Cây chuối, cây tre và con thuyền

  • 09:00 | Chủ Nhật, 08/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trận đại hồng thủy tháng 10 ở bắc miền Trung đã qua đi, nhưng dư ba của nó chắc còn lâu mới lắng lại. Khoa học hiện đại có nhiều phương tiện và phương pháp để kháng cự thủy quái, nhưng, lịch sử hàng nghìn năm con người chung sống với thiên nhiên cũng để lại nhiều sự cân bằng, bền vững mà hình như chúng ta đang bỏ qua, phá vỡ nó...
 
Khơi gợi lại đôi điều, tưởng không thừa. Lệ Thủy là một khúc, “một đốt” của Việt Nam, có cả biên giới Việt-Lào và duyên hải. Có ba vùng dân cư: ven chân thềm Trường Sơn phía tây, chân thềm Trường Sa phía đông và vùng giữa tả hữu sông Kiến Giang, con sông không chảy tây-đông như bình thường mà theo hướng nam-bắc. Trận đại hồng thủy chủ yếu giáng xuống... vùng giữa.
 
Cây chuối!
 
Từ thuở khai canh lập làng, trẻ con vùng giữa tập bơi bằng cái gì? Chưa có áo phao, tấm xốp, can nhựa như bây giờ. Trưa mùa hè, ăn cơm xong, mỗi đứa trẻ 5, 6 tuổi ôm một khúc cây chuối chừng bảy tám mươi phân theo anh chị xuống bến lặn ngụp. Sau một tuần là có thể thả khúc chuối để bơi gần bờ.
 
Đất phù sa châu thổ, vườn nhà ai cũng đầy chuối. Nuôi lợn chủ yếu bằng thân cây chuối và rau lang trộn cám, thịt lợn ngon hết biết. Mùa lụt, xóm tôi có 100 gia đình, khoảng 30 chiếc thuyền gỗ và 300 chiếc “thuyền chuối”. Ấy là những chiếc bè ghép bằng thân cây chuối. Di chuyển trong nước sâu, sóng to, thuyền có thể lật, bè thì không bao giờ.
 
Bè nhỏ cho trẻ con chống đi chơi. Bè vừa vừa để người lớn thăm nhau. Bè lớn để gạo thóc, nồi niêu, bếp núc và người cùng chó, mèo...Nước nổi, bè nổi. Lụt tận trời thì bè...lên trời. Sợ nước lớn bè trôi thì níu vào ngọn tre, cây thân gỗ hay buộc cục đá thả neo.
Những chiếc thuyền nan của người dân Lệ Thủy luôn được phát huy hiệu quả. Ảnh: Tiến Hành
Những chiếc thuyền nan của người dân Lệ Thủy luôn được phát huy hiệu quả. Ảnh: Tiến Hành
Nếu lụt ít ngày, nước rút, bóc bớt vỏ ngoài, cây chuối ấy vẫn dùng cho lợn ăn được. Tuổi thơ, tôi từng ngồi xắt (thái) chuối, băm nhỏ, trộn cám cho lợn và gà ăn. Chuối này chủ yếu là chuối sứ (chuối hột) cây to, lá to, dùng gói bánh đòn (bánh tét), bánh chưng. Quả chuối sứ phơi khô ngâm rượu nghe nói tốt cho cánh đàn ông. Căn nhà tổ phụ của tôi ở nơi thấp nhất của Lệ Thủy từ lâu không ai ở, chuối tốt như rừng. Cuối tháng chạp ta, mọi người tự do đến cắt lá chuối sứ gói bánh.
 
Sau này, nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp, cây chuối mất dần vai trò. Sân nhà lát gạch, vườn đổ bê tông cho sạch sẽ, chuối không còn đất sống, lụt lớn, mỗi nhà không còn ba “chiếc thuyền” nữa. Gần đây, có người tài trợ ống nhựa làm bè thay chuối. Nhưng, mỗi năm lụt khoảng 5 ngày, 10 năm mới có trận lụt lớn. Cái bè nhựa cứ nằm đấy cả 10 năm chờ lụt lớn cũng vô duyên, lại vướng. Còn cây chuối thì khác.
 
Cây chuối thân thuộc đến mức nhà thơ Nguyễn Trãi 600 năm trước đã ví người con gái đồng trinh với cây chuối: “Tình thư một bức phong còn kín/Gió ở đâu, gượng mở xem”. Thanh niên quê tôi đi lập nghiệp ở đâu cho mệt, cứ trồng nhiều chuối, sắm cái máy xay xát lấy cám, nấu rượu lấy hèm. Chuối trộn cám trộn hèm, nuôi lợn hữu cơ bán giá gấp rưỡi, gấp đôi. Mùa lụt lại sẵn thân chuối đóng bè lớn cho dân trú ngụ. Phương tiện chống lụt “tại chỗ" đấy chứ đâu.
                                    
Cây tre!
 
Học sinh một thuở đều thuộc lòng bài văn xuôi “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới và bài thơ “Tre xanh” của Nguyễn Duy. Cây tre, thân thuộc lắm, hữu dụng lắm, đến mức Thánh Gióng có ngựa sắt phun lửa rồi mà vẫn dùng tre đánh giặc. Tre có mặt khắp nơi, từ đôi đũa trên mâm cơm đến võng đưa ru giấc ngủ. Ly hương, trở về, từ xa thấy lũy tre đung đưa và tiếng chim cu gù trên ngọn măng vòi đã nghẹn ngào ứa nước mắt. Đến cả khi “sa cơ thất thế”, tre vẫn chung thủy.
 
Một ngôi nhà ven sông sụt lún biến mất, nhưng bụi tre bị sụt lún vẫn nằm đấy, vươn ngọn lên giữ đất, gọi là “tre trầm”. Nền văn minh nhựa và bê tông đã giết tre. Người ta “đào tận gốc trốc tận rễ" cả lũy tre để xây tường cao, cổng kín xa cách láng giềng. Tường cao bao nhiêu có cao bằng ngọn tre không? Mưa, nước dâng lên, lụt, lút bờ tường, ngập nóc nhà. Nếu có cái bối, cái bối lại buộc vào ngọn tre, mưa thì quàng áo, tạnh thì triển khai nấu cơm trên bối, ngồi trên bối, rót rượu cũng tốt.
 
Làng Cự Nẫm, thời chống Pháp được coi là mô hình “làng chiến đấu”, suốt 7 năm từ 1947-1954, quân Pháp không vào được, đâu phải do du kích mạnh mà là lính Pháp không vượt qua được lũy tre. Tre dầy, rất nhiều rễ và gai dằng dịt nhau. Ca nông bắn cả ngày không phá nổi vài mét.
 
Xây dựng nông thôn mới nhưng đừng xóa mất bản sắc dân tộc Việt. Có một loại tre cán giáo rất đẹp. Quê tôi có vùng gọi bằng cái tên rất xưa “chằng phày”, cây thẳng, đẹp như bó đũa, thân cũng cao và dẻo dai, mỗi cây trưởng thành sống khỏe đến cả 15 năm. Nếu vì nhu cầu để cảnh trí cho đẹp thì thay tre truyền thống bằng tre cán giáo. Không có tre, lụt thì có thể qua được, coi chừng lũ là trôi cả làng.
 
Nói thêm, xây tường rào bằng bê tông, liệu có đẹp bằng hàng rào chè tàu (chè mạn) xén vuông thành sắc cạnh. Khuất lấp giữa hàng rào chè là dây kẽm gai, vừa bảo vệ tư gia vườn tược vừa cảnh trí môi trường.
                                                 
Con thuyền năm ván!
 
Hò khoan Lệ Thủy đã được vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hiện  Lệ Thủy đang làm hồ sơ vinh danh lễ hội bơi thuyền. Lễ hội này đã có ít nhất gần 500 năm. Sách “Ô Châu cận lục” của tiến sỹ Dương Văn An tập thành năm 1555 đã miêu tả khá kỹ lễ hội bơi thuyền cầu mưa. Từ năm 1955, trở thành lễ hội bơi thuyền mừng Tết Độc lập 2-9 hàng năm.
 
Mỗi làng 1 thuyền bơi. Thường chia thành 2 bảng, rồi bán kết, chung kết. Cung đường bơi trên sông Kiến Giang chừng 12km, bơi 3 vòng khoảng 72km. Bơi thật lực gần hết buổi sáng. Trai bơi ngày trước quen lao động, gặt hái, chèo thuyền, rất khỏe. Thuyền nam bơi dầm, vẽ hình rồng vảy, đuôi rồng, đầu rồng đẹp mắt. Thuyền nữ chèo tay, động tác đẹp như múa. Từ động tác lao động đến động tác bơi đua, vừa rèn luyện thể thao, vui chơi.
 
Hàng năm, đến cuối tháng 8 là người người dù làm ăn ở đâu cũng cố về để xem lễ hội bơi thuyền, đứng cổ động kín hai bờ sông. Nửa cuối tháng 8, suốt hai bờ đã náo nức tiếng mõ, tiếng hò hét của những thuyền hạ thủy tập dượt. Người đang ở nhà nghe tiếng mõ là ba chân bốn cẳng chạy xuống bờ sông.
 
Sau lễ, thuyền bơi được bưng vào đình làng cất giữ, bảo quản chờ lễ hội năm sau... Ngày nay, giao thông đường bộ quá thuận tiện. Thanh niên cưỡi xe máy đi làm ruộng, xe ô tô chở lúa từ đồng về. Con thuyền năm ván biến mất khỏi các bến sông. Vậy nên, khi hữu sự như trận đại hồng thủy vừa rồi, không có thuyền cứu hộ cứu trợ...
 
Nhà cửa ven sông Kiến Giang xếp như hình xương cá. Các kiệt (gọi là trôổng) chạy song song, kéo từ bến sông ra cánh đồng rộng. Mỗi trôổng chừng 20 nóc nhà. Phong trào thể thao bóng chuyền của thanh niên một thời rất sôi nổi. Nhân việc vinh danh lễ hội bơi thuyền, mỗi trôổng nên góp tiền sắm (lại) một chiếc thuyền đua nhỏ, cũng trang trí và đóng cặp cho các trai bơi như thuyền chính quy nhưng ít hơn.
 
Mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật, học sinh THPT và lớp 8, lớp 9 cũng như viên chức nghỉ cuối tuần xuống bơi, từng tốp vài trôổng, tiếng mõ lóc cóc, tiếng hò reo tạo không khí thể thao “nông thôn mới" để rèn luyện thường xuyên cho ngày lễ hội bơi đua chính thức mồng 1 và 2-9. Mỗi trôổng có một chiếc thuyển thường trực vừa phục vụ bơi thuyền vừa sẵn sàng ứng cứu khi lụt lớn.
 
                                                        *
Sau đèo Ngang vốn là đất Chiêm Thành. Năm 1069, để chuộc mạng, vua Chiêm Thành là Chế Củ đã cắt 3 châu Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh cho Đại Việt, chính là đất Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay. Gần nghìn năm sống trên mảnh đất này, người Việt đã tìm ra cách ứng xử với thiên nhiên khắc nghiệt, kháng cự và thuận theo. Nay, hình như chúng ta đã và đang phá vỡ sự cân bằng đó bằng văn minh công nghiệp... Nên chăng, nghĩ lại để điều chỉnh, để giữ lại những giá trị vừa có tính văn hóa lại hữu dụng trong đời thường và cả khi hữu sự.
 
                                                                   Nguyễn Thế Tường