Hát Kiều ở Lâm Lang

  • 07:45 | Thứ Hai, 22/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thôn Lâm Lang, xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) là một vùng quê trù phú, nằm dọc bên bờ nam sông Gianh với cảnh núi non, sông nước hữu tình. Nơi đây từng là chiếc nôi truyền thống của làn điệu hát Kiều được du nhập từ Thanh Hóa, Hà Tĩnh cách đây hơn 200 năm.
 
Hát Kiều được kết hợp từ nhiều loại hình nghệ thuật với nhiều vai diễn khác nhau nhưng nội dung cốt lõi xoay quanh Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Theo các cụ cao niên trong làng Lâm Lang, ngày xưa, cụ Cao Điền là người đầu tiên đã nhen nhóm dàn dựng nên loại hình hát kiều ở đây, sau đó cụ mất, phong trào hát kiều trong làng lắng xuống...
 
Thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, hát Kiều đã trở thành "món ăn tinh thần" thấm sâu vào tiềm thức của người dân Tuyên Hóa nói chung, xã Châu Hóa nói riêng và có giá trị nhân văn sâu sắc, làm cho người nghe luôn hướng tới giá trị chân-thiện-mỹ.
Một tiết mục do các em thiếu nhi trình diễn tại hội nghị tổng kết 5 năm CLB Kiều cổ thôn Lâm Lang (2015-2020).
Một tiết mục do các em thiếu nhi trình diễn tại hội nghị tổng kết 5 năm CLB Kiều cổ thôn Lâm Lang (2015-2020).
Mùa thu năm 1954, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi, cụ Ngô Lạc (một kiều bào ở Thái Lan hồi hương) là người con quê hương lại tiếp bước con đường của cụ Cao Điền, đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và tập luyện cho đội Kiều của làng. Đội Kiều của làng hồi đó đã từng biểu diễn tại địa phương và các xã lân cận như Cao Quảng, Văn Hóa, Mai Hóa và nhiều xã khác trong ngoài huyện. Phong trào hát Kiều được duy trì cho đến hết năm 1975, khi cụ Ngô Lạc quay về sống với con ở Thái Lan, từ đó hát Kiều bị mai một.
 
Do không có người cầm chịch nên các diễn viên mỗi người một nơi. Mặt khác, do điều kiện khách quan, nền văn hóa hiện đại ngày một phát triển nên hát Kiều đã dần bị lãng quên, nhưng âm hưởng của làn điệu hát Kiều vẫn còn đọng lại trong lòng mỗi người dân nơi đây. Tuy phong trào hát Kiều bị lắng xuống, nhưng trong làng vẫn còn một số người thích hát Kiều, thỉnh thoảng họ lại tụ tập cùng nhau hát để thỏa nỗi đam mê của mình.
 
Sau này, cô giáo Trương Thị Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non Châu Hóa, là người đam mê, tâm huyết với Kiều từ lúc còn nhỏ, đã dày công đi các nơi trong huyện, gặp những cụ ông, cụ bà đã từng hát Kiều trước đây, hỏi chuyện, sưu tầm, chép lại các bài hát Kiều, rồi về tự mình chắp nối, sắp xếp lại để làm tài liệu lưu giữ phục vụ cho việc tập luyện hát Kiều trên địa bàn. Hơn 10 năm sưu tầm, sao chép, chỉnh lý, biên soạn, cô Phương đã hoàn chỉnh một kịch bản mang tính truyền thống cho 21 vai diễn có thể tập luyện và trình diễn trong 2 đêm.        
 
Tháng 10-2014, được nghỉ hưu, với sự đam mê của mình, cô giáo Phương quyết tâm đi vận động mọi người tham gia câu lạc bộ Kiều cổ và tự mình dàn dựng chương trình, tổ chức tập luyện. Sau một năm, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ngày 27-10-2015, CLB Kiều cổ Lâm Lang được thành lập do cô giáo Trương Thị Phương làm Chủ nhiệm. Sau đó, CLB tổ chức một đêm diễn và làm lễ ra mắt với 25 thành viên (18 nữ, 7 nam).
 
Điều đáng nói là các thành viên trong CLB đều là nông dân (trừ cô Phương). Mặc dù bận rộn với việc đồng áng nhưng cứ đến lịch tập luyện là tất cả đều có mặt đông đủ. Những câu chuyện gắn với các nhân vật trong Truyện Kiều đã được các diễn viên CLB thể hiện với nhiều làn điệu khác nhau, như: hát phổng, hát xắp, hát ru, hát xướng, hát đối đáp, ngâm thơ, kịch nói...
 
Vừa qua, được chứng kiến buổi biểu diễn của CLB Kiều cổ Lâm Lang nhân kỷ niệm 5 năm ngày thành lập, chúng tôi mới cảm nhận được tình yêu nghệ thuật dân gian của bà con nơi đây. Dưới tiết trời lạnh giá, các thành viên CLB vẫn biểu diễn hăng say. Nhiều nhân vật, đoạn cảnh như: Kim Trọng, Thúy Kiều làm lễ xe duyên; cảnh gia đình viên ngoại... được thể hiện bằng những lời ca mượt mà, sâu lắng, hòa quyện với tiếng trống, tiếng chiêng đã gây  ấn tượng sâu sắc cho người xem.
 
Cô giáo Trương Thị Phương cho biết, CLB thành lập được 5 năm, đã có 2 nghệ nhân dân gian cấp tỉnh. Đến nay, CLB có 26 thành viên, với nhiều độ tuổi khác nhau từ 14 đến 90 tuổi, trong đó từ 10 đến 14 tuổi có 5 em, là nguồn kế cận lâu dài.
 
Thời gian qua, tuy gặp không ít khó khăn, như: thiếu kinh phí để hoạt động, mua sắm các trang thiết bị; nhiều hội viên tuổi cao, sức yếu không thể tham gia sinh hoạt được, nền văn hóa hiện đại ngày càng phát triển lấn át nền văn hóa dân gian truyền thống..., song được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đặc biệt có sự hỗ trợ kinh phí hàng năm của huyện, xã và sự đóng góp, ủng hộ của con em quê hương nên phong trào tập luyện của CLB vẫn thường xuyên duy trì.
 
Đến nay, CLB đã dàn dựng được 21 vai diễn cả chính và phụ. Hàng năm, CLB đã tổ chức nhiều đêm diễn ở địa phương trong các dịp lễ, tết và phục vụ cho các chương trình truyền hình của huyện, tỉnh.
 
Mặc dù, hoạt động trong điều kiện thiếu thốn nhưng các thành viên CLB đã không quản ngại khó khăn, lặng lẽ trao truyền để loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này đến nhiều hơn với công chúng, trở thành nét văn hóa độc đáo, có ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa sâu sắc.
 
Hồ Duy Thiện