Lệ Thủy:

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

  • 09:59 | Thứ Bảy, 26/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 20 di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng, trong đó có 11 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 9 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những năm qua, huyện Lệ Thủy quan tâm thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân.
 
Các di tích lịch sử, văn hóa ở Lệ Thủy là nơi thể hiện sự tri ân công đức của các bậc tiền nhân, các vị vua, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa đã có công trong sự nghiệp khai hóa, mở đất, đấu tranh chống thiên tai và giặc ngoại xâm. Tuy nhiên, nhiều di tích đã xây dựng từ lâu, có di tích trên 700 năm tuổi, do tác động của biến đổi khí hậu đến nay đã xuống cấp. 
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa - Miếu Lòi Am, xã Tân Thủy sau khi được tu sửa.
Miếu Lòi Am, xã Tân Thủy sau khi được tu sửa.
Trước thực trạng đó, hàng năm, UBND huyện Lệ Thủy đã tổ chức tập huấn, quán triệt các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn và người trông coi, quản lý các di tích lịch sử-văn hóa đền, chùa trên địa bàn; tuyên truyền cho người dân địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý di sản, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử-văn hóa.
 
Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã có nhiều công văn hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương có di tích lịch sử chú ý công tác quản lý, bảo vệ, giữ gìn an toàn tuyệt đối cho di tích và các cổ vật, di vật có trong di tích. Đồng thời, đã tiến hành khảo sát, thống kê, kiểm tra hiện trạng các di tích trên địa bàn huyện để đưa vào chương trình đề nghị trùng tu, sửa chữa.
 
Từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn di tích và nguồn kinh phí của tỉnh và nguồn lực xã hội hóa, nhiều di tích trong huyện đã được trùng tu, tôn tạo khang trang đúng quy định, bảo đảm chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc.
 
Cụm di tích lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am nằm ở xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy là nơi các cán bộ, đảng viên trong xã tổ chức hội họp, gặp gỡ, bàn bạc đưa ra nhiều chủ trương, định hướng hoạt động liên quan đến việc lãnh đạo phong trào cách mạng xã Tân Thủy và các vùng lân cận khác trong những năm kháng chiến chống Pháp.
 
Đây còn là nơi trú ẩn của các cán bộ cách mạng, các đảng viên nhằm tránh sự truy lùng, vây bắt của thực dân Pháp. Đặc biệt, đây cũng là nơi liên lạc, in ấn Báo “Cờ giải phóng” và các tài liệu tuyên truyền của Cơ quan liên Tỉnh ủy năm 1942.
 
Lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2015. Được xây dựng khá lâu, từ thời nhà Nguyễn, trải qua nhiều biến động, thăng trầm của lịch sử, nên cụm di tích lịch sử lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống tường bao quanh các cụm di tích đều đã nứt nẻ, bong tróc, rêu mốc loang lổ.
 
Riêng ở miếu Lòi Am, khu vực tường bao quanh đã không còn. Trước sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích, năm 2020, từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn di tích và nguồn kinh phí của tỉnh, huyện Lệ Thủy đã tiến hành làm lại đường, mái, xây dựng khuôn viên mới với kinh phí 400 triệu đồng.
Chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy được xây dựng từ nguồn xã hội hóa
Chùa Hoằng Phúc, xã Mỹ Thủy được xây dựng từ nguồn xã hội hóa
Ngoài di tích lịch sử-văn hóa lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am, Phòng Văn hóa-Thông tin huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thành công trình cắm mốc và biển chỉ dẫn di tích trên địa bàn các xã: Hoa Thủy, Cam Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy, Tân Thủy, Mỹ Thủy, Lộc Thủy; phối hợp với Phòng Kinh tế-Hạ tầng sửa chữa các biển chỉ dẫn về di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc đã bị hư hỏng, xuống cấp, bị che khuất tầm nhìn.
 
Mặt khác, phòng hoàn thành công trình nhà bia tại di tích lịch sử Chợ Chè-Hồng Thủy; khảo sát, tôn tạo di tích lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am; tu bổ lại di tích lịch sử vụ thảm sát tại Mỹ Trạch; phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh khảo sát và tôn tạo di tích nơi thành lập lực lượng vũ trang ở Văn Thủy (nay là xã Trường Thủy); phối hợp với Bộ CHQS tỉnh và Ban CHQS huyện tiến hành tu sửa, bàn giao công trình khu di tích lịch sử miếu An Sinh (nơi thành lập lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Bình) cho xã Trường Thủy quản lý.
 
Ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy cho biết: Công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đã luôn được huyện quan tâm và thực hiện hiệu quả.
 
Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn do đội ngũ cán bộ mỏng, hạn chế trong việc triển khai các văn bản, hướng dẫn của Nhà nước trong công tác quản lý tại các khu di tích; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên công tác xã hội hóa trong việc tu bổ di tích và tổ chức lễ hội còn hạn chế, dẫn đến một vài di tích xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo kịp thời.
 
Để khắc phục các hạn chế trong công tác này, thời gian tới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lệ Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện Luật Di sản văn hóa; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác tu bổ, bảo tồn các di tích theo đúng kiến trúc truyền thống.
 
Phạm Hà