Nơi "ươm mầm" tình yêu với sách cho thiếu nhi

  • 09:38 | Thứ Bảy, 05/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với niềm đam mê và tâm huyết mang văn hóa đọc đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ, thời gian qua, Thư viện tỉnh Quảng Bình đã không ngừng nâng cấp phòng đọc dành cho lứa tuổi thiếu nhi, bổ sung trang thiết bị và nguồn sách báo để phục vụ tốt nhất cho đối tượng là bạn đọc nhỏ tuổi. Từ đó, tạo cho các em có tâm lý thoải mái, thói quen đọc sách thường xuyên và niềm cảm hứng khi đến với thư viện. Thư viện không chỉ là nơi đọc sách bình thường mà còn là nơi “ươm mầm” tình yêu với sách cho thiếu nhi.
 
Mặc dù chưa đến giờ mở cửa, nhưng đã có nhiều phụ huynh chở trẻ đến chờ trước cửa phòng đọc dành cho thiếu nhi. “Hầu như tuần nào tôi cũng chở con trai đến đây đọc sách. Cháu có vẻ rất hứng thú nên lâu lâu không đến là lại nhắc mẹ chở đi”, chị Nguyễn Quỳnh Ân (ở Đồng Phú, TP. Đồng Hới) tâm sự.
 
Không giống các thư viện khác với những kệ sách ngồn ngộn, phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh được bố trí với không gian thân thiện, khoa học, phù hợp với lứa tuổi của các em theo tinh thần "học mà chơi, chơi mà học". Phòng đọc thiếu nhi được tổ chức dưới dạng kho mở, với hơn 3.850 tên/8.000 bản sách, 15 tên báo, tạp chí dành cho thiếu nhi. 
 Phòng đọc thiếu nhi đã thực sự trở thành địa chỉ yêu thích và là điểm đến thường xuyên của các em học sinh.
Phòng đọc thiếu nhi đã thực sự trở thành địa chỉ yêu thích và là điểm đến thường xuyên của các em học sinh.
Sách được sắp xếp trên giá một cách khoa học, hợp lý theo từng môn, ngành, có chỉ dẫn cụ thể, giúp các em nhanh chóng tiếp cận được nguồn tài liệu phù hợp với nhu cầu. Việc các em có thể trực tiếp khám phá, tìm kiếm, lựa chọn tài liệu cho mình không chỉ tạo tâm lý thoải mái, phát huy được tính chủ động, tích cực, nâng cao năng lực tìm kiếm thông tin mà còn có thể tạo cơ hội để các em nảy sinh nhu cầu đọc.
 
Nhằm hướng cho các em có xu hướng đọc một cách hiệu quả, cân bằng giữa nhu cầu giải trí-học tập-tích lũy kiến thức, cán bộ phụ trách phòng đọc thiếu nhi còn quan tâm khảo sát nhu cầu và sở thích đọc của các em vì trẻ em thường dành nhiều thời gian cho truyện tranh, ít đọc truyện chữ và sách tham khảo.
 
Ngoài ra, phòng đọc thiếu nhi còn được trang bị 5 bộ máy tính, cài đặt các phần mềm ứng dụng học tập để đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các em. Thủ tục cấp thẻ cũng được đơn giản hóa, thời gian chờ đợi được rút ngắn tối đa, cùng sự hướng dẫn tận tình, cụ thể, bằng thái độ ân cần, hợp tác của những cán bộ thư viện giúp bạn đọc thiếu nhi được thuận tiện, thoải mái và càng thêm yêu thích mỗi khi đến thư viện.
 
Để góp phần định hướng văn hóa đọc cho các em, Thư viện tỉnh luôn chú trọng việc lựa chọn danh mục, xem xét nội dung sách phù hợp với tâm lý lứa tuổi để bổ sung; chọn lọc các tác phẩm có nội dung hay, gần gũi với lứa tuổi các em, bảo đảm sự phong phú về nội dung, ngắn gọn về ngôn ngữ, đa dạng về hình ảnh minh họa để từ đó khơi mở niềm yêu thích của các em dành cho sách.
 
Công tác tuyên truyền, quảng bá của thư viện cũng được chú trọng thông qua chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách Việt Nam hàng năm, tuần lễ học tập suốt đời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống tờ rơi…, đặc biệt là mô hình xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện về phục vụ tại các trường học trên địa bàn. Thông qua việc hưởng ứng Ngày sách Việt Nam, thư viện đã lồng ghép hiệu quả các hoạt động như: thi tuyên truyền sách, kể chuyện sách, tìm hiểu kiến thức, trò chơi có thưởng, thi viết cảm nhận về sách và vẽ tranh theo sách, tạo niềm say mê và hứng thú thực sự cho các em.
 
Vào dịp hè, phòng đọc thiếu nhi lúc nào cũng tấp nập, bận rộn với việc phục vụ bạn đọc thiếu nhi đến đọc sách, chủ yếu là học sinh bậc tiểu học. Trong quá trình phục vụ, cán bộ thư viện đã trao đổi với các bậc phụ huynh để khuyến khích phát huy tư duy sáng tạo và năng khiếu của các em thông qua các hoạt động cụ thể như: vẽ tranh về những cuốn sách các em đã mượn tại thư viện hoặc viết cảm nhận về những cuốn sách các em đã đọc, sáng tác những câu chuyện, những bài thơ theo cảm tưởng của các em nhằm hướng các em đến việc cảm thụ sách một cách chủ động, tích cực...
 
Có thể thấy, phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh đã thực sự trở thành địa chỉ yêu thích và là điểm đến thường xuyên của các em học sinh. Phòng đọc đã và đang âm thầm lan tỏa văn hóa đọc và ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu sách cho trẻ em.
 
                                                                                          Lê Thị Mai Linh 
                                                                                   (Thư viện tỉnh Quảng Bình)