Con trâu trong các giai thoại lịch sử

  • 09:27 | Thứ Bảy, 13/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khi nhắc tới con trâu, người ta thường nghĩ về một con vật thân thuộc, là “người bạn” thủy chung của người nông dân. Trong kho tàng văn học dân gian, con trâu đã được hình tượng hóa trong biết bao câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ với những ví von, so sánh đa chiều về đường ăn nết ở hoặc mỉa mai, răn dạy đầy thâm thúy. Bên cạnh đó, con vật này còn góp mặt trong những giai thoại lịch sử vô cùng sống động và khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của mình...
 
Chăn trâu thổi sáo. (Tranh dân gian Đông Hồ)
Chăn trâu thổi sáo. (Tranh dân gian Đông Hồ)
Ở nước ta, từ xa xưa, người Việt đã tin và thừa nhận trâu là con vật linh thiêng. Chuyện kể rằng, ông tổ của người Phù Lá, họ Nhê Xe mồ côi mẹ từ khi mới lọt lòng, được trâu cho bú sữa mới sống sót và lớn lên được. Từ đó, tộc người Phù Lá coi trâu là thủy tổ của mình và tuyệt đối kiêng ăn thịt trâu.
 
Gần hơn là giai thoại về tướng Yết Kiêu (viên tướng tài ba của Trần Hưng Đạo) nhờ sở hữu trâu thần mà có sức khỏe tuyệt vời. Một lần, ông thấy có hai con trâu húc nhau dưới nước nên nhảy bổ xuống can ngăn thì trâu lập tức biến mất, chỉ để lại mấy sợi lông. Yết Kiêu nuốt lông trâu vào bụng nên từ đó có sức mạnh vô địch, đặc biệt là tài bơi lặn dưới nước.
 
Thêm một giai thoại khác trước cả thời Yết Kiêu, trâu thần cũng đã xuất hiện trên bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) chọi nhau trong đêm tối, khiến một vùng sáng rực hào quang và ngay sau đó là một cơn mưa lớn trút xuống làm tốt tươi ruộng đồng, cây cỏ. Chính giai thoại này đã làm nên tín ngưỡng chọi trâu ở đất này vào tháng 8 âm lịch hàng năm.
 
Cũng từ trong lịch sử, hoàng đế Đinh Tiên Hoàng trước khi chỉ huy những đội quân bách chiến bách thắng với tên gọi thuở nhỏ là Đinh Bộ Lĩnh đã chỉ huy những đám trẻ, bầy trâu đánh trận giả, dùng cờ lau để nghinh rước mình khi thắng trận. Chính ông cũng là người trước nhất trong lịch sử mổ trâu để khao quân (lúc đó chỉ là đồng đội chứ chưa phải binh lính).
 
Và còn những nhân vật khác như Đào Duy Từ muốn tiến thân đã làm một chú mục đồng chăn trâu để luận bàn điển tích với các nho sỹ; Phạm Ngũ Lão với chí nam nhi, đã tưởng tượng sức mạnh của các chàng trai Việt có thể nuốt được trâu; đặc biệt, một nữ binh trong đội quân của Phan Đình Phùng đã mặc áo của trâu (áo tơi) ra trận nên bà được gọi là Ngưu Y Nữ.
 
Những điển tích về trâu còn rất nhiều điều thú vị và gắn với nhiều ý nghĩa lịch sử-văn hóa thấm thía, sâu sắc. Đặc biệt là những giai thoại trận mạc mà trâu là một chiến binh đúng nghĩa. Tương truyền, vào khoảng năm 1870 tại vùng Bắc Ninh, Bắc Giang ngày nay, có ông Giáp Văn Trận nổi lên như một người tiên phong chống lại triều đình, đánh phá các vùng Hiệp Hòa, Yên Thế, Lạng Giang. Bối cảnh đó buộc vua Tự Đức phải phái Tôn Thất Thuyết cùng quân sỹ ra dẹp loạn.
 
Giáp Văn Trận bị vây hãm nên đã dồn tất cả trâu bò trong làng, buộc giáo vào sừng, buộc giẻ tẩm dầu vào đuôi rồi dùng lửa đốt. Trâu bò chạy lồng lộn qua vòng vây khiến quân triều đình nhiễu loạn nên Giáp Văn Trận thừa cơ thoát được ra ngoài. Để ghi nhớ sự kiện này, đã có một bài vè truyền tụng: “Dùng trâu cố phá vòng vây/Cho dù sinh tử biết tay anh hùng/Lội ao tìm lối đi vòng/Một đoàn trâu lửa vẫy vùng ghê thay”.
 
Cũng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, tại Nam bộ có một nghĩa quân đưa trâu ra trận và lập nhiều chiến công. Lãnh tụ của nghĩa quân là Thiên Hộ Dương (người Đồng Tháp Mười). Ông được coi là người có tài cưỡi trâu đánh trận rất đặc biệt, từng phô diễn cho thuộc hạ tài thúc trâu từ mép nước vọt lên bờ, gạt phăng khí giới của tướng lĩnh giữa sự thán phục của đội quân hùng hậu.
 
Ông điều khiển trâu không cần la hét hay dùng roi vọt mà chỉ bằng tiễng mõ. Theo tiếng mõ, trâu biết chào chủ tướng, biết đứng, biết quỳ, tiến lùi theo hiệu lệnh chỉ huy. Ông sau đó cũng tiếp nhận nhiều nghĩa sỹ, điều khiển trâu đánh giặc và nhiều phen ngăn được giặc Pháp hoành hành.
 
Chính việc góp mặt trong nhiều huyền tích lịch sử, ngày nay, ở nước ta tồn tại nhiều địa danh cùng tên gọi gắn với trâu như một cách để lưu lại những câu chuyện truyền kỳ. Có đền Kim Ngưu thờ trâu vàng ở Tây Hồ, Hà Nội; đền thờ trâu ở vùng Bảy Núi, Thất Sơn; có Bến Nghé (Ngưu Chữ), còn gọi là rạch Ngưu Tân ở TP. Hồ Chí Minh; có núi Trâu nằm Ngọa Ngưu ngoài khơi Hòn Khói (Khánh Hòa)...
 
Đón năm Sửu, tản mạn một vài giai thoại về loài trâu để thay lời nghinh đón con giáp này quay lại đồng hành với con người trong năm mới. Chúng ta lại có thêm những mẩu chuyện, những điển tích về trâu để sẻ chia cùng nhau bên tách trà mỗi sớm xuân, từ đó thêm yêu quý và hàm ơn con vật đã, đang và sẽ gắn bó bền chặt trong dòng chảy lịch sử-văn hóa của dân tộc.
 
Ngô Thế Lâm