Cụm di tích lịch sử thôn Phúc Kiều:

Lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử

  • 08:04 | Thứ Năm, 05/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn nằm ở phía tây thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, được xây dựng cách đây hơn 200 năm, vào đầu thế kỷ XIX. Đây là cụm di tích không chỉ phản ánh rõ nét, đầy đủ văn hóa tâm linh của làng quê truyền thống Việt Nam mà còn gắn với những sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
Nơi thờ tự linh thiêng của làng
 
Cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn phản ánh đầy đủ, rõ nét văn hóa tâm linh của một làng quê Việt Nam. Tương truyền tại đây, người xưa đi làm ruộng đào được một tảng đá hình người, vô tình làm vỡ phía bên trái tảng đá, thấy có máu trong đá chảy ra nên dân làng cho rằng Phật Bà giáng thế để cứu độ chúng sinh, phù hộ độ trì cho dân làng.
 
Người dân dựng một ngôi nhà giữa cánh đồng để thờ Phật Bà, gọi là nhà Che (hiện nay, cánh đồng này vẫn được gọi là đồng Nhà Che). Sau đó, dân làng dựng chùa ở một núi nhỏ gần làng và thỉnh Phật Bà về thờ ở gian chính diện. Chùa Phật Bà có 3 gian được xây bằng đá, gạch, vôi, mái được lợp bằng ngói liệt, hai trụ hai bên của gian chính diện có biểu tượng cây bút và cuốn thư, trên trụ biểu có hai câu đối. Trong chùa còn có một quả chuông bằng đồng với đường kính 25cm, xung quanh có hoa văn đắp nổi.
 Các miếu thờ thần ở thôn Phúc Kiều được xây dựng trên các sườn đồi quanh khu vực chùa Phật Bà.
Các miếu thờ thần ở thôn Phúc Kiều được xây dựng trên các sườn đồi quanh khu vực chùa Phật Bà.
Cùng với việc thờ Phật Bà, thì ở thôn Phúc Kiều còn có tín ngưỡng thờ thần ở các miếu của làng. Đó là các vị thần luôn phù hộ, giúp đỡ dân làng trong những hoàn cảnh khó khăn như: Thành hoàng làng, Cao Các Mạc Sơn, vị tiền khai khẩn, vị tổ nghề bơi trải. Miếu Thành hoàng làng được xây gần chùa Phật Bà, cách chùa 20m, được xây dựng theo lối kiến trúc dân gian bằng chất liệu đá tổ ong và vôi, có chiều cao gần 4m, rộng gần 2,5m.
 
Miếu Cao Các Mạc Sơn thờ vị thần núi, thần chủ quản và bảo trợ một vùng rừng núi rộng lớn. Miếu có khuôn viên rộng, gồm có 3 miếu với kiến trúc giống nhau, đều có 3 tầng mái, trước các miếu có bình phong, trước 3 bình phong của từng miếu là bình phong chung của khu miếu…
 
Các miếu thờ thần ở thôn Phúc Kiều được xây dựng trên các sườn đồi quanh khu vực chùa Phật Bà, có kiến trúc, vật liệu xây dựng như: gạch, đá, vôi đều giống nhau. Trước mỗi miếu đều có bức bình phong với hình lân, phượng được đắp nổi rất tinh xảo. Các miếu đều có hai tầng mái. 8 góc mái đều được uốn công hình mũi đao, trên tường có hoa văn trang trí cách điệu, trước miếu và các trụ biểu của miếu đều có câu đối chữ Hán. Xung quanh bên ngoài các miếu đều được trang trí bằng kỹ thuật ốp mảnh chén (đây là kiến trúc trang trí hoa văn thời Nguyễn. Các nghệ nhân đập vỡ chén để lấy mảnh ốp trang trí viền xung quanh bức tường bên ngoài và phần mái của miếu).
 
Theo ông Tưởng Đình Thông, Trưởng thôn Phúc Kiều thì ngày nay, không chỉ vào các ngày mồng 1, ngày rằm, lễ tảo mộ mà vào các ngày hội của làng người dân đều đến dâng hương, lễ Phật, khấn thần. Hiện nay, ở đây vẫn bảo tồn một số lễ hội như: Lễ dựng nêu bắt đầu từ ngày 26 tháng chạp, lễ Phật Bà ngày mồng 10 tháng giêng, lễ hội bơi trải tổ chức vào ngày 2 tháng 9.
 
Ghi dấu những sự kiện lịch sử quê hương
 
Cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn không những là nơi thờ tự linh thiêng của làng, mà còn gắn liền với bao sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cụm di tích chùa-miếu nằm ở thôn Phúc Kiều là nơi ẩn náu, tụ họp của các sĩ phu yêu nước, cũng là nơi các cán bộ Việt Minh về hội họp và tuyên truyền giác ngộ cách mạng ở vùng Roòn. Trong thời kỳ này, khu vực chùa-miếu ở thôn Phúc Kiều còn có nhiệm vụ cất giấu vũ khí và lương thực, là một trong những nơi hội họp của chi bộ Đảng, của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện về triển khai nghị quyết và vạch kế hoạch như: đồng chí Võ Thúc Đồng, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, đồng chí Nguyễn Văn Ngữ…
 
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thôn Phúc Kiều nói riêng và xã Quảng Tùng nói chung có vị trí chiến lược quan trọng. Đây được coi là điểm hậu cứ tuyến đầu của tuyến chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Trên địa bàn xã Quảng Tùng có đường chiến lược 22A, có bến phà Roòn và phà Hai, vì vậy, đây là một trong những điểm tập kết hàng hóa, vũ khí, đạn dược đầu tiên từ miền Bắc vào và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ Bắc vào Nam.
 
Người dân thôn Phúc Kiều và các thôn khác tham gia trực tiếp lấp hố bom, san lấp đường... Trong đó, khu vực chùa-miếu nằm ở thôn Phúc Kiều có vị trí tọa độ cao dễ quan sát, nên các đơn vị bộ đội, các đơn vị pháo, trong đó có Đại đội pháo 37 của Quân khu 4 đóng quân làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà. Chùa Phật Bà được dùng làm kho chứa vũ khí, đạn pháo và xăng dầu của các đơn vị.
 
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích
 
Trải qua hai cuộc kháng chiến và thời gian, cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn đã bị hư hỏng nặng. Chùa Phật Bà bị bom đạn Mỹ đánh sập vào năm 1968 chỉ còn lại phần móng và hai bức tường của chính điện. Để có nơi thờ Phật và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng, năm 2011, các tín đồ và nhân dân trong vùng góp công, góp của xây dựng lại ngôi chùa mới khang trang trên móng chùa cũ. Các miếu cũng đã được trùng tu và tôn tạo.
 
Ông Tưởng Đình Thông cho biết thêm: Từ năm 2011 đến nay, người dân trong thôn và những người con xa quê đã đóng góp trên 400 triệu đồng, ngân sách tỉnh và huyện cũng đã phân bổ 800 triệu đồng để trùng tu, tôn tạo, sửa chữa cụm di tích. Chính quyền địa phương luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, gìn giữ và bảo tồn di tích thông qua các hoạt động của Đoàn Thanh niên trong xã. Bên cạnh đó, người dân trong thôn cũng đã cử người dọn dẹp vệ sinh, trông nom và bảo vệ khu di tích.
 
Năm nào cũng vậy, cứ đến rằm tháng giêng, người dân trong thôn tổ chức làm lễ cầu yên tại khu vực chùa-miếu, còn cứ đến ngày 15 âm lịch hàng tháng, dân làng từ khắp nơi đổ về dâng hương, lễ chùa cầu an. Với những giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, năm 2012, cụm di tích chùa Phật Bà, miếu Thành hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh
 
Nằm trong tuyến du lịch Đèo Ngang-đền Công chúa Liễu Hạnh-Đá Nhảy, cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách tham quan, du lịch tâm linh.
 
Phạm Hà