Nhớ buổi biểu diễn văn nghệ giữa rừng Trường Sơn

  • 07:54 | Thứ Hai, 15/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Một dịp vào dịp tổng kết năm 1974, chuẩn bị kế hoạch năm 1975, tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đơn vị Tiểu đoàn pháo phòng không 37 ly của chúng tôi được Quân khu 5 mời lên diễn phục vụ Đại hội thi đua toàn Quân khu.
 
Đội văn nghệ của Tiểu đoàn 114 pháo phòng không của chúng tôi biên chế quân số gọn nhẹ: Tôi đàn guitar, anh Lâm Quang Ánh, quê Lệ Thủy, đàn măng-đô-lin, cậu Xưng lái xe thổi sáo trúc, anh Dần phụ trách các tiết mục chèo trong chương trình và một số anh em có giọng tốt như anh Phạm Quý Hùng (dạy Toán, quê Nghệ An), anh Lê Xuân Đồng (dạy Văn, quê Hà Tĩnh), anh Đinh Ngọc Quế (dạy Lý, quê Hà Tĩnh), anh Lê Văn Thiên (dạy Toán, quê Lệ Thủy), anh Nguyễn Thượng Cần (dạy Lý, quê Thanh Hóa)... và mấy anh trợ lý tiểu đoàn phục vụ công tác hậu cần cho đội văn nghệ. Toàn đội vỏn vẹn chưa đến 15 người.
Một tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đến với đồng bào vùng cao huyện Minh Hóa.
Một tiết mục văn nghệ của Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình đến với đồng bào vùng cao huyện Minh Hóa.
Những năm đơn vị cơ động vùng Ba Tơ, Trà Bồng và thung lũng Trà Niêu, Trà Bồng, Quảng Ngãi, là vùng giáp ranh giữa vùng giải phóng ở núi rừng với vùng tạm chiếm ở đồng bằng, đơn vị chúng tôi triển khai trận địa sẵn sàng chiến đấu bắn máy bay quân ngụy Sài Gòn khi chúng đến oanh tạc vùng giải phóng.
 
Những ngày mưa gió mùa đông và ban đêm, đội văn nghệ chúng tôi triển khai tập các tiết mục. Cũng may, trong đội có anh Lê Xuân Đồng và anh Phạm Quý Hùng sáng tác thơ hoặc lời ca để tôi phổ nhạc. Có những khi tôi phổ nhạc xong bài, rồi tập cho một tiết mục; anh Đồng lại sáng tác bài thơ khác, tôi lại phổ nhạc rất kịp thời trong đêm, để kịp sáng mai tập bài mới cho đội. Vậy mà, kể từ khi đội văn nghệ Tiểu đoàn 114 được triệu tập, chưa đến một tháng, chúng tôi đã tập và dàn dựng xong chương trình văn nghệ của tiểu đoàn.
 
Chương trình có hợp ca nam-nữ (phải lấy anh Hạp trẻ, đẹp trai để đóng nữ), tốp ca nam, đơn ca, chèo. Dàn nhạc cũng khá rôm rả, gồm: guitar, măng-đô-lin, sáo trúc và có cả công-tơ-bát. Chắc nghe đến nhạc cụ công-tơ-bát, các bạn không khỏi ngạc nhiên, vì ở giữa núi rừng thời chiến ấy, lấy đâu ra công-tơ-bát mà dùng. Và nếu có thật thì công-tơ-bát phải to cao quá đầu người, cồng kềnh thế, ai mang vác đi bộ từ Trà Niêu lên đến Quân khu 5 cách nhau hơn chục cây số để biểu diễn được?
 
Do đó, anh Phạm Quý Hùng đã nghĩ ra cách cưa hai ống nứa già, một ống có đường kính lớn, phát ra âm trầm như là nốt "lạ", một ống đường kính bé, phát ra âm thanh như nốt "rề", khi cho đáy ống thổ xuống nền sân khấu nó phát ra hai nốt "lạ", "rề" xen kẽ nhau rất hay, không khác gì tiếng công-tơ-bát cả! Anh Phạm Quý Hùng được phân công sử dụng công-tơ-bát này; khi anh đơn ca thì Lê Xuân Đồng đảm nhận thay, cũng rất điệu nghệ... Và mỗi khi vào biểu diễn, các nhạc công phải so dây với ống to phát ra âm thanh ngang nốt "lạ" để chỉnh dây đàn của mình. Khi trình diễn, hòa thanh các nhạc cụ rất tốt.
 
Anh Hùng có tài vẽ đẹp nên đề nghị lấy bao vải đựng gạo tháo ra, nhờ anh Lâm Quang Ánh may máy thành thạo để can lại thành cái phông rộng cho anh vẽ bức tranh Bác đang cùng chúng cháu hành quân, to gần bằng mặt hậu của sân khấu và cứ treo như vậy suốt cả chương trình văn nghệ của Tiểu đoàn 114. Nhìn lên rất hoành tráng!
 
Một sáng kiến nữa do tôi đề xuất, được thủ trưởng Mai Đức Trọng chấp nhận ngay là tất cả diễn viên của đội đều mặc áo Ru-zông, do anh Lâm Quang Ánh chịu trách nhiệm đo và cắt sửa áo cho mỗi người một bộ mới cứng được lệnh xuất kho để đi diễn.
 
Mọi việc đã chuẩn bị xong. Anh em diễn viên của đội ăn sáng xong hành quân lên Quân khu chuẩn bị biểu diễn phục vụ Đại hội thi đua. Chương trình được sắp xếp theo thứ tự rất hợp lý, chất lượng các diễn viên hát tân nhạc và hát chèo đều tốt, kéo dài hơn một tiếng. Các bài tân nhạc gồm guitar, măng-đô-lin, sáo trúc và công-tơ-bát chế tạo bằng hai ống nứa. Còn đệm đàn cho hát chèo chỉ có guitar do tôi đảm nhiệm, sáo trúc anh Xưng, công-tơ-bát do anh Phạm Quý Hùng chế tác và sử dụng.
 
Đêm diễn kết thúc sau lời cảm ơn của đại diện lãnh đạo Quân khu 5 và tiếng vỗ tay cổ vũ kéo dài như pháo ran. Tôi nhớ mãi lời khen của thủ trưởng và những kỷ niệm về đêm diễn thành công ngoài sức tưởng tượng của mình, của anh em diễn viên trong đội văn nghệ Tiểu đoàn pháo phòng không 114...
 
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến