Nhìn lại cuộc thi ảnh về nông thôn mới giai đoạn 2010-2020

  • 09:12 | Chủ Nhật, 27/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 1-9-2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành thể lệ và phát động cuộc thi ảnh về nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020. Sau hơn 2 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 447 tác phẩm, trong đó có 424 ảnh đơn, 23 bộ ảnh (592 ảnh) của 53 tác giả tham dự cuộc thi. Nhìn chung, các tác phẩm tham dự cuộc thi đã bám sát chủ đề, phản ánh được bức tranh toàn cảnh về xây dựng NTM của tỉnh Quảng Bình trong 10 năm qua.
Tác phẩm đạt giải nhất
Tác phẩm đạt giải nhất "Qua cánh đồng vàng" của Phạm Văn Thức.
Trong các tác phẩm dự thi, nổi bật là tác phẩm “Qua cánh đồng vàng”, của tác giả Phạm Văn Thức (giải nhất). Đây là một tác phẩm đáp ứng được cả tiêu chí về nội dung và nghệ thuật. Khung ảnh rộng với góc nhìn trên cao hiện ra trước mắt người xem là cánh đồng vàng cò bay thẳng cánh, xa xa là dãy Trường Sơn hùng vỹ.
 
Những con đường mới mở “Qua cánh đồng vàng” như những sợi chỉ hồng của tiến trình xây dựng NTM, xuyên suốt và tô điểm thêm cho một mùa vàng no ấm. Xem tác phẩm này, chúng ta thấy rõ kết quả của một vùng quê khi thực hiện phong trào xây dựng NTM. Đây chính là một bức tranh đẹp về NTM tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình.
 
Giải nhì của cuộc thi gồm có 2 tác phẩm, trong đó có bộ ảnh “Xã Cảnh Dương”, của tác giả Trần Bình An. Với các góc chụp sáng tạo, Trần Bình An đã thể hiện được lợi thế của vùng biển Quảng Bình trong việc khai thác hải sản cũng như làm du lịch, góp phần đưa kinh tế địa phương "cất cánh".
 
Hơn thế nữa, những ngư dân khi ra khơi bám biển, vừa tham gia làm kinh tế vừa đóng vai trò như những chiến sỹ trên biển-những cột mốc tiền tiêu, để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Giải nhì thứ hai của cuộc thi thuộc về tác phẩm ảnh bộ “Tuệ Lâm-Bước đột phá cho nông nghiệp Quảng Bình”.
 
Với các góc nhìn đầy đủ, cách thể hiện cứng cáp trong ảnh bộ của một tay máy trẻ, Trần Phan Hoàng Anh đã cho ta thấy một sự chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, từ một giống sâm quý hiếm, tưởng như đã thất truyền, xưa kia chỉ được dùng tiến vua, nay đã được Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm tái tạo, khôi phục và nhân rộng, trở thành như một loại cây để xóa đói giảm nghèo, góp phần tăng hiệu quả trong canh tác nông nghiệp.
Tác phẩm đạt giải nhì
Tác phẩm đạt giải nhì
Giải ba gồm có 3 tác phẩm: thứ nhất là bộ ảnh “Làng hoa Quảng Long” của tác giả Bùi Cường đã cho ta thấy cảnh nông thôn Quảng Long với diện mạo hoàn toàn khác, kể từ khi có chương trình NTM. Một vùng quê đã mạnh dạn thâm canh tăng vụ, để có năng suất lao động và thu nhập cao hơn. Niềm vui qua nụ cười của chị nông dân trồng hoa trong mùa thu hoạch của bộ ảnh đã nói lên tất cả. Giải ba thứ hai là tác phẩm “Cho dòng điện mới” của tác giả Lê Thanh Thu.
 
Hệ thống lưới điện trong ảnh của Lê Thanh Thu như hình ảnh của một cung đàn, với những sợi dây đàn đang được căng lên cho đúng cung, trùng bậc. Hình ảnh của những người thợ điện hăng say làm việc, làm cho ta ước muốn được thả hồn để du dương theo nốt nhạc của tiếng đàn-cứ ngân nga, âm vang mãi, đưa chúng ta hòa mình vào khung cảnh của một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
 
Tiếp đến là bộ ảnh “Lễ hội múa bông-chèo cạn” của tác giả Hoàng An với hình ảnh và thần thái của các diễn viên ngư dân Bảo Ninh trong lễ hội, rồi hình ảnh của con rồng Việt Nam đang cất cánh bay lên trên “viên kim cương xanh”, thể hiện mong ước, niềm tin về những mùa biển bội thu.
 
Chèo cạn-múa bông là một di sản văn hóa của làng biển Bảo Ninh được người dân nơi đây chăm lo, gìn giữ từ nhiều đời nay. Từ việc tế lễ xin Long Vương cho những chuyến đi biển bình an, may mắn, nay đã trở thành một lễ hội văn hóa có tầm cỡ ở địa phương.
 
Ngoài 6 tác phẩm đạt nhất, nhì, ba, còn có 10 tác phẩm khác cũng có giá trị về nội dung và nghệ thuật, được trao giải khuyến khích, đó là các tác phẩm ảnh bộ: “Mùa vàng” của Nguyễn Lương Sáng, “Làng nghề bánh mè xát Tân An” của Trần Bình An, “Mô hình xây dựng NTM tiêu biểu” của tác giả Phan Văn Báu; các tác phẩm ảnh đơn: “Neo thuyền trước bão” và “Nghề làm muối” của tác giả Nguyễn Hải, “Niềm vui của người dân khi có đường bê tông” của Nguyễn Chung Quý, “Cầu về bản em” của Phạm Văn Thức, “Công tác vùng biên” của Trung Hoa, “Hệ thống đê ngăn mặn thượng Mỹ Trung” của Phòng Văn hóa-Thể thao huyện Quảng Ninh, “Nghề nón” của tác giả Bách Chiến. Bên cạnh đó, còn nhiều các tác phẩm khác đã mang đến cho cuộc thi một bức tranh toàn cảnh về quá trình xây dựng NTM ở Quảng Bình.
Tác phẩm đạt giải nhì
Tác phẩm đạt giải nhì "Tuệ Lâm-Bước đột phá cho nông nghiệp Quảng Bình" của Trần Phan Hoàng Anh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cuộc thi vẫn còn một số điểm hạn chế, đó là: các tiêu chí xây dựng NTM như trạm y tế, trường học, chợ, nhà văn hóa... vẫn chưa được các tác giả khai thác triệt để. Đó là những sự đầu tư lớn trong xây dựng NTM, nhưng gần như không thấy xuất hiện trong các tác phẩm dự thi hoặc có thì cũng rất sơ sài, không tạo được ấn tượng.
 
Một số các tác giả chưa quen gửi file ảnh thi trên mạng dẫn đến nhiều file ảnh gửi thi không bảo đảm chất lượng. Việc đặt tên và chú thích tác phẩm chưa sát, đúng với nội dung, thậm chí còn có những tác phẩm không có chú thích. Mảng ảnh bộ, có những tác phẩm còn nặng về tính thống kê, thiếu sự dẫn dắt thị giác cho người xem, ảnh trùng về nội dung và thời gian sáng tác, thừa về khuôn hình, yếu về nghệ thuật, chưa thể hiện hết được các góc nhìn: toàn cảnh-trung cảnh-cận cảnh.
 
Tuy nhiên, về cơ bản, có thể nói rằng, cuộc thi ảnh về NTM giai đoạn 2010-2020 đã thành công cả về quy mô, công tác tổ chức, số lượng tác giả, tác phẩm dự thi. Hy vọng, thành công của cuộc thi này sẽ làm tiền đề để các đơn vị, tổ chức trong tỉnh tiếp tục tổ chức các cuộc thi ảnh khác vừa để tạo sân chơi cho các tác giả vừa là nguồn tư liệu để khai thác và lưu giữ cho tỉnh nhà.
 
NSNA Đức Thành