Những ngày đơn vị dừng chân tại Quảng Tiên

  • 21:42 | Chủ Nhật, 03/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau hơn chục ngày hành quân từ địa điểm huấn luyện đi B tại Nghĩa Đàn-Nghệ An, đoàn quân mang ba lô, súng đạn trên vai lần lượt qua các xã dọc tuyến giao liên của tỉnh Hà Tĩnh, đến một địa điểm nào đó phía bờ bắc sông Gianh, bộ đội lên phà để qua sông. Phà chở lần lượt từng đoàn quân sang sông Gianh, đơn vị chúng tôi đến xã Quảng Tiên, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn) trong một đêm trăng sáng mùa đông mờ ảo, chớm lạnh cuối tháng 11-1972...
 
Đơn vị chúng tôi dừng chân tại đây chờ lệnh của Bộ Quốc phòng để hành quân sang chiến trường C (trên nước bạn Lào). Chỉ biết thế, chứ chưa biết đơn vị sang đó để tiếp tục hành quân bằng cơ giới sang chiến trường miền Nam, thông qua các binh trạm dọc tuyến đường Trường Sơn.
 
Chúng tôi chỉ được nhận lệnh tạm dừng chân một ngày. Mỗi ngày, tiểu đội nhận lương thực, thực phẩm, anh em dùng soong nồi quân dụng loại trang bị cho tiểu đội, nấu ăn ngày ba bữa, một bữa phụ buỗi sáng, hai bữa chính trưa và chiều. Thủ trưởng luôn nhắc ăn bữa chiều phải trước 5 giờ, để phòng có lệnh hành quân.
 
Ngày đầu tiên, đúng giờ báo thức buổi sáng, sau tiếng còi của đồng chí Trung đội trưởng, anh em phắt dậy tập thể dục, rồi về đánh răng, rửa mặt như thường lệ để triển khai bữa ăn sáng. Ăn xong, bộ đội cũng chỉ biết chờ lệnh. Một ngày trôi qua. Ngày thứ hai lại được thông báo: Bắt đầu từ hôm nay, đã có lịch phân công nấu ăn từng ngày cho tiểu đội, cứ mỗi ngày 2 người phục vụ. 
Quảng Thủy hôm nay. Ảnh: Đoàn Tiến Hành
Quảng Tiên hôm nay. Ảnh: Tiến Hành
Trong những ngày đơn vị dừng chân tại Quảng Tiên, tôi cố gắng tìm hiểu qua người dân, được biết Tòa án nhân dân và Đoàn Văn công tỉnh Quảng Bình đang sơ tán ở một xã gần đây. Tôi đã ở địa phương 2 năm, cùng đồng đội chiến đấu và sản xuất dưới bom đạn đánh phá ngày đêm của giặc Mỹ...
 
Vào một buổi sáng, khi đơn vị chưa được lệnh hành quân, tôi đã đến nơi sơ tán của Đoàn Văn công Quảng Bình thăm anh Hoàng Sông Hương. Tôi rất thích bài "Tiếng hát đò đưa" của anh. Ngày ấy, anh chưa là nhạc sỹ, mà đã có ca khúc đó, về sau, ca sỹ Nam Kỹ hát, nhiều người yêu mến âm nhạc Quảng Bình thời ấy cũng biết bài hát này.
 
Cứ như vậy, đến ngày thứ 5, ngày thứ 6... Tôi nghĩ ra một kế hoạch lên xin thủ trưởng để ghé về Đồng Hới thăm cha mẹ, bà con trước lúc hành quân sang Lào rồi cơ động đi B chiến đấu.
 
Sáng hôm sau, tôi mạnh dạn lên gặp thủ trưởng trình bày: "Thưa thủ trưởng! Em quê Quảng Ninh, cách đây chừng 45-50km, nhưng quê vợ em ở Đồng Hới, chỉ cách chừng 35km đường chim bay. Nhà vợ em ở sát đường tàu. Em theo con đường tàu này chạy về quê vợ em chỉ khoảng vài tiếng. Cả chạy về và chạy ra cộng lại cũng khoảng 5-6 tiếng. Vậy em có thể ở tại nhà thăm cha mẹ vợ 1-2 tiếng rồi trở lại đơn vị kịp trước 5 giờ chiều."
 
Thủ trưởng chăm chú nghe tôi trình bày kế hoạch về thăm gia đình vợ, suy nghĩ một lát rồi hỏi:
 
- Vậy từ đây về quê đồng chí không phải cách sông trở đò gì à?
 
Tôi thoáng nghĩ, chắc ông cũng muốn cho tôi về, nên tôi nhanh nhảu trả lời:
 
- Thưa thủ trưởng, em bơi rất giỏi. Em ở Quảng Bình đây, nên em biết rõ các con sông trên đường từ Quảng Tiên về Đồng Hới, chỉ có con sông Dinh nhỏ hẹp ở huyện Bố Trạch thôi ạ! Lỡ đến đó không có thuyền ai mà nhờ, thì sẵn ni lông đây rồi, em bọc áo quần, mũ, dép... làm phao bơi càng thích thủ trưởng ơi! Nếu được thủ trưởng cho về thì ba lô em sẽ gửi lại cho Lâm Quang Ánh và Lê Văn Thiên (đều quê Lệ Thủy) giữ hộ trong ngày.
 
Kế hoạch xin về thăm cha mẹ và bà con bên vợ, nghe rất hoàn chỉnh! Thủ trưởng ngồi im lặng, đắn đo suy nghĩ rất lâu... Tôi nóng lòng chờ đợi. Từng giây phút hồi hộp, hy vọng... trôi đi trong im lặng!... Nhưng rồi, cuối cùng ông thong thả, nhẹ nhàng trả lời tôi:
 
- Không được đâu đồng chí Chiến ạ! Chắc đồng chí cũng biết lệnh quân sự rồi. Lỡ tôi đồng ý cho đồng chí về, có chuyện gì bất trắc xảy ra, mà 5 giờ chiều đồng chí chưa có mặt tại đây thì tôi phải chịu trách nhiệm trước cấp trên, đồng chí có biết không?!
 
Mặc dù tôi biết đồng chí là giáo viên, học Đại học sư phạm Vinh ra trường được phân công dạy Nghệ An luôn, ít có điều kiện về thăm quê, nhưng lệnh quân sự "bất thùng chi thình", biết lúc nào ở, lúc nào đi mà lường? (ông thủ trưởng quê Nghệ An-Khu 4, nên cũng biết vận dụng thổ ngữ, tục ngữ ca dao địa phương rất phù hợp trong trường hợp này).
 
Nghe thủ trưởng giải thích, trả lời có lý, có tình, tình thương cha mẹ cũng phải dịu xuống, nén lại trong lòng, tôi nhẹ giọng trả lời:
 
- Vậng ạ! Em cảm ơn thủ trưởng! Vì em nghĩ, đây là dịp tốt nhất có thể để em được ghé về thăm gia đình trước lúc hành quân sang đất bạn Lào, vào sâu các tỉnh thuộc chiến trường miền Nam chiến đấu. Vậy em đành tạm biệt quê hương, cha mẹ và bà con để sẵn sàng cùng đơn vị lên đường bất cứ lúc nào, theo lệnh của Bộ Quốc phòng!
 
48 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày đơn vị dừng chân tại Quảng Tiên vẫn con sống mãi trong tôi và chắc chắn, dù lâu hơn nữa, tôi vẫn không bao giờ quên những ngày tháng ấy. 
 
Dương Viết Chiến