Tháng ba đi cất tép đồng

  • 09:29 | Chủ Nhật, 04/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng ba đã về với những trận mưa “ra thóc, ra gạo” không chỉ giục cây lúa đâm mầm đẻ nhánh “phất cờ mà lên”, mà còn giúp bao loài thủy sinh sống trên đồng ruộng sinh sôi, nảy nở. Và khi đó, những người phụ nữ làng tôi lại bước vào vụ cất vó tép mới.
 
Mỗi bộ vó tép thường có từ 20 đến 100 chiếc. Vó tép được làm từ một mảnh vải màn hình vuông hoặc hình chữ nhật. Vó được khâu thêm hai miếng vải thô, to bằng bàn tay để phết hồ lên đó, làm mồi cho tép. Bốn góc vó được buộc chắc chắn với gọng tre đã được hun kĩ bằng bồ hóng. Sắm thêm hai chiếc rổ mau, một chiếc giỏ cua, cái ống đựng cám, chiếc cần cất vó bằng cây trúc hay hóp loại nhỏ, thế là đủ đồ nghề cho việc cất vó.
 
Đợi ngày nắng đẹp, chị tôi mang vó ra để phết hồ. Hồ vó được nấu bằng bột gạo thật loãng cùng với nước vôi và hàn the. Nếu không có bột thì nấu bằng gạo hạt thật nhừ như hầm cháo, rồi đánh nhuyễn. Dùng muôi canh múc hồ từng ít một, thoa đều lên mảnh vải, rồi đem ra phơi nắng. Chừng một tiếng đồng hồ sau, miếng hồ vó đã khô cứng, phủ một lớp bột gạo mỏng và trong suốt.
 
Ngày trước, quê tôi còn cấy những giống lúa thân cao như mộc tuyền, nếp nõn tre, nếp bắc… nên khoảng cách hàng mương giữa các cây lúa khá rộng, đủ chỗ để đặt vừa chiếc vó tép. Đặt mấy chiếc rổ và nắm cơm muối vừng ở đầu bờ mương, chị tôi cầm cần, xách vó đi thả. Cứ khoảng mươi bước chân lại thả một chiếc, lần lượt cho đến hết. Đường thả vó cần phải tạo thành một vòng tròn khép kín để thuận tiện lúc đi cất. Thường thì vó được thả dọc hai bên bờ mương, quanh một thửa ruộng, khi hết vó thì cũng là lúc về đến điểm xuất phát.
 
Ăn mấy miếng cơm nắm lót dạ và đợi khoảng 15 phút-thời gian đủ để tép bén hơi, kéo nhau về ăn hồ trên vó, chị tôi buộc thêm chiếc giỏ cua ngang hông và cầm cần ngoắc vào sợi dây buộc chéo miệng rổ để đi cất tép. Trong chiếc rổ bao giờ cũng có một nắm lá tre để tép không nhảy ra ngoài. Có nhiều chiếc vó khi cất lên còn bắt được cả cua, rạm. Ngày ấy, tép còn rất nhiều, lại cất lúc buổi sáng khi tép còn đói mồi nên khi cất lượt đầu tiên, mỗi chiếc vó phải được chừng vốc tép. Cất hết vòng cũng đã được dăm ống tép. Những lượt sau, mặc dù đã được ném thêm vào vó một ít cám rang trộn cánh hồi thơm nhưng tép cứ ít dần đi vì chúng đã quen hơi mồi, không vào vó nữa. Lúc đó cũng đã nửa buổi, mặt trời lên cao bằng hai cây sào…
 
Tép cất về, rang làm thức ăn và làm mắm không xuể nên chủ yếu được phơi khô, đựng vào túi giấy bóng cất kĩ. Cứ mỗi tuần một bận, mẹ tôi lại đổ tép khô vào thúng, đội lên chợ huyện bán dần, lấy tiền chi tiêu, mua sắm các vật dụng thiết yếu cho gia đình…
 
Rồi tôm, tép, cua, cá trên đồng ngày càng ít dần đi do thuốc bảo vệ thực vật. Mấy đứa cháu gái của tôi nghe kể chuyện đi cất vó tép của mẹ nó 30 năm trước mà cứ ngỡ như chuyện cổ tích tự năm nảo năm nào…  
 
Trần Văn Lợi