Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày Báo Quảng Bình ra số đầu tiên (27-3-1963 - 27-3-2021):

Làm báo thời 4.0

  • 08:02 | Thứ Bảy, 27/03/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Kỷ nguyên 4.0, có lẽ rất hiếm người làm báo không sử dụng mạng xã hội. Giữa ngồn ngộn thông tin trên facebook, zalo, twitter…, nhà báo dễ dàng khai thác, phát hiện đề tài để từ đó, bằng kỹ năng nghề nghiệp, trách nhiệm và tâm huyết của mình, biến thành tác phẩm báo chí. Cùng với việc khai thác đề tài, nhà báo còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm báo chí, đưa báo chí đi vào đời sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Làm báo thời 4.0 có nhiều thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức.
 
Mạng xã hội: “Cánh đồng thông tin” trù phú
 
Với sự phát triển như vũ bão, độ phủ sóng và tốc độ lan tỏa thông tin của mạng xã hội, rất nhiều nhà báo đã khai thác được đề tài hấp dẫn mỗi ngày. Tuy nhiên, để biến đề tài khai thác được thành tác phẩm báo chí chất lượng, mang lại lợi ích cho bạn đọc, cho cộng đồng là cả một quá trình.
 
Những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội phần nhiều là ý kiến phản ánh, phát hiện của người dân về sự vật, hiện tượng, vấn đề xã hội. Thông tin được thể hiện đa dạng, phong phú với đầy đủ hình ảnh, văn bản, clip, phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội, thảo luận trong các diễn đàn…
Nhà báo tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhà báo tác nghiệp tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thông tin trên mạng xã hội có thể đúng, có thể sai. Và trách nhiệm của nhà báo là xử lý nguồn thông tin ban đầu đó bằng cách gặp cơ quan chức năng, người dân để tìm hiểu, xác minh, bổ sung, hoàn thiện… và cho ra đời tác phẩm báo chí.
 
Quá trình này đòi hỏi kỹ năng, trách nhiệm, tâm huyết cùng tất cả những nguyên tắc nghề nghiệp mà nhà báo phải tuân thủ. Sự dễ dãi, chủ quan, “non tay” khi xử lý thông tin khai thác được từ mạng xã hội sẽ cho ra đời những tác phẩm báo chí kém chất lượng, thậm chí gây ra những “tai nạn nghề nghiệp” ảnh hưởng đến tờ báo, đến niềm tin của bạn đọc.
 
Trên thực tế có không ít nhà báo ngại khó, ngại khổ, chuyên môn hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm và tự trọng nghề nghiệp, đã dễ dàng sao chép thông tin trên mạng xã hội và biến nó thành của mình chỉ bằng một động tác ký tên. Những bài báo này không hề giúp ích cho xã hội, ngược lại còn tạo ra một xu hướng “làm báo” tiêu cực trong kỷ nguyên 4.0 cần phải được loại trừ.
 
Tốc độ lan tỏa thông tin và độ phủ sóng của mạng xã hội cũng đặt báo chí trước sự cạnh tranh khốc liệt khi thông tin từ cuộc sống có mặt trên mạng xã hội chỉ tính bằng giây với vài lần gõ phím điện thoại hay cú click chuột trên máy tính, còn tác phẩm báo chí phải trải qua nhiều quy trình, công đoạn.
 
Sự cạnh tranh, thách thức này cũng chính là động lực để nhà báo hoàn thiện và đẩy nhanh quá trình xử lý thông tin, "chạy đua” một cách lành mạnh với mạng xã hội bằng sự hoàn chỉnh, hữu ích của tác phẩm báo chí sau khi trải qua đầy đủ các công đoạn. Và nếu thông tin trên mạng xã hội là “vàng thau lẫn lộn” thì thông tin trên báo chí chính thống luôn đáng tin cậy, góp phần định hướng dư luận hiệu quả.
 
“Kim chỉ nam” của người làm báo
 
Cùng với việc khai thác đề tài từ mạng xã hội, kỷ nguyên 4.0, các tờ báo, người làm báo đã và đang sử dụng mạng xã hội một cách thông minh để quảng bá thông tin của báo mình. Nếu phiên bản báo điện tử so với báo in từng là một bước nhảy vọt trong tiếp cận bạn đọc, thì fanpage là một đổi thay vượt bậc với các cú bấm “like”, theo dõi và sự tương tác trực tiếp của bạn đọc đối với tờ báo, nhà báo.  
Nhà báo tác nghiệp trong đợt mưa lũ tháng 10-2020
Nhà báo tác nghiệp trong đợt mưa lũ tháng 10-2020
Trên fanpage của tờ báo và tài khoản facebook, zalo, twitter… cá nhân, tác phẩm báo chí, thêm một lần nữa có cơ hội đến với bạn đọc nhanh nhất, kịp thời nhất, đến những nơi xa nhất, chỉ cần có mạng internet và các phương tiện thông minh. Thuật ngữ “thế giới phẳng” trở nên vô cùng dễ hiểu, dễ hình dung thông qua cách thức quảng bá, lan tỏa thông tin qua mạng xã hội.
 
Làm báo thời 4.0, ngoài trách nhiệm đối với chất lượng của tác phẩm báo chí, nhà báo còn có trách nhiệm quảng bá tác phẩm của mình, của đồng nghiệp, của tờ báo đến đông đảo bạn đọc. Hiệu quả của việc làm này không chỉ tăng lượt truy cập cho bài báo, tờ báo, mà quan trọng hơn, những thông tin hữu ích sẽ tiếp cận được nhiều bạn đọc, góp phần phát huy hiệu quả báo chí đối với đời sống.
 
Việc bấm “like”, “thả tim”, chia sẻ tác phẩm báo chí của bản thân, đồng nghiệp… cũng chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự tôn trọng đối với nghề nghiệp, với bạn đọc của nhà báo. Ngược lại, một cú bấm “like” dễ dãi, một hành động chia sẻ tùy tiện… sẽ là nguy cơ phát tán những thông tin tiêu cực, đặc biệt khi chủ nhân bấm “like” và chia sẻ là nhà báo, người có những ảnh hưởng nhất định đối với thông tin và đời sống xã hội, thậm chí gây hệ luỵ và làm giảm lòng tin của xã hội.
 
Bởi tất cả những lợi ích đó và nguy cơ đó, nhà báo cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, cẩn trọng, có trách nhiệm. Trên cơ sở cụ thể hóa Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam (áp dụng cho hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp thẻ nhà báo, người chưa được cấp thẻ nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí, cộng tác viên các cơ quan báo chí và người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung) gồm 3 chương và 7 điều, đã được Hội Nhà báo Việt Nam công bố và có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2019.
 
Quy tắc quy định cụ thể những việc/điều người làm báo cần làm khi tham gia mạng xã hội và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện quy tắc cũng như trách nhiệm xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Có thể coi đây là “kim chỉ nam” để mỗi người làm báo tuân thủ để phát huy hiệu quả của báo chí, đẩy lùi tiêu cực, chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp hơn.
 
Ngọc Mai