Điểm sáng làng văn hóa

  • 12:02 | Thứ Sáu, 11/12/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xây dựng làng văn hóa không chỉ là phong trào mà đã trở thành thói quen, nếp sống của người dân thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy. 20 năm liền, thôn luôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, tích cực góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn huyện phát triển.
 
Được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên của huyện Lệ Thủy từ năm 2000, trong 20 năm qua, nhân dân làng Thượng Phong luôn đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đổi mới. Về thôn Thượng Phong hôm nay, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay của vùng quê này. Những tuyến đường khang trang, sạch đẹp được bê tông dẫn vào từng ngõ xóm với những ngôi nhà mới mọc lên san sát.
 
Có được sự đổi thay tích cực trên là cả một quá trình dài đồng lòng, chung sức của người dân thôn Thượng Phong trong việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH. Ông Trần Đăng Chinh, Bí thư Đảng bộ bộ phận thôn Thượng Phong phấn khởi cho biết: "Phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng có sức lan tỏa ở khắp toàn thôn. Bộ mặt nông thôn địa phương ngày càng đổi mới, "thay da đổi thịt" nhiều so với trước kia. Đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc và một lòng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước".
  Đền thờ Hoàng Hối Khanh - người có công lao mở cõi đất Nha Nghi (Lệ Thủy ngày nay) nằm ở thôn Thượng Phong.
Đền thờ Hoàng Hối Khanh - người có công lao mở cõi đất Nha Nghi (Lệ Thủy ngày nay) nằm ở thôn Thượng Phong.
Để phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào đời sống, những năm qua, Ban công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể của thôn Thượng Phong đã nỗ lực tuyên truyền các nội dung của phong trào đến người dân. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh hoàn thiện hương ước sao cho phù hợp với thực tiễn của thôn, xóm trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa truyền thống quê hương.
 
Hàng năm, thôn họp bàn triển khai xây dựng các mô hình, phát động các phong trào, cuộc vận động quần chúng ở khu dân cư; thống nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế và ban hành các chỉ tiêu xây dựng đời sống văn minh, gia đình văn hóa, đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế.
 
Làng Thượng Phong hiện có 934 hộ với gần 3.400 nhân khẩu, là làng thuần nông với tổng diện tích đất nông nghiệp 245ha. Xác định phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo là tiêu chí quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ban công tác Mặt trận thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phát triển các mô hình kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó, đời sống của người dân từng bước được nâng lên.
 
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm; thôn chỉ còn 1,8% hộ nghèo, số hộ khá giả ngày càng tăng, 100% hộ được sử dụng nước sạch, 100% hộ có điện thắp sáng. Gia đình bà Nguyễn Thị Đúng, ở xóm 5 Thượng Phong có hơn 200m2 đất vườn canh tác trồng bưởi, hoa từ nhiều năm nay.
 
Khi được xã, thôn tuyên truyền về chủ trương xây dựng vườn mẫu, gia đình bà Đúng đã cải tạo đất, chỉnh trang khuôn viên vườn, làm cỏ, đầu tư chăm sóc cây trồng, cắt tỉa hàng rào xanh, trồng xen canh các loại rau màu.
 
Đến nay, khu vườn của gia đình bà Đúng đã đạt tiêu chuẩn vườn mẫu. Bà Đúng cho biết: “Trước đây, gia đình chúng tôi chủ yếu trồng trọt trong vườn để cải thiện bữa ăn, cung cấp cho gia đình. Từ ngày xây dựng vườn mẫu đã giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
 
Phong trào xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao được thôn Thượng Phong thực hiện theo tiêu chí “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát”. Vì thế, các phong trào, hoạt động của thôn đều được người dân nhiệt tình hưởng ứng, đóng góp vật chất, ngày công xây dựng. Nhờ đó, thôn đã xây dựng được nhiều con đường bê tông, bờ kè kiên cố.
   20 năm làng văn hóa - Hạ thủy đò bơi của thôn Thượng Phong.
20 năm làng văn hóa - Hạ thủy đò bơi của thôn Thượng Phong.
Đoạn đường dài 290m từ xóm 2 đến xóm 1 trong thôn trước đây nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, giờ đây đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp. Kè chống sạt lở, đường vào nhà văn hóa thôn, các tuyến đường hoa, bồn hoa khu vực xóm 6, xóm 7, xóm 8, khu vực xóm 4, xóm 2 được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trên 900 triệu đồng, giúp người dân có môi trường sống an toàn, lành mạnh.
 
Đặc biệt, năm 2002, dân làng Thượng Phong (tức làng Kẻ Tiểu khi xưa) đã lập đền thờ Hoàng Hối Khanh-người có công lao mở cõi đất Nha Nghi (Lệ Thủy ngày nay) bên hữu ngạn sông Kiến Giang, thuộc địa phận xóm 2, làng Thượng Phong. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 và mồng 6 tháng 6 (âm lịch), đã thành lệ, dân làng tổ chức tế lễ người có công khai khẩn cung kính, long trọng vừa để tưởng nhớ công ơn vừa ôn lại truyền thống quê hương.
 
Cứ 5 năm một lần, dân làng tổ chức đại lễ với các nghi lễ, trò chơi dân gian mang đậm màu sắc địa phương. Năm 2020, từ nguồn xã hội hóa, người dân làng Thượng Phong đã đầu tư kinh phí gần 700 triệu đồng để tu sửa khuôn viên nhà thờ Hoàng Hối Khanh.
 
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà nhiều năm nay, các đám tang trong thôn không tổ chức rườm rà, không kéo dài thời gian, việc rải giấy tiền trên đường đưa tang đã được hạn chế. Các nhà tổ chức đám cưới không lấn chiếm hành lang, giảm bớt các thủ tục thách cưới, dạm ngõ, ăn hỏi tránh lãng phí. Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao được đẩy mạnh.
 
Qua đó, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa tăng đều qua các năm, năm 2020 đạt 90%. Thực hiện cuộc vận động, lãnh đạo thôn đã tổ chức cho người dân thảo luận về các nội dung hoạt động, thống nhất quan điểm, tự giác ký cam kết thực hành xử lý, thu gom rác thải để đúng nơi quy định, không vứt bừa bãi rác ra nơi công cộng.
 
Có thể nói, tạo được bức tranh khởi sắc trên là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ và nhân dân thôn Thượng Phong, để vùng quê hiền hòa xứ Lệ mãi là điểm sáng trong phong trào TDĐKXDĐSVH của tỉnh.
 
Phạm Hà