Biểu tượng và mùa xuân

  • 08:47 | Chủ Nhật, 14/02/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Theo lệ thường, cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, ở công viên đối diện Di tích lịch sử-văn hóa Quảng Bình quan xuất hiện chợ nhỏ bán hoa, thời gian kéo dài chừng dăm bảy ngày, từ 23 tháng Chạp đến chiều 30 Tết, tràn ngập sắc xuân. Những ngày này, đi từ đường Mẹ Suốt nhìn lên, giữa dòng người dập dìu mua sắm Tết, giữa hoa mai, hoa đào, hoa đăng, câu đối, cờ, phướn... lộng lẫy, ai cũng dễ dàng nhìn thấy công trình kiến trúc thời trung đại Quảng Bình quan trầm mặc, uy nghi đang chứng kiến mùa xuân về, như hàng trăm năm nay vẫn tọa lạc ở đó, chứng kiến những bước tiến thăng trầm của quê hương.
Hình ảnh Quảng Bình quan được khắc trên Nghị Đỉnh, triều Nguyễn.
Hình ảnh Quảng Bình quan được khắc trên Nghị Đỉnh, triều Nguyễn.
Nhìn phối cảnh nơi thực địa, cứ ngỡ công trình kiến trúc Quảng Bình quan độc lập tồn tại giữa đương đại, nhưng quả tình, đó là quan ải quan trọng còn sót lại thuộc hệ thống lũy Thầy, một chiến lũy quân sự vĩ đại do chúa Nguyễn Phúc Nguyên giao cho Đào Duy Từ thiết kế và chỉ huy xây dựng bắt đầu từ những năm 1630, 1631, chẳng những nhằm mục đích bảo vệ cơ nghiệp “vạn đại dung thân” của các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, mà còn là điểm tựa để các vua Nguyễn sau này mở rộng cương vực, thống nhất đất nước.
 
Hệ thống lũy Thầy, trong đó có cửa ải Quảng Bình quan, trong suốt hàng trăm năm tồn tại không chỉ chứng kiến lịch sử buồn vui, chứng kiến những mùa xuân nhiều cung bậc cảm xúc nối nhau đi qua, mà còn trực tiếp tạo nên lịch sử và có lúc trực tiếp "can dự" vào mùa xuân xứ sở.
 
Khi mưu thần Đào Duy Từ xin cho lấy quân dân hai xứ ở Quảng Bình khởi tạo hệ thống lũy Thầy để phòng ngừa biến động nơi biên cương, "Chúa nghe theo kế hoạch đó, mùa xuân năm Canh Ngọ (1630), đại phát binh dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng là xong" (Đại Nam liệt truyện tiền biên). Và sau đó, trong suốt thời gian tồn tại của lũy, có hơn 7 lần quân của Chúa Trịnh nam chinh thì tất cả đều bị chặn đứng ở đây, trong đó có trận chiến mùa xuân năm Mậu Tý (1648) lẫy lừng.
 
Với vai trò lịch sử, văn hóa và giá trị thẩm mỹ vô giá này, năm 1992, Quảng Bình quan được xếp hạng di tích cấp quốc gia và năm 2015, hình ảnh công trình kiến trúc Quảng Bình quan chính thức được chọn làm biểu tượng du lịch tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, từ trước đó, trên thực tế, trong tâm thức của người dân Quảng Bình, hình ảnh kiến trúc Quảng Bình quan đã được ghi nhận và tôn vinh như biểu tượng văn hóa-lịch sử của quê hương, theo đó, ở hầu hết các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng, cũng như các ấn phẩm có quy mô cấp tỉnh đều đã sử dụng hình tượng Quảng Bình quan làm logo nhận diện.
 
Đó là tình cảm và tâm thức tự nhiên, nhưng lại dễ dàng tìm kiếm được sự đồng thuận của cộng đồng, bởi người dân Quảng Bình đã nhìn thấy ở di tích này những cổ tích về công lao xây đắp, bồi trúc, về sự hy sinh xương máu bảo vệ quê hương của các thế hệ tiền nhân; nhìn thấy vẻ đẹp kiến trúc cổ điển, đặc sắc của công trình gắn với danh xưng Quảng Bình từ hàng trăm năm trước.
Di tích văn hóa lịch sử Quảng Bình Quan.
Di tích văn hóa lịch sử Quảng Bình Quan.
Chọn Quảng Bình quan làm biểu tượng quê hương, thực ra đó còn là sự gặp gỡ, kế thừa ý tưởng xưa-nay. Kể từ các năm 1824, 1826, vua Minh Mạng cho xây lại và tu bổ ải quan này, sau đó cho chạm hình ảnh Quảng Bình quan làm biểu tượng của sự cương nghị vào Nghị Đỉnh trong đại công trình Cửu Đỉnh (1835) để lưu danh thiên cổ.
 
Sự kiện này phần nào lý giải được việc từ năm 1631 đến nay, trải bao can qua, ngay trên nền móng cũ, Quảng Bình quan trước sau có đến 5 lần được xây dựng, trùng tu, khôi phục lại, thậm chí từ đổ nát: Quan môn do mưu thần Đào Duy Từ xây bằng đất năm 1631, Quan môn do vua Nguyễn Ánh khôi phục lại năm 1801, Quảng Bình quan do Minh Mạng xây lại bằng gạch đá năm 1826, Quảng Bình quan do chính quyền cách mạng trùng tu sau hòa bình 1958-1960 và Quảng Bình quan ngày nay được khôi phục năm 1992. Đó rõ ràng là sự phục sinh hiếm có của một di tích, của một biểu tượng, bởi các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc... tự thân của nó.
 
Theo tài liệu của Khoa Du lịch, Trường cao đẳng công nghệ Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, cả nước có14 tỉnh, thành sử dụng hình ảnh các công trình kiến trúc tiêu biểu làm biểu tượng du lịch cho địa phương mình, trong đó chỉ có 4 công trình là kiến trúc cổ và di tích Quảng Bình quan có niên đại thuộc hàng cổ xưa nhất.
 
Dành một chút thư thái giữa mùa xuân mới Tân Sửu để ngắm nhìn và chiêm nghiệm về biểu tượng tôn quý của quê hương, tôi không thể không liên tưởng đến một năm Sửu khác, năm Ất Sửu (1625), khi Đào Duy Từ vào Nam tìm minh chúa. Ở thời điểm đó, ông trước tiên đã dừng lại, lưu trú tại huyện Vũ Xương, tỉnh Quảng Bình hơn một tháng (sách "Đào Duy Từ khảo biện"), có lẽ để bước đầu trải nghiệm thực địa, gặp gỡ, điền dã trong dân gian và từ đó nảy sinh ý tưởng xây dựng nơi đây công trình Lũy Thầy, Quảng Bình quan lưu dấu cho hậu thế, tạo tiền đề cho một biểu tượng giàu ấn tượng về một vùng đất oanh liệt và đầy nhân ái.
 
Ngày nay, giữa thời đại bùng nổ thông tin, chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng, hay nói cách khác, một thế giới biểu tượng sống quanh ta, thì ở đó, biểu tượng về quê hương, đất nước vẫn là một trong những hình ảnh mang nhiều cảm xúc và được trân quý nhất. Biểu tượng Quảng Bình quan rất cụ thể nhưng cũng mang tầm khái quát để người dân Quảng Bình gửi gắm những giá trị về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và cả những giá trị đương đại trong tiến trình phát triển của quê hương.
 
Rung động trước biểu tượng, tức là đã rung động trước quê hương vậy!
 
Trần Hùng