Người kỹ sư nặng lòng với những trang sách

  • 09:30 | Chủ Nhật, 27/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chưa từng làm việc gì liên quan đến chuyện viết lách, nhưng kỹ sư nông nghiệp, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Nguyễn Ngọc Trai (77 tuổi, ngụ ở phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới) lại rất đam mê "cầm bút". Sau khi về nghỉ hưu năm 2005, ông đã in 17 cuốn sách. Vậy nhưng, ông dự tính sẽ in thêm vài cuốn nữa mới thực sự chịu… "nghỉ hưu".
 
Duyên sách tự tìm đến
 
Năm 2005, ông Nguyễn Ngọc Trai về hưu. Tưởng sẽ an nhàn vui thú cùng anh em, bạn bè, nhưng trong một lần ngồi xem lại các bài báo mà mình đã viết về mảnh đất, con người và văn hóa Quảng Bình, ông nảy ra ý định chỉnh lý cho đầy đủ và tập hợp lại để làm sách.
 
Ông kể: “Tôi đã viết nhiều bài nghiên cứu về văn hóa, tài nguyên Quảng Bình đăng ở các báo và tạp chí từ lâu rồi và đến nay vẫn còn có giá trị khảo cứu. Vì vậy mà tôi in thành sách để cho mọi người khi cần tìm hiểu, sử dụng tư liệu này sẽ được thuận tiện”.
 
Vậy là cuốn sách đầu tay "Tìm về Quảng Bình xưa" ra mắt bạn đọc sau một năm ông về hưu. Sau cuốn đó, ông tranh thủ mọi lúc, mọi dịp để đến hầu hết mọi vùng quê trong tỉnh, dành thời gian vào các thư viện ở Quảng Bình, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế… và nhiều bảo tàng để tra cứu, ghi chép tài liệu cho các cuốn sách khác. Mê mải đi tìm tài liệu viết sách, “có khi tôi quên mất là mình đã nghỉ hưu rồi”-ông cho biết.
 Ông Nguyễn Ngọc Trai với cuốn sách
Ông Nguyễn Ngọc Trai với cuốn sách "Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp" và tủ lưu trữ các sách ông đã xuất bản.
Cứ thế, 16 năm qua, ông đã in 17 cuốn sách về Quảng Bình, được người đọc và giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử ở tỉnh và trong nước đánh giá cao. Như các cuốn "Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp" (400 trang), "Quảng Bình địa danh địa giới qua các thời đại", "Thánh mẫu Liễu Hạnh" (tái bản lần thứ 2), "Phật giáo Quảng Bình xưa và nay" (600 trang), "Quảng Bình địa linh nhân kiệt" (463 trang), "Tài nguyên và môi trường Quảng Bình xưa nay " (hơn 900 trang)…
 
Ông Trai bảo, viết về lịch sử, tâm linh đôi khi cần đến cơ duyên. Ông kể: “Khi viết về nhân vật Hoàng Kế Viêm, trong khi mày mò tìm kiếm tài liệu ở Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, trong tàng thư nhiều như ma trận ấy, tôi may mắn tìm được cuốn sách in bằng tiếng Pháp "Một trang sử Hoàng Kế Viêm" của Sogny, một viên mật thám Pháp ở Đông Dương, xuất bản năm 1943.
 
Vậy là tôi xin sao chụp toàn bộ đem về, trên danh nghĩa là người đứng mượn số 1. Sau đó, tôi nhờ ông Nguyễn Cảnh ở Huế rất giỏi tiếng Pháp, dịch ra tiếng Việt”. Một lần khác, ông lang thang trên đường phố ở Huế, lại gặp được cuốn sách "Nước Pháp và An Nam bạn hay thù" xuất bản bằng tiếng Pháp, cách thời điểm ông gặp khoảng 50 năm và nhiều tài liệu khác nữa về Hoàng Kế Viêm…
 
Cũng duyên cơ, trong khi viết sách "Thánh mẫu Liễu Hạnh", ông ghé vào một tiệm in ấn ở TP. Huế để photo lại tài liệu, tình cờ biết được ông chủ tiệm đang cất giữ một tập tài liệu đã cũ về Thánh mẫu Liễu Hạnh của khách bỏ quên. Qua chuyện trò, ông chủ tiệm biết ông đang viết sách về Thánh mẫu nên vui lòng tặng lại. Nay, ông vẫn lưu giữ tập tài liệu này và coi như báu vật trong nhà.
 
Bên duyên là nghiệp đeo đời
 
Viết "Phật giáo Quảng Bình xưa và nay", dấu chân ông Nguyễn Ngọc Trai đã đặt đến hầu hết các vùng đất trong tỉnh. Mỗi nơi đến, ông đều cặm cụi ghi chép tỉ mỉ hết thảy mọi điều tai nghe, mắt thấy. Sau khi nghe kể, ông lại mày mò tìm về tận các nơi có dấu tích chùa chiền để chụp ảnh.
 
Hiện, trong các máy điện thoại của ông vẫn lưu giữ hàng nghìn bức ảnh về các ngôi chùa, dấu tích chùa. Dù tuổi hơn 70, nhưng ông vẫn không quản ngại, nhiều lần leo hết hơn 1.200 bậc đá để lên với di tích chùa Non trên đỉnh núi Thần Đinh ở huyện Quảng Ninh chỉ nhằm ghi lại hình ảnh chùa vốn nổi tiếng linh thiêng này.
 
“Làm sách về nhân vật lịch sử và văn hóa, tâm linh đòi hỏi phải có cái tâm, dày công tra cứu, tìm hiểu, không thể viết lấy được, viết cho xong. Vì mọi cái mình viết ra, in ra có thể trở thành cái cho người khác sử dụng lại. Nếu điều mình viết sai, viết chưa đúng thì hậu thế có thể lưu truyền cái sai, cái chưa đúng đó mãi mãi.
 
Mỗi cuốn sách của tôi có một giá trị nhất định nào đó, mong là có ích đôi chút cho mọi người. In ra cũng cần cân nhắc là tạo thuận lợi cho người sử dụng lại tài liệu của mình được dễ dàng hơn…”-ông Trai bộc bạch. Chính vì vậy mà trong cuốn "Tài nguyên và môi trường Quảng Bình xưa nay", ông chọn cách sắp xếp tài liệu thành từng chương, bài hết sức cụ thể.
Những cuốn sách đã xuất bản của ông Nguyễn Ngọc Trai.
Những cuốn sách đã xuất bản của ông Nguyễn Ngọc Trai.
Nhiều cuốn được ông viết khá công phu, có tính “lật mở” lại lịch sử một thời, như cuốn "Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp". Cuốn sách được giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa ở Quảng Bình đánh giá là nhận diện khá toàn diện về một nhân vật đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử Việt Nam.
 
Ông viết lời nói đầu: “Có rất nhiều tư liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Hoàng Kế Viêm trong việc tiễu trừ giặc phỉ khi chúng làm mưa làm gió ở các tỉnh biên giới và vùng đồng bằng trung du Bắc bộ. Tiếp đến, ông đã chỉ đạo quân đội triều đình đánh hai trận thắng vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ nhất... Vì sao lịch sử lại lãng quên ông suốt gần một thế kỷ sau khi ông qua đời?...”.
 
Câu hỏi đó chính là mục đích để ông cố gắng sưu tầm, tập hợp nhiều tư liệu trong và ngoài nước nhằm giới thiệu một cách đầy đủ nhất về thân thế, nhân cách, sự nghiệp của một nhân vật lịch sử đầy sóng gió như Hoàng Kế Viêm. Tiến sỹ sử học Phan Viết Dũng (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) đánh giá "Hoàng Kế Viêm cuộc đời và sự nghiệp" là công trình nghiên cứu khoa học lịch sử nghiêm túc, công phu, rất được giới sử học đánh giá cao.
 
Hay trong cuốn "Quảng Bình địa linh nhân kiệt", ông đưa ra những kiến giải khá thú vị, đưa lại một cách nhìn mới cho độc giả… Như về địa danh cửa sông Nhật Lệ, trước đây hai chữ Nhật Lệ thường được hiểu theo lưu truyền trong dân gian là nước mắt khóc. Nhưng ông Trai lại kiến giải chữ Nhật Lệ ở đây ứng với nghĩa ánh mặt trời rực rỡ, lung linh, là vùng cửa sông đẹp. Về hai chữ Phong Nha (động Phong Nha), lâu nay vẫn được giải nghĩa là răng của gió, hay gió thổi qua kẽ răng.
 
Nhưng theo ông Trai thì Phong Nha không liên quan đến gió và răng, mà phải được hiểu một cách sâu xa về sự chân linh, huyền bí của vùng rừng này ngày xưa. Vì vậy, ông kiến giải phải hiểu Phong Nha nghĩa là những đỉnh núi thiêng nơi ở và nơi làm việc của các vị tiên, thánh… phù hợp với các truyền thuyết và di tích thờ tự tiên, Phật từng có ở đây.
 
Ngoài các sách nghiên cứu về văn hóa, lịch sử và dư địa chí về Quảng Bình đã xuất bản, ông Trai cũng đã in 8 tập thơ, như "Về quê mẹ", "Hồn quê", "Lời mẹ ru", "Hoàng hôn", "Sông quê hương"… Trong đó ông tâm đắc nhất với tập thơ "Về quê mẹ", viết dâng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nghe tin Đại tướng mất (tháng 10-2013).
 
Ông Nguyễn Ngọc Trai cho biết, hiện ông đang gấp rút hoàn thành bản thảo cuốn "Nông nghiệp Quảng Bình 60 năm nhìn lại" và tập thơ "Mùa thu", cố gắng in xong trong năm 2020 này. Ông cũng đang ấp ủ một cuốn sách, tập hợp ảnh về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ trên mảnh đất Quảng Bình. Hiện, hàng nghìn bức ảnh tư liệu, tài liệu đã được ông sưu tầm. “Sách chữ tôi có thể dừng lại không viết nữa, nhưng sách ảnh thì tôi chưa thể dừng. Sách như nghiệp đeo vào đời tôi rồi. Tôi chỉ mong mình còn đủ sức lực và minh mẫn để hoàn thành.”-ông tâm sự.
 
                                                                             Thiên Hà