Từ cổng làng đến cổng đền thiêng

  • 14:53 | Thứ Tư, 23/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bàng Bá Lân, nhà thơ tiền chiến, đã có câu thơ "vẽ" cái cổng làng trong một buổi sớm mai rất sinh động: "Cổng làng rộng mở ồn ào/Nông phu lững thững đi vào nắng mai". Tôi không phải nông phu, cũng không được rời cổng làng trong một buổi sáng thanh bình như thế. Mùa hè năm 1967, lửa đạn ngút trời, chưa qua tuổi thiếu niên, lần đầu được xỏ chân vào đôi dép lốp, tôi rời cổng làng dấn bước ra Bắc tìm nơi tiếp tục sự học. Bốn năm sau, vào tuổi trưởng thành, lại theo đội hình lính trận hành quân về Nam, ghé thăm nhà mươi phút rồi một lần nữa rời cổng làng hối hả vượt vĩ tuyến 17, đánh đổi mạng sống vì một chân lý giản dị: vẹn toàn cho giang sơn Tổ quốc! 
 
Cổng làng của tôi, ngôi làng bốn trăm năm mỏng như lá lúa ven tả ngạn Kiến Giang, chưa được xây bằng vật liệu hiện đại như bây giờ, mà đơn thuần là những cái cây cổ thụ quen thuộc của thời chăn trâu. Cây mưng hàng trăm năm tuổi xõa cành bên bờ ao, trưa hè có con chim bói cá rình mồi ngủ gật. Bụi tre ngà cuối xóm ngày hè vẳng tiếng chim cu gù trầm bổng.
 
Và ngọn gió Nam, cứ đầu hè thảng thốt tìm về như một người bạn cũ. Xa quê bao năm, mỗi dịp trở về, từ rất xa, nhìn thấy ngọn tre chấp chới, cây mưng già trầm mặc như chứng nhân là lòng dạ người quê đã nôn nao, mi mắt đã nằng nặng như trở nguyên lại đứa trai chưa hề xa làng.
 
Đường đời vạn dặm lập nghiệp lập thân, thằng bé chân dép lốp là tôi ra đi tìm cái chữ, học đạo làm người, tang bồng hồ thỉ, trả nợ non sông, một ngày trái tim thổn thức, tâm hồn lay động mà viết nên những trang văn về đất quê, người làng, con đò-bến nước-dòng sông. Trong đội ngũ có bậc đại lão, có kẻ hậu sinh, tập hợp nhau để cùng ghi lại lịch sử vùng đất, con người quê hương bằng những trang “thần phả-hình tượng văn nghệ”.
 
Văn nghệ là tinh hoa của văn hóa! Một bậc vĩ nhân, nhiều bậc trưởng thượng đã nói như vậy khiến cho những cá thể tụ hội trong “ngôi đền” sáng tạo càng thấy nghiêm trọng vấn đề, nghiêm cẩn công việc, thăng hoa như cánh diều mà luôn nhớ sợi dây neo giữ hồn quê.
 
Hơn ba mươi năm trở về quê mẹ, những người làm văn nghệ dường như có thể tự hào đôi phần về những gì làm được, đứng được trong đội hình cả nước, ấn tượng về một nền văn học-nghệ thuật Quảng Bình. Càng ngày tôi càng ít về làng để tìm gặp lại gốc mưng già có con bói cá, bụi tre ngà vẳng tiếng chim cu. Nhưng, lạ thay, chỉ vài ba ngày không tìm tới chiếc cổng ấy là như trang viết mình chống chếnh, thất thần.
 
Cũng như cổng làng tôi, nơi đó chỉ là một chiếc cổng kéo bằng sắt, vô cảm. Nhưng bước qua, chúng tôi (dường như) trở thành những thực thể khác: Chủ thể sáng tạo! Vâng, đúng nghĩa Hán tự, "sáng" là làm ra một sản phẩm hoàn toàn mới, khác biệt. Hạnh phúc thay, đó là sản phẩm văn nghệ, tinh túy của văn hóa.
 
Ngôi nhà nằm một góc khuất trên con đường ngắn nhất thành phố, đường mang tên nữ sỹ tài danh thế kỷ 18 Đoàn Thị Điểm. Ngôi nhà ấy nhìn ra hướng đông nam có hộ thành hào, con đường ven sông và dòng Nhật Lệ đẹp như mơ, cùng chiều dài thời gian gần một phần ba thế kỷ gắn bó, với chúng tôi những người làm văn nghệ, như đã là ngôi đền thiêng.
 
                                                                  *
 
Kim đồng hồ đang gõ cửa năm 2021, Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình tròn 60 năm thành lập, một “lục thập hoa giáp", "tuổi trung niên vạm vỡ sáng tạo". Chúng tôi, những người gái trai thuộc mọi lứa tuổi, rời cổng làng ở nhiều vùng đất, trong nhiều tâm thế, nhiều con đường, đã gặp nhau ở một điểm, bước qua cổng “ngôi đền thiêng” của mình là cảm như trên vai có một nghĩa vụ thiêng liêng: sáng tạo!
 
Xin lấy một câu của bậc thơ tiền bối Lưu Trọng Lư để kết lại dòng tâm sự này: “Đường (chúng) ta đi, thế đấy, bạn lòng ơi!”      
 
Nguyễn Thế Tường