Trống trong sinh hoạt cộng đồng ngày xuân và mùa lễ hội

  • 14:05 | Thứ Tư, 03/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đã từ bao đời, chiếc trống gắn liền với đời sống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tuổi thơ có tiếng trống trường, người chiến binh có tiếng trống trận, ở làng quê có tiếng trống hội trong những ngày xuân về, tết đến... Chiếc trống đã ra đời, phát triển và tồn tại với lịch sử đất nước, góp phần quan trọng vào đời sống tinh thần của bao thế hệ.
 
Từ hàng nghìn năm trước, người Việt cổ đã đúc được trống đồng Đông Sơn-một di sản lịch sử văn hóa giá trị. Cho đến nay, giới âm nhạc xem trống là một loại nhạc cụ thuộc bộ gõ, cùng với các nhạc cụ khác như kèn, não bạt, chuông, sanh… tạo nên những âm thanh cộng hưởng trầm bổng khác nhau không thể thiếu trong các nghi lễ trọng đại.
 
Có ba loại trống chính: trống đại, trống nhạc, trống sắp (có nơi gọi là trống ếch). Trống đại là loại trống to, đường kính mặt trống từ 0,6-1,5m và có khi còn to hơn. Trống đại đứng một mình chuyên cử lệnh, để nơi các đền, miếu, điện thờ, đứng trên một giá đỡ bằng gỗ. Nếu trống đại đi diễu lễ thì phải có hai người ke, một nghệ nhân đi bên cạnh cầm dùi cử trống. Vì chuyên cử lệnh nên có nơi gọi trống đại là trống lệnh.
Trống trong Lễ hội đập trống Ma Coong. Ảnh: T.H
Trống trong Lễ hội đập trống Ma Coong. Ảnh: T.H
Trống lệnh khi cử lên là báo hiệu cho mọi người biết có một sự kiện hệ trọng nào đó sắp xảy ra. Chẳng hạn như trống trường làng một hồi ba đùi đánh khoan thai gọi học sinh đến trường hàng ngày, trống đánh ba tiếng chuyển tiết học, đánh một hồi dài là bãi học. Tiếng trống hội đua thuyền nhịp hai hay nhịp ba giục giã; trống hội kéo co nhịp ba thúc giục, khi thắng thua có một hồi dài kết thúc…
 
Còn trống nhạc là loại trống nhỏ vừa, tang cao 0,3m, có hai khuy chốt hai bên móc quai quàng lên hai vai nghệ nhân sử dụng. Khi biểu diễn, dễ di động theo dàn nhạc rước lễ, hòa cùng các nhạc cụ khác như kèn, sáo, xập xoãng, mõ, sanh… Loại trống sắp nhỏ nhất, cầm trên một tay và một tay cầm dùi gõ, hòa thanh vào dàn nhạc.
 
Trong dân gian, trống được sử dụng phổ biến các sinh hoạt xuân, tết và lễ hội thường ngày. Trong "Chinh phụ ngâm" trống được diễn tả: “Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây/ Chín lần gươm báu trao tay/Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh...”. Tục ngữ có câu “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” để chỉ sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết hoặc câu “Trống không đánh qua cửa sấm” là so sánh tiếng trống và tiếng sấm; câu “Đánh trống bỏ dùi” chỉ sự tiền hậu bất nhất; “Trống cà rật cà tang” chỉ sự không nhịp nhàng, thiếu đồng điệu; “Cảnh không kèn, không trống" chỉ sự im lặng thiếu sinh khí, sự sống… Có nhiều cách vận dụng này để chúng ta thấy được trống rất gần gũi với đời sống.
 
Trống xuất hiện nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Đó là trong không gian nghi lễ thiêng liêng, không gian diễn xướng lễ hội dân gian. Tiêng trống, tiếng phèng la, não bạt, mõ… nhằm truyền tải những thông điệp giữa con người với thần linh, với đất trời. Mỗi cung bậc âm thanh là sự thể hiện tình cảm con người với các đấng bề trên bằng thứ ngôn ngữ đặc biệt.
 
Cũng vì thế nên có nhiều bài nhạc trống diễn tả niềm vui, có bài nhạc trống diễn tả sự u buồn và những nghệ nhân sử dụng trống đều được huấn luyện thuần thục, kỹ xảo. Những bài nhạc trống lưu giữ, tồn tại được có một vai trò quan trọng. Chẳng hạn như một hồi ba dùi khoan thai là trống khai mở; ba dùi dồn dập là báo động có chuyện bất an…
 
Trống với đời sống cộng đồng có tầm quan trọng như vậy nên nghề làm trống cũng được giữ gìn từ đời này qua đời khác và đến nay vẫn phát triển. Nghề làm trống có lịch sử lâu đời. Trống là sản phẩm mang giá trị văn hóa độc đáo. Kỹ thuật làm trống cũng qua kinh nghiệm lâu đời đến ổn định như ngày nay. Trống nhìn đơn giản nhưng có nhiều bộ phận ghép lại mà thành.
 
Ba bộ phận chính của trống là tang trống, da bịt trống và dùi trống. Tang trống chủ yếu làm từ gỗ xoan, gỗ mít. Tùy kích cỡ của loại trống to nhỏ mà tang trống có những tỷ lệ phù hợp. Tang trống gồm nhiều thanh gỗ cùng kích cỡ, có tỷ lệ phù hợp ghép vào nhau thật khít thành thân trống giữa phình to, hai đầu thuôn nhỏ lại đúng tầm cỡ da bịt theo quy chuẩn.
 
Da bịt thì dùng da trâu, bò, dê. Khi trâu, bò, dê mổ thịt người ta lột bộ da căng ra, phơi khô. Khi cần bịt trống thì nghệ nhân đo kích cỡ loại trống để cắt da phù hợp. Da sau khi phơi khô được bào chuốt mặt trong rất cẩn thận, chủ yếu là giữ được mặt phẳng có độ mỏng đều và không bị rách, thủng.
 
Khi ghép xong tang trống có hai niệt mây ôm chặt ở giữa tạo cho hai đầu tang trống có mặt phẳng mới đặt tấm da lên mỗi đầu để lận thật cân đối. Thợ dùng khoan khoan nhiều hàng lỗ và cho đinh tre đóng vào đều cả vòng tròn của tang trống là được. Bịt da trống cả hai đầu đều có thao tác giống nhau. Nếu vi phạm kỹ thuật, mặt trống không căng thì tiếng trống không vang vọng xa được.
 
Để giữ mặt da trống có loại đinh tre khô, già cùng kích cỡ chuốt đều sẵn. Đóng mỗi chiếc trống cần gần một nghìn chiếc đinh. Xảm đinh quanh mặt da và tang trống là một công việc hệ trọng, người nghệ nhân phải tỉ mẫn, tỉnh táo, kiên trì và khéo tay. Dùi trống cần chọn loại gỗ xơ, nhẹ để đánh trống không bị thủng.
 
Một tình trạng chung hiện nay là nghệ nhân làm trống đang ngày càng ít dần trong khi đó, các lớp truyền dạy làm trống chưa được tổ chức. Thực tế ở Quảng Bình, nơi nào cần trống phải đi mua xa mới có được. Câu lạc bộ văn hóa dân gian xã Nhân Trạch (Bố Trạch) hiện nay đã có bộ trống trên 30 chiếc để luyện múa trống nhiều làn điệu và đi biểu diễn nhiều nơi.
 
Trong quá khứ, hiện tại và tương lai, chiếc trống luôn hiện hữu trong đời sống của cộng đồng trong các hoạt động tâm linh, cúng tế hay hội hè, vui chơi. Quan niệm của cha ông ta từ ngày xưa coi trống là hiện vật thiêng. Tiếng trống là một trong những phương tiện cần thiết để tạo ra không gian giao cảm, để con người bày tỏ các cung bậc cảm xúc vui, buồn, gửi gắm những ước mơ, nguyện vọng về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Cũng vì thế, chiếc trống được xem là một sản phẩm văn hóa không thể thiếu trong sinh hoạt của cộng đồng.
 
Văn Tăng