Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên:

Càng viết càng "vỡ" ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm

  • 07:58 | Thứ Hai, 12/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làm thơ, tích cực đi cơ sở, nghiên cứu các tài liệu cổ rồi ghi chép, biên soạn… là công việc hàng ngày của nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian (VHVNDG) Đặng Thị Kim Liên. Cái tuổi ngoài 70 chưa thể gọi là già đối với bà bởi sức lao động bền bỉ, miệt mài để cho ra đời nhiều công trình nghiên cứu có giá trị, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị VHVNDG ở các làng quê trên địa bàn tỉnh.
 
Bà Đặng Thị Kim Liên (SN 1949), quê ở xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, chuyên ngành văn, sử (năm 1970), bà đã có 18 năm làm công tác dạy học và quản lý giáo dục. Đến năm 1988, bà quyết định chuyển ngành sang làm công tác Hội Phụ nữ, từng đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Đồng Hới. Chính những năm tháng gắn bó với công tác hội đã cho bà nhiều trải nghiệm mới, nhiều cảm xúc để làm thơ, trong đó có rất nhiều bài thơ hay về người phụ nữ.
  Đi và viết là niềm đam mê của bà Đặng Thị Kim Liên.
Đi và viết là niềm đam mê của bà Đặng Thị Kim Liên.
Tiêu biểu là bài thơ "Lặng lẽ", nói lên nỗi đau mất mát, sự hy sinh của các mẹ, các chị, những người phụ nữ Việt Nam anh hùng nói chung và Quảng Bình nói riêng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc với những câu thơ rất cảm động như: "Lặng lẽ tiễn chồng về nơi tiếng súng/Lặng lẽ nhìn bóng núi khuất hoàng hôn/Lặng lẽ sinh con đớn đau ruột thắt/Lặng lẽ mẹ già ốm buốt mùa đông"...
 
Bài thơ được đăng trên Báo Phụ nữ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Quân khu V, Báo Biên phòng, được in trong tập "Nửa thế kỷ thơ Biên phòng" (NXB Công an nhân dân năm 2009) và được nhạc sỹ Lê Anh phổ nhạc. Trong cuộc thi sáng tác ca khúc viết về đề tài thương binh, liệt sỹ do Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội và Hội Nhạc sỹ Việt Nam phối hợp tổ chức vào năm 1997, ca khúc "Lặng lẽ", nhạc Lê Anh, lời thơ Đặng Thị Kim Liên đã đoạt một trong hai giải nhì (không có giải nhất), được Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu rộng rãi và được in trong Tuyển tập ca khúc Quảng Bình, Tuyển tập ca khúc Quân khu IV...
 
Bà tâm sự: Quãng thời gian làm công tác Hội Phụ nữ, gắn bó với chị em ở mọi vùng miền đã cho bà nguồn cảm hứng để tạo nên nhiều bài thơ về đề tài phụ nữ. Đó là những bài như: "Anh đừng trách em", "Bông hồng tặng mẹ", "Kỳ quan lòng mẹ", "Khúc hát mẹ ru", "Vườn rau mẹ trồng", "Mẹ nhận về mình", "Người còn duyên"...
 
Đặng Thị Kim Liên làm thơ từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và năm 1974, bà được đứng vào hàng ngũ hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh. Hiện tại, bà đã xuất bản được 7 tập thơ với khoảng 1.000 bài thơ và đang chuẩn bị trình làng tập thơ thứ 8 "Mắt đất ngọt lành" cùng hàng trăm bài đang ở dạng bản thảo.
 
Bà kể, bà có rất nhiều sổ tay, cuốn trong phòng ngủ, cuốn nơi gian bếp, cuốn trong phòng khách, cuốn luôn bên người trong những chuyến đi… Bất cứ lúc nào cảm xúc đến, bà đều ghi chép lại. Nhờ thơ mà bà lưu giữ gần như trọn vẹn những kỷ niệm, những thăng trầm đã trải qua của một thời thanh xuân cho đến bây giờ.
  Nhà nghiên cứu VHVNDG Đặng Thị Kim Liên được vinh danh tại Giải thưởng phụ nữ Việt Nam.
Nhà nghiên cứu VHVNDG Đặng Thị Kim Liên được vinh danh tại Giải thưởng phụ nữ Việt Nam.
Thơ Đặng Thị Kim Liên được bạn đọc đón nhận và yêu mến bởi sự nhẹ nhàng, tinh tế, giản dị về ngôn ngữ, cách diễn đạt... Đó là thế mạnh để bà khẳng định hướng đi cho riêng mình. Bà là người nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc nên giọng thơ của bà cũng là “giọng quê”, là ca dao, lục bát nhẹ nhàng, uyển chuyển. Tuy có một số bài mang giọng điệu mới nhưng vẫn giữ lối viết giản dị, dễ đọc, dễ hiểu, dễ đi sâu vào lòng người, phù hợp với mọi đối tượng công chúng yêu thơ.
 
Người ta thường nói nghỉ hưu là được nghỉ ngơi, thư giãn nhưng với Đặng Thị Kim Liên, nghỉ hưu lại là điều kiện để bà có thời gian làm những điều mà mình ấp ủ. Bà luôn tìm thấy niềm vui, sự hứng khởi trong những chuyến đi thực tế, những lần miệt mài đọc và viết. Chính bởi những trăn trở và đam mê ấy mà cuộc sống của bà lúc nào cũng bận rộn. Bà đảm nhận nhiều vai trò, như: Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình…
 
Việc nghiên cứu, biên soạn các công trình nghiên cứu VHVNDG luôn có sức hút đặc biệt đối với bà, bởi theo bà, càng đi lại càng thấy vốn kiến thức mình lĩnh hội còn ít vì có quá nhiều điều mình chưa tiếp cận được. Càng viết càng "vỡ" ra bao nhiêu vấn đề cần phải lưu tâm.
 
Vì vậy, mỗi chuyến đi cơ sở đến với những vùng, miền trên địa bàn tỉnh với bà là những trải nghiệm thú vị để bà ghi chép, lưu giữ lại phong tục, tập quán, những làn điệu dân ca, dân vũ, những nét đẹp văn hóa truyền thống của các làng quê cho thế hệ mai sau. Đó là các công trình như: "Chợ quê Quảng Bình", "Thuần phong mỹ tục phụ nữ Quảng Bình", "Các làn điệu dân ca Quảng Bình", "Văn hóa dân gian tộc người Vân Kiều"...
 
Đến nay, bà đã cho ra đời 17 công trình nghiên cứu, biên soạn về VHVNDG Quảng Bình và rất nhiều bài viết được đăng tải ở các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, năm 2019, cuốn sách “Chợ phiên Ba Đồn” do bà nghiên cứu, biên soạn được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải B.
 
Và mới nhất, năm 2020, Đặng Thị Kim Liên đã trình làng cuốn “Vạn chài sông Gianh” và đang triển khai sưu tầm, nghiên cứu nhiều đề tài khác liên quan đến VHVNDG. Những công trình nghiên cứu của bà có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của quê hương, là nguồn tư liệu quý cho các địa phương và những người làm công tác văn hóa trên địa bàn tỉnh.
 
Là người phụ nữ đa tài, hết lòng vì sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật, Đặng Thị Kim Liên vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý như giải thưởng Lưu Trọng Lư (UBND tỉnh Quảng Bình), giải thưởng thơ Báo Phụ nữ Việt Nam, giải thưởng thơ ngành Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp văn học-nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh...
 
Với những cống hiến đó, năm 2017, bà vinh dự là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc nhất cả nước được nhận Giải thưởng phụ nữ Việt Nam. Những thành quả đó là động lực để nhà nghiên cứu VHVNDG Đặng Thị Kim Liên tiếp tục nỗ lực, cống hiến trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các công trình về VHVNDG mang bản sắc văn hóa của quê hương.
 
                                                                             Nhật Văn