Quảng Bình-những tồn nghi âm nhạc

  • 08:50 | Chủ Nhật, 20/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình, nơi đòn gánh hai đầu đất nước, đặc biệt về vị trí địa lý, văn hóa và cả lịch sử là nguồn mạch đề tài và cảm hứng sáng tạo cho văn học-nghệ thuật. Không kể đến các loại hình nghệ thuật khác, chỉ riêng về âm nhạc, tuyển tập ca khúc do Hội Văn học-Nghệ thuật và Chi hội Nhạc sỹ Việt Nam tại Quảng Bình tuyển chọn, tròn nửa thế kỷ từ năm 1954-2004 đã có 115 ca khúc “đứng được” trong lòng thính giả cả tỉnh và trong nước. Trong đó, có nhiều ca khúc sống mãi với thời gian, như: “Bình Trị Thiên khói lửa” của Nguyễn Văn Thương, “Quảng Bình Quê ta ơi” của Hoàng Vân, “Tình ta biển bạc đồng xanh” của Hoàng Sông Hương... Và, cũng trong kho tàng ca khúc này vẫn có ẩn hiện những giai điệu ca từ hoặc còn khuyết danh hoặc chưa định vị được chủ thể sáng tạo từng phần. Hiện tượng này có thể coi là những tồn nghi trong âm nhạc.
 
Trong “Tuyển tập ca khúc 1954-2004” trang 46 có ca khúc “Quảng Bình chiến thắng” ghi người ký âm là nhạc sỹ Dương Viết Chiến, người hát là nhà nghiên cứu văn hóa Văn Tăng. Ca khúc này cho đến nay, thêm 16 năm nữa từ khi tập tuyển ca khúc ra đời vẫn chưa xác định được tác giả. Về phần ca từ, chúng tôi cảm thấy dường như ca khúc được sáng tác vào những năm nửa cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước.
 
Là một ca khúc cách mạng mà tính trữ tình khá rõ cả trong giai điệu lẫn ca từ: “Quảng Bình, dòng sông Kiến Giang lờ trôi. Mênh mang cánh đồng xanh tươi bát ngát xóm thôn khi chiều buông vang tiếng hò. Lặng nhìn phía xa cồn cát chơi vơi...”.
 
Tiếp đó, lời ca khúc điểm lại tình hình kháng chiến: “Bên phía quân thù, giặc về gieo rắc điêu tàn xóm làng, đầy hờn căm” và những trận thắng lớn của quân dân ta: “Đây Ninh Châu chiến thắng bảo vệ mùa... Ai nhớ năm xưa Xuân Bồ giặc Pháp khiếp vía, ai nhớ Sen Bàng đồn giặc bốc cháy tan hoang... Tan hết quân thù, Quảng Bình giải phóng yên vui”.
Bình minh trên dòng Kiến Giang. Ảnh: Tiến Hành
Bình minh trên dòng Kiến Giang. Ảnh: Tiến Hành
Đã có thông tin rằng, tác giả là một chiến sỹ quê Hải Phòng trong Sư đoàn 325 từng chiến đấu trên địa bàn và gắn bó với nhân dân Quảng Bình, nhưng sau năm 1958, tác giả này phục viên về quê... "bóng chim tăm cá", tìm lại là một điều không tưởng. Lại có thông tin rằng, nhạc sỹ Trần Đình Hiếu là tác giả hoặc biết rõ về tác giả này. Cách nay chừng 6 năm, tôi đã cùng nhà nghiên cứu Văn Tăng đến tư gia của nhạc sỹ Trần Đình Hiếu ở vùng Roòn (Quảng Trạch).
 
Lúc này, ông đã hơn 90 tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Nhạc sỹ cho biết, ông cũng thuộc và rất thích bài hát này nhưng không phải là tác giả và cũng không biết tác giả là ai. Ông cũng mường tượng rằng, tác giả là một người Bắc được đào tạo về âm nhạc (có thể là học sinh, sinh viên) tham gia kháng chiến chống pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên... Công cuộc tìm kiếm ca khúc “Quảng Bình chiến thắng” của chúng tôi dừng lại ở đó.
 
Lại nữa, có một ca khúc trữ tình đã lưu truyền khá sâu trên địa bàn 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và giới học sinh, trí thức cả tỉnh. Ca khúc này được tạm đặt tên là “Chiều trên sông Kiến Giang”. Ca từ ca khúc này như một bài thơ trữ tình khá “ướt át”:
                            Chiều hôm ấy, bên bờ sông Kiến Giang anh đón em về
                            Trăng vời nước, ngày nào hai ta cùng nhau thề bên sông vắng
                            Dù xa nhau sông cạn đá mòn
                            Tình duyên ta mãi mãi vẫn còn
                            Mà giờ đây không còn duyên dáng
                            Ôi tan đi khi bóng trăng tàn
                                                           *
                            Con thuyền bé, giờ đây trôi đi rồi, em nờ, còn đâu nữa
                            Tình duyên ta nay đã lỡ làng
                            Bờ sông kia nay đã phũ phàng
                            Và còn đâu những chiều hôm vắng
                            Hai đứa ta bên nhau tâm tình
                            Hai đứa ta hôn nhau, em cười...
Khỏi phải nói về sự hấp dẫn của ca từ và giai điệu đối với giới học sinh, trí thức Quảng Bình giai đoạn 1954-1975, khi mà âm nhạc tiền chiến không còn được thịnh hành mà dòng nhạc mới lại nặng chất tuyên truyền. Ca khúc này từ trước đến nay vẫn được coi là của Xuân Lê, một nhà giáo đáng kính quê ở tả ngạn sông Kiến Giang (Phong Thủy hay Lộc Thủy?). Cũng như bao học sinh Lệ Thủy khác, tôi thuộc nằm lòng ca khúc này khi nghe các anh chị lớp trên hát. Những năm sống trên đất Bắc, tôi gần như đã có một niềm tự hào nho nhỏ, rằng, quê mình cũng có một bản tình ca mượt mà đến thế. Mãi đến năm 1976, khi từ quân ngũ trở về trường đại học, tôi có đi học thêm ghi-ta độc tấu với thầy Trịnh Đình Thi. Bản nhạc nhập môn soạn cho ghi-ta được tôi hoàn thành khá gọn gàng có tên là “Hoa anh đào”. Có điều, sau khi chơi thành thạo tôi lại nghe thấy bản nhạc “quen thuộc” lạ lùng. Đến buổi học tiếp, tôi được thầy cho dò lời ca khúc, như vầy:
                         Ngoài hiên gió nhẹ đưa lắt lay muôn đóa anh đào
                         Theo làn gió, vài cánh hoa rơi nhẹ bay
                         Nghe vẳng tiếng người yêu bên sông mà sao hững hờ
                         Vẫn ngàn tiếng sơn ca ngân trong đêm dài
 
                         Từ nơi ấy, lời chim sơn ca theo gió bay về
                         Ôi lời chim làm đắm say tâm hồn ta
                         Anh đào thắm vờn cánh hoa đưa màu sắc dịu dàng
                         Người ngồi đó sao ta như còn xa vời.
                         Vẫn ngàn tiếng sơn ca ngân trong đêm dài.
Đây là một trong những ca khúc trữ tình nổi tiếng ở Nga thời chiến tranh vệ quốc. Cùng với “Đôi bờ”, “Kachiusa”, “Chiều hải cảng”..., ca khúc này đã kích hoạt lòng yêu đất nước Nga xinh đẹp thanh bình, giữ vững lòng tin thắng trận cho những chiến sỹ Hồng Quân vượt qua những năm tháng cam go, đánh bại chủ nghĩa phát xít. Những năm sau cuộc kháng chiến chống Pháp, văn hóa Nga ảnh hưởng tốt đến thanh thiếu niên Việt Nam trên các kênh văn học, hội họa, âm nhạc...
 
Việc một bản nhạc Nga được “soạn lại” bằng lời Việt thì cũng không có gì lạ. Trong khuôn khổ một bài báo, không đủ điều kiện để trình bày sự tương đồng giữa 2 bản nhạc nhưng chỉ riêng âm điệu thơ của phần lời cũng đã thấy rất giống nhau.
 
Và nữa, phần lời của ca khúc Nga mang đậm văn hóa Nga thì phần lời của ca khúc “Chiều trên sông Kiến giang” cũng mang đậm hơi thở Việt, thậm chí còn có dấu ấn của miền Trung Việt Nam trong một vài địa danh, ngôn từ phương ngữ: “Kiến Giang” là một nhánh của sông Nhật Lệ chảy qua địa bàn huyện Lệ Thủy. “Em nờ’ là tiếng địa phương Quảng Bình nghĩa là"em ạ” nhưng có tính biểu cảm hơn.
 
Đã có thể nghĩ chắc rằng, ca khúc "Chiều trên sông Kiến Giang” là phiên bản của “Hoa anh đào”. Phần nhạc là sao chép nhưng phần lời, nhà giáo Xuân Lê đã sáng tạo ra một bài thơ nhỏ, xinh xắn với những ca từ rất đẹp. Ca khúc trên đây đã sống trong lòng nhiều lứa thanh, thiếu niên vùng 2 huyện và nhiều thanh niên, trí thức Quảng Bình suốt những năm hòa bình, những năm chiến tranh đầy thử thách.
 
Tóm lại về 2 hiện tượng tồn nghi trên đây đã thể hiện sức sống kỳ diệu của ca nhạc, của văn nghệ, cũng phản ánh một phần những biến động dữ dội của vùng đất trong nửa cuối thế kỷ 20. Tiện đây, cũng rất mong muốn các bậc trưởng lão trong giới âm nhạc, các cựu chiến binh chống Pháp, ai có thông tin về tác giả ca khúc “Quảng Bình chiến thắng” đã đề cập trên đây thì xin hồi âm.
 
Cách nay chưa lâu, tôi được dự trại viết văn với tác giả tiểu thuyết “Bí thư Tỉnh ủy”, nhà văn Vân Thao, quê gốc Quảng Trị, năm nay đã đại lão thượng thọ. Khi lấy văn bản ca khúc “Bình Trị Thiên khói lửa” trên mạng xuống để cùng song ca thì đã được ông chỉnh sửa vài chỗ bị lạc lời so với nguyên gốc. Mới biết, âm nhạc được người đương thời lưu giữ bền vững đến nhường nào!
 
                                                  Nguyễn Thế Tường