừng” của tác giả Nguyễn Tâm Phùng.
Nhưng nỗi đau còn nhân lên khi công tác bảo vệ rừng có những “lỗ hổng”. Lỗ hổng là cách nói tránh thôi, thực ra đâu đó đã có những cái “bắt tay” đầy ma quái giữa bảo vệ rừng và lâm tặc… Tập sách cũng đã tả cận cảnh những vụ phá rừng gỗ quý hiếm.
 
Những bài “ Vết cắt từ rừng gỗ quý Phong Nha”, “Lo lắng gỗ huê”, “Vén màn ba cây gỗ huê nghìn tỷ”… đã phơi bày một thực trạng đáng báo động: thứ gỗ có giá trị cực kỳ cao trong sâu thẳm rừng Phong Nha đang bị tỉa dần. Nếu gỗ huê chủ yếu là xuất khẩu thì gỗ mun lại là thứ để chế tác đồ gia dụng quý giá, tất nhiên địa chỉ của nó không phải là những ngôi nhà cấp 4…
 
Trong những năm qua, cuộc chiến bảo vệ rừng cũng đã được đẩy mạnh. Nhiều vụ án về phá rừng đã được khởi tố, chân tướng của những “đầu nậu” phá rừng đã bị trừng phạt, nhiều “đường dây” phá rừng đã bị chặt đứt… Những điều này cũng đã được tác giả dành nhiều trang sách để phân tích về cả hai mặt, tích cực và tiêu cực.
 
Cùng với những bài viết về khía cạnh này, tác giả đã chia sẻ với lực lượng bảo vệ rừng ở nhiều góc độ khác nhau. Sự đồng cảm về những khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm khi đối đầu với lâm tặc được thể hiện qua những bài viết “Đổ máu để giữ rừng”, “Tết nghèo giữa rừng”…
 
Bên cạnh thực trạng rừng bị tàn phá dữ dội cũng đã lóe lên những vệt sáng đáng mừng, được tác giả đề cập đến trong phần 2 của tập sách với tên gọi khá lãng mạn “Rừng ngàn gió hát”. Vâng, có bao kẻ phá rừng thì cũng không ít người cần mẫn trồng rừng và họ đã làm được điều kỳ diệu trong “Ba mươi năm trồng rừng gỗ quý” hay “Rừng lim dưới dãy đá Giăng”…
 
Cũng trong tập sách, chúng ta cùng trở lại những năm tháng cuối thế kỷ trước với những câu chuyện ly kỳ trong “Ngậm ngãi tìm trầm” mà tác giả là người trong cuộc. Đấy cũng là những tâm sự mang tính nhân văn của tác giả-người trong cuộc về rừng. Phải chăng chính những năm tháng gắn bó với rừng đã thôi thúc tác giả “bám chặt” rừng để “trả nợ rừng” trong suốt mấy chục năm cầm bút?
 
Gấp lại cuốn sách, thông điệp hãy bảo vệ những cánh rừng quý giá mà tạo hóa đã ban tặng sẽ đọng mãi trong lòng người đọc.
 
                                                                               Văn Hoàng