Ký ức mùa lũ quê tôi

  • 07:42 | Thứ Hai, 02/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày này, nằm nghe mưa trút lên mái tôn, tôi lại nhớ làng da diết. Làng tôi-một làng quê nhỏ bé rất yên bình nhưng khi có mưa lớn, nước trên thượng nguồn chảy về là bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài.
 
Tôi sinh ra ở làng quê nghèo của huyện Tuyên Hóa. Là xã miền núi, rẻo cao nhưng năm nào lũ cũng "ghé thăm" làng vài ba lần. Với bọn trẻ như tôi, lũ về là vui mừng bởi được “miễn” đi chăn trâu, cắt cỏ (công việc đó sẽ được những người lớn trong nhà làm), bởi được đi xem người lớn bỏ lưới bắt cá, lấy que củi cắm xuống nước xem thử nước lên nhanh hay chậm, rồi chạy ùa ra lội nước bì bõm mà chưa biết sợ là gì...
 
Đó là những niềm vui nho nhỏ khi lũ mới đổ về, còn sau đó là những nỗi cơ cực của người dân làng tôi mà những đứa trẻ mới lớn như chúng tôi cũng cảm nhận được. Đó là cảnh giao thông cách trở khi lũ về. Là làng ven sông, cánh đồng đất trũng ven những gò đồi, cứ một trận mưa lớn, lũ chưa về nhưng nước sông lên cao là người dân lại bị chia cắt hoàn toàn với các vùng lân cận. 
Khi có mưa lớn, nước trên thượng nguồn chảy về, làng bị chia cắt với các vùng lân cận.
Khi có mưa lớn, nước trên thượng nguồn chảy về, làng bị chia cắt với các vùng lân cận.
Ngày ấy, chưa có cầu phao, phương tiện đi lại của chúng tôi là chiếc đò ngang cũ kĩ, nhỏ bé được chèo bằng tay. Thế nên, cứ mưa xuống, nước về là ông chủ đò không dám chở người sang sông. Tôi vẫn nhớ lúc nào ông cũng hô to khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù", dù chúng tôi nài nỉ xin sang sông đi học nhưng ông nhất quyết "không là không!".
 
Vì tính trẻ con, chưa lường được mức độ nguy hiểm của việc qua sông khi nước lớn về, có lần, lũ trẻ chúng tôi cứ ngồi lì trên đò, quyết không chịu về vì cho rằng ông lái đò “lười”. Muốn chứng minh cho chúng tôi thấy mức độ nguy hiểm, một mình ông chèo đò một (đò nhỏ) ra đoạn sông ngắn nhưng do nước chảy xiết, con đò cứ thế mà trôi tuột theo dòng nước, dù ông lái đò đã cố gắng tấp vào bờ nhưng cũng không thể nào được.
 
May mắn thay, có một thuyền máy chạy tới dìu vào nên không gây nguy hiểm đến tính mạng. Và cũng từ đó, bọn trẻ chúng tôi luôn ngoan ngoãn nghe theo câu khẩu hiểu của ông “An toàn là bạn, tai nạn là thù”.
 
Khoảng năm 2000, một người dân địa phương bỏ tiền ra làm cầu phao, cầu chỉ làm đủ cho người đi xe máy và đi bộ. Hai bên đầu cầu là dốc đứng nên những người tay lái yếu không dám đi qua. Khi những cơn lũ thượng nguồn đổ về, chủ cầu phao lại phải kéo vào để khỏi bị nước cuốn trôi, vậy là con đường đi học của chúng tôi cũng bị cắt.
 
Nước lên nhanh nhưng rút cũng nhanh nên học sinh trong làng không đứa nào dám chủ quan. Biết nước lên cao không qua sông được nhưng 4 giờ sáng, chúng tôi vẫn gọi nhau ra bến sông đợi đò, đợi đến lúc không ai chèo đò mới chịu quay về.
 
Nhớ những bữa cơm khi lũ về, rau chẳng có, chợ chẳng đi được, món ăn hàng ngày của chúng tôi là mè lạc và mít muối. Món mít muối thì hầu như nhà nào cũng có. Món này không phải được làm từ quả mít chín mà được làm từ những quả mít già, sắp chín. Mít được chọn từ những cây có quả to, múi dày, xơ vàng ươm mới ngon. Cứ đến mùa, mẹ tôi lại bỏ ra vài ngày để làm món mít muối. Đến mùa lũ về, mâm cơm chẳng có gì ngoài canh xơ mít, xơ mít xào mỡ, ăn mãi đến chán ngán. Đến nay, thi thoảng nhớ đến món ăn những ngày thơ ấu đó, tôi lại nhớ quê da diết, muốn về để được ăn.
 
Khổ cực là vậy nhưng bữa cơm ngày lũ vẫn in đậm trong tâm trí tôi về tình làng nghĩa xóm. Bà con chia cho nhau từng bát gạo, miếng cơm khi nhà bên cạnh xay xát chưa kịp vì mất điện hay thóc, gạo không may bị ướt. Những nhà ở chỗ trũng bị ngập sâu xin đến nhà cao ráo ở nhờ luôn được sẵn sàng chào đón. Bữa cơm thêm chén, thêm đũa, hao hụt đi chút ít nhưng tình người trong lũ lụt là thứ quý giá không thể đong đo. 
 
Nhiều năm trôi qua, làng tôi cũng không có nhiều thay đổi, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, giao thông vẫn cách trở khi mùa lũ về và món mít muối vẫn hiện hữu trên mâm cơm của bà con. Mỗi lần lũ qua đi, người lớn lại tất bật cào xúc bùn non, lau rửa nhà cửa, đồ đạc bị ngâm trong nước và lũ trẻ con lại ngồi soạn sách vở, áo quần để chuẩn bị đến trường.
 
Dù khó khăn chồng chất nhưng lũ trẻ chúng tôi vẫn được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn, có gia đình 8, 9 đứa con nhưng con cái đều học hết cao đẳng, đại học, có công việc ổn định. Người dân quê tôi lam lũ là thế nhưng vẫn lạc quan, vươn lên mạnh mẽ như những rặng tre quanh làng.
 
T. Hoa