Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba Minh Hóa năm 2021: Độc đáo, hấp dẫn, ấn tượng

  • 07:26 | Thứ Tư, 14/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 1 năm bị gián đoạn do dịch Covid-19, Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2021 sẽ tiếp tục được diễn ra từ ngày 21 đến 26-4-2021 (từ ngày 10 đến 15-3 âm lịch).
 
Sự kiện nhằm mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn; đồng thời, cũng là dịp để Minh Hóa giới thiệu với khách thập phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư những tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch.
 
Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Đinh Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2021 về công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. 
Các gian hàng giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng của địa phương trong Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.
Các gian hàng giới thiệu, bán các sản vật đặc trưng của địa phương trong Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.
PV: Xin đồng chí cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Tuần lễ văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa năm 2021 diễn ra như thế nào?
 
Đ/c Đinh Văn Lĩnh: Để chuẩn bị cho sự kiện năm nay, UBND huyện đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch từ đầu tháng 3-2021. Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, UBND huyện đã thành lập Ban tổ chức, giao Ban tổ chức thành lập các tiểu ban để thực hiện. Ban tổ chức cũng đã ban hành điều lệ, thể lệ của các nội dung thi đấu thể thao tại sự kiện. UBND huyện cũng đã chủ động làm việc với các sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan để tranh thủ ý kiến góp ý và tạo sự đồng thuận giúp đỡ cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
 
Đến thời điểm hiện nay, mọi công tác chuẩn bị đang được diễn ra một cách khẩn trương. Về công tác tuyên truyền, chúng tôi  đã phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh để thông tin, quảng bá về văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên, con người Minh Hóa trước, trong và sau Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2021.
 
Về công tác hậu cần và các công tác khác, hiện nay, UBND huyện đang tích cực chỉ đạo chỉnh trang, tổng dọn vệ sinh tại thị trấn Quy Đạt và các điểm du lịch, di tích lịch sử… Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở cho đại biểu và du khách trong những ngày diễn ra sự kiện, bảo đảm an toàn, chất lượng tốt nhất có thể; đặc biệt là các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19. Hiện các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đang tích cực chuẩn bị, tập luyện để tham gia các hoạt động.  
 
Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành toàn bộ các chương trình, kế hoạch, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ đến từng cơ quan đơn vị và các cá nhân. Các công việc còn lại đang tiếp tục được triển khai theo kế hoạch và sẽ hoàn thành trước ngày 19-4-2021 (tức ngày 8-3 âm lịch).
 
PV: Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2021 có những hoạt động nổi bật nào, thưa đồng chí?
 
Đồng chí Đinh Văn Lĩnh: Sự kiện năm nay sẽ có các hoạt động chính, như : Lễ dâng hương tại Thác Bụt và Hội Rằm tháng Ba truyền thống tại chợ Quy Đạt. Các hoạt động thể thao, như: giải vô địch bóng chuyền; giải vô địch bóng đá nam toàn huyện; giải thi đấu các môn thể thao truyền thống và các trò chơi dân gian của các dân tộc trên địa bàn huyện (bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, cờ thẻ, đánh đu, ném xoang, cà kheo, thả diều, vật dân tộc…). Các hội diễn và chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục văn nghệ độc đáo, dân ca, dân vũ truyền thống của các nghệ nhân quê hương Minh Hóa.
 
Đặc biệt, năm nay, huyện Minh Hóa còn long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng di sản phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá” và bằng công nhận di tích lịch sử căn cứ kháng chiến vua Hàm Nghi tại Minh Hóa.
 
Ngoài ra, trong chương trình, còn có các hoạt động trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực, du lịch với khoảng 20 gian hàng của các xã, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn huyện nhằm giới thiệu các hình ảnh đẹp, độc đáo về quê hương, đất nước, con người huyện Minh Hóa và những giá trị ẩm thực độc đáo đến khách du lịch.
 
PV: Thưa đồng chí, sau một năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, năm nay, sự kiện được tổ chức quy mô và có nhiều hoạt động đặc sắc hơn những năm trước, vậy mục đích và ý nghĩa của việc này là gì?
 
Đồng chí Đinh Văn Lĩnh:  Như chúng ta đã biết, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch Quảng Bình nói chung và huyện Minh Hóa nói riêng. Huyện Minh Hóa không tổ chức được Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba năm 2020; các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện đều bị “đóng băng”. 
 
Ở thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 ở nước ta đã cơ bản được khống chế thành công, vì vậy,  Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2021 được huyện chủ trương tổ chức quy mô và có nhiều hoạt động đặc sắc hơn những năm trước đây. Mục đích của việc này là nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người, cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của vùng đất Minh Hóa đến đông đảo bạn bè trong cả nước; tạo ấn tượng và điểm nhấn để thu hút sự chú ý và tham gia của du khách thập phương; góp sức cùng ngành du lịch Quảng Bình hồi phục các hoạt động để thu hút du khách sau khi dịch Covid-19 được khống chế. 
Các trò chơi dân gian tại Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.
Các trò chơi dân gian tại Hội Rằm tháng ba Minh Hóa.
PV: Minh Hóa có tiềm năng lớn để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, vậy thời gian tới, huyện đã có những kế hoạch và giải pháp như thế nào để khai thác thế mạnh này? Qua đó, du khách không chỉ đến với Minh Hóa trong những ngày Hội Rằm tháng ba mà có thể đến quanh năm, góp phần đưa về nguồn thu, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thưa đồng chí ?
 
Đồng chí Đinh Văn Lĩnh: Có thể khẳng định rằng Minh Hóa là một trong những huyện có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Minh Hóa là mảnh đất kiên cường, bất khuất trong đấu tranh cách mạng nên hiện lưu giữ một hệ thống các di tích, địa danh nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc, như: Cổng Trời, trận địa pháo Nguyễn Viết Xuân, Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đèo Đá Đẽo, ngầm Khe Rinh, Khe Ve, Cà Tang, đình Kim Bảng... Minh Hóa là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với núi rừng hùng vĩ, thung lũng, sông suối, hang động tự nhiên và là lợi thế so sánh hàng đầu trong các địa phương để phát triển du lịch sinh thái, khám phá và trải nghiệm, như: hệ thống hang động Tú Làn ở xã Tân Hóa, thác Mơ ở xã Hóa Hợp, Nước Rụng ở xã Dân Hóa, Thác Bụt-Giếng Tiên ở xã Yên Hóa, hang Rục Mòn, hồ Yên Phú và các hang động ở các xã: Thượng Hóa, Hóa Tiến, Hóa Thanh, Hóa Sơn...
 
Không chỉ có lợi thế về cảnh quan tự nhiên và giá trị lịch sử, Minh Hóa còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật, nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của các dân tộc anh em Kinh, Chứt, Bru-Vân Kiều; điệu hò thuốc cá, đúm, ví, hát ru, hát bội, hát kiều, các trò chơi và hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc…
 
Với tiềm năng đó, Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định tiếp tục phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, giúp huyện phát triển bền vững. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, cùng với tác động của dịch Covid-19, du lịch ở Minh Hóa vẫn đang ở dạng tiềm năng, chưa phát huy được các thế mạnh.
 
Thời gian tới, khi dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế hoàn toàn, chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, kêu gọi đầu tư, xúc tiến du lịch, xây dựng các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn.
 
Ở địa phương, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân thay đổi tư duy, tự ý thức bảo vệ môi trường vì thế mạnh của du lịch Minh Hóa là các khu rừng nguyên sinh tự nhiên, các hang động và di tích lịch sử nên phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm. Chúng tôi khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống để sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng và du lịch; đầu tư để hình thành các bản làng làm du lịch nhằm tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, huyện định hướng và chỉ đạo để người dân tập trung sản xuất các loại hàng hóa có tính đặc trưng, các sản phẩm ẩm thực của địa phương để phục vụ nhu cầu của khách du lịch trong tương lai; vận động người dân tham gia làm du lịch theo mô hình homestay để từng bước hình thành phong trào phát triển du lịch, dịch vụ…
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Box: Chương trình Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa năm 2021:
 
-Từ ngày 16 đến 26-4-2021, tại sân vận động huyện diễn ra giải vô địch bóng đá nam (7 người).
 
-Từ ngày 21 đến 25-4-2021, tại sân vận động và Trung tâm giáo dục thể chất huyện diễn ra giải vô địch bóng chuyền huyện Minh Hóa năm 2021 và giải cầu lông huyện Minh Hóa lần thứ nhất.
 
- Từ ngày 22 đến 25-4-2021, diễn ra giải thi đấu các môn thể thao truyền thống trong Hội Rằm tháng ba Minh Hóa và các trò chơi dân gian.
 
- 20h ngày 23-4-2021, tại Trung tâm Văn hóa huyện Minh Hóa, diễn ra chương trình giao lưu các làn điệu dân ca, hát đúm, ví, ca trù…, trong đó, lấy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá" làm trọng tâm.
 
- 20h các ngày 24 và 25-4-2021, giao lưu các ban nhạc đường phố mừng lễ hội.
 
- 8h ngày 25-4-20201, diễn ra Lễ dâng hương tại Thác Bụt (xã Yên Hóa)
 
- 20h ngày 25-4-2021, tại sân vận động Minh Hóa, chương trình Khai hội và Chương trình nghệ thuật tổng hợp tái hiện truyền thống Hội Rằm tháng ba và quá trình hội nhập, phát triển của huyện Minh Hóa; đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian hò thuốc cá” và bằng công nhận di tích lịch sử căn cứ kháng chiến của vua Hàm Nghi tại Minh Hóa. Chương trình được truyền truyền hình trực tiếp trên sóng QBTV, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình.
 
- Từ ngày 24 đến 26-4-2021 trưng bày không gian văn hóa, ẩm thực và giới thiệu, quảng bá du lịch huyện Minh Hóa.
 
-Ngày 26-4-2021, tại chợ Quy Đạt diễn ra Hội chợ truyền thống Rằm tháng ba Minh Hóa.
 
Phan Phương (thực hiện)