Đội ngũ văn nghệ sỹ trong cuộc trường chinh của dân tộc

  • 08:37 | Thứ Sáu, 30/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cứ mỗi lần đến ngày 30-4 mừng đất nước thống nhất liền một dải-mục đích tối thượng của dân tộc ta trong cuộc trường chinh ba thập kỷ vừa qua, chúng ta lại bồi hồi nghĩ tới những hy sinh không kể xiết của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó đóng góp của đội ngũ văn nghệ sỹ Bình Trị Thiên-nơi “đụng đầu lịch sử”-là điều đã được lịch sử thừa nhận.
 
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê thời còn ở đường 12A.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê thời còn ở đường 12A.
Văn nghệ Bình Trị Thiên có một chỗ đứng đáng kể trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam, kể từ sau Cách mạng Tháng 8-1945. Chính trên dải đất này, tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên của cả nước được được thành lập ngay sau Cách mạng Tháng Tám.
 
Lật mở lại những trang tư liệu từ ba phần tư thế kỷ trước, hình dung những hoạt động văn nghệ liên tục sôi nổi ngày đó, từ việc ra báo, tổ chức triển lãm, lập đoàn tuyên truyền lưu động đi các địa phương…, lòng thật vui trước khí thế náo nức và tình đoàn kết rộng mở ngày đầu cách mạng.
 
Những tên tuổi như Hải Triều, Hoài Thanh một thời từng “đối đầu” trong cuộc tranh luận học thuật, ngày 15-9-1945 đã cùng nhà văn Thanh Tịnh, nhân danh “Ban Tổ chức”, ký tên vào một văn bản kêu gọi các nhà văn, nhà báo, kịch sỹ, họa sỹ, nhạc sỹ và các nhà nhiếp ảnh tham gia thành lập Liên đoàn Văn hóa Trung bộ.
 
Năm 1947, khi mặt trận Huế vỡ, thực dân Pháp bắt đầu tấn công và chiếm đóng nhiều vùng thuộc cả 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình thì những văn nghệ sỹ từng là thành viên sáng lập tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên được thành lập tại Huế đã mau chóng kết nối, mở rộng hoạt động ra khắp vùng Bình Trị Thiên.
 
Những năm tháng đó, mặt trận Bình Trị Thiên đã thành một tên gọi thân thương, thành một vùng đất gắn bó máu thịt trong khói lửa, có nhiều tấm gương dũng cảm được cả nước tôn vinh, là nơi hội tụ nhiều văn nghệ sỹ tài năng của cả nước. Sau Đại hội lần thứ nhất Đoàn văn nghệ Kháng chiến Liên khu 4 (tháng 3-1948), nhiều văn nghệ sỹ tên tuổi lần lượt vào chiến trường Bình Trị Thiên sáng tác và biểu diễn phục vụ.
 
Vì sự nghiệp kháng chiến cao cả và tình yêu thương nhân dân, bộ đội Bình Trị Thiên anh dũng và đau thương trong khói lửa, không ai còn nghĩ nhà thơ Lưu Trọng Lư quê Quảng Bình sao lại được cử làm Trưởng đoàn Thừa Thiên và đội quân văn nghệ sỹ với những tên tuổi ưu tú như Bùi Hiển, Phan Nhân, Nguyễn Hồng, Mặc Hy, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Xuân An, Hoàng Tuấn Nhã, Hồng Chương, Đình Quang, Nguyễn Khắc Thứ, Chế Lan Viên, Dương Tường, Lương An, Tấn Hoài, Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh…
 
Không ai còn nghĩ mình quê ở tỉnh nào, hăng hái đi vào vùng tạm chiếm Bình Trị Thiên, đồng cam cộng khổ với nhân dân, sẵn sàng hy sinh để có tác phẩm mới. Trong đợt công tác này, nhạc sỹ Nguyễn Hồng đã hy sinh ngày 19-11-1949, trong khi nhiều tác phẩm mới ra đời, tiêu biểu nhất là ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Đó là hình ảnh đẹp nhất của văn nghệ Bình Trị Thiên thời kháng chiến chống Pháp.…
 
Nhà báo-nhà văn-dịch giả Phan Quang, vượt qua tuổi 90, trong tập tuyển truyện ngắn vừa in đầu năm 2020 “Tím ngát tuổi hai mươi” (NXB Văn học) đã cho in lại những sáng tác đầu tay của ông được viết chính vào thời “Bình Trị Thiên khói lửa”, trong đó có truyện “Lửa hồng”.
 
Đó là lúc ông làm phóng viên Báo Cứu Quốc tại Liên khu 4. Tác giả đã kể lại xuất xứ truyện ngắn này trong hồi ký “Trên những nẻo đường này xưa ta đã đi” (NXB Văn học, 12-2019) như sau: Cuối năm 1948, Phan Quang (lúc đó lấy bút danh Hoàng Tùng) vừa từ vùng địch hậu Bình Trị Thiên ra, tòa soạn họp xem lại số báo mừng xuân mới, nhà thơ Chế Lan Viên thấy thiếu một truyện ngắn hay đã bảo: “Hoàng Tùng từ vùng địch hậu mới ra, hãy viết truyện gì về trong nớ đi!”…
Cầu Dài ngày đầu ngừng bắn.
Cầu Dài ngày đầu ngừng bắn.
Truyện ngắn “Lửa hồng” không phải là tác phẩm xuất sắc thời kỳ này, nhưng nhà văn Phan Quang là một trong rất ít nhân chứng một thời “Bình Trị Thiên khói lửa” còn sống đến hôm nay. Trong hai cuốn sách vừa dẫn, ông đã cho chúng ta gặp lại những tên tuổi hàng đầu văn học Việt Nam như Chế Lan Viên, Bùi Hiển… đã dấn thân vào cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc như thế nào: “Bình Trị Thiên thành điểm hẹn và mối cơ duyên giữa nhiều nước cầm bút. Chế Lan Viên và Bùi Hiển gặp lại nhau trong một buổi tối vượt qua quốc lộ I, nơi địch thường phục kích…”. Những ngày sống tại vùng địch hậu, nhiều lần gặp địch càn, vậy mà ông rất thích thú, cố tình “vô kỷ luật”, kéo dài thời gian ở chiến trường…
 
Cũng với tinh thần đó, bước sang cuộc kháng chiến lần thứ hai, tuy hình thái cuộc chiến đấu có khác nhau, nhưng văn nghệ Bình Trị Thiên vẫn là một mặt trận, nếu không quá khiêm tốn thì có thể nói rằng văn nghệ Bình Trị Thiên vẫn luôn tạo nên sự kiện và tác giả đứng ở tốp đầu so với cả nước.
 
Trong khi Quảng Bình là tỉnh đầu tiên ở miền Bắc thành lập Hội Văn nghệ với các thành viên sáng lập là các cây bút trưởng thành từ thời chống Pháp như Xuân Hoàng, Dương Tử Giang, Trần Công Tấn… thì trên chiến trường Trị Thiên, bắt đầu từ các năm 1964-1966, lại là điểm hội tụ nhiều tài năng văn nghệ…
 
Từ đó cho đến mùa xuân 1975, Quảng Bình cũng như Trị Thiên vừa là nơi hội tụ các anh hùng, vừa là nơi hội tụ văn nghệ sỹ tài danh của cả nước. Nhiều nghệ sỹ, nhà báo tên tuổi quốc tế cũng đã “tham chiến” trên mặt trận văn nghệ ở đây. Làm sao quên được bên cạnh nhạc sỹ Hoàng Vân với “Quảng Bình quê ta ơi”, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh có ngay bài thơ “Em bé Bảo Ninh” được Trần Hữu Pháp phổ nhạc…
 
Không thể kể hết tên những văn nghệ sỹ và tác phẩm đã xuất hiện trong hai cuộc kháng chiến, nhất là thời kỳ chống Mỹ, đã trở nên quen thuộc và là nguồn động viên quan trọng đối với đồng bào, chiến sỹ vượt qua mưa bom bão đạn để đi tới chiến thắng.
 
46 mùa xuân đã qua từ buổi sáng cuối tháng 4, Quảng Bình cùng cả nước vỡ òa trong niềm vui đại thắng. Đất nước đã có biết bao đổi thay, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, nhưng đồng thời không ít giá trị bị đảo lộn hoặc đang bị thách thức.
 
Trong cuộc “chiến đấu” để bảo vệ những giá trị tinh thần mà dân tộc ta đã phải trả giá bằng hàng triệu sinh mạng mới có được, đội ngũ văn nghệ sỹ đang không ngừng tìm tòi, đổi mới để có những đóng góp xứng đáng với thế hệ đi trước và với sự mong đợi của nhân dân…
 
Nguyễn Khắc Phê