Từ một câu hát...

  • 06:59 | Thứ Năm, 10/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - "Nước Kiến Giang không bao giờ cạn…" mà sao đã có mấy lần dòng sông khô trơ đáy? Một câu hỏi không dễ trả lời, để tỏ rõ ngọn ngành đành phải ngược thời gian trên chính dòng sông này…
 
Có lẽ dòng Kiến Giang ở Lệ Thủy có những điều “lạ” so với những dòng sông khác ở miền Trung. Đó là nó chảy “ngược” từ nam ra bắc trước khi nhập vào dòng Đại Giang để có một tên gọi đẹp nữa-Nhật Lệ, rồi mới xuôi ra biển lớn. Nó cũng như bao dòng sông khác, hội tụ những giọt nước trên đại ngàn Trường Sơn để tạo nên dòng chảy không ngưng nghỉ.
 
Và mải miết cóp nhặt phù sa trên chặng đường dài đi qua để đưa về hạ du nuôi dưỡng cỏ cây. Quả là có lý khi người ta nói rằng nếu không có dòng Kiến Giang thì sẽ chẳng có những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên lưu vực của nó. Và, cũng khó có những xóm làng trù phú với tên gọi vùng giữa ở Lệ Thủy. Vậy xem ra, dòng Kiến Giang không đơn độc trong sự tồn tại trên vùng đất này. Bởi thế chẳng có gì lạ khi lý giải về những khúc mắc trên dòng sông này ta lại phải nhờ “chi viện” ở những vấn đề khác.
   Cầu phao nối Mỹ Trạch (Mỹ Thủy)-Xuân Bồ (Xuân Thủy) trên dòng Kiến Giang.
Cầu phao nối Mỹ Trạch (Mỹ Thủy)-Xuân Bồ (Xuân Thủy) trên dòng Kiến Giang.
Vâng, ai đã từng là cư dân vùng giữa Lệ Thủy trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước và tất nhiên cả những năm tháng trước đó, chắc hẳn đã thưởng thức hạt gạo “bọc thép”. Gạo “bọc thép” là tên gọi khác của thứ gạo làm ra từ giống lúa Su. Ngoài việc khá cực nhọc khi “bóc vỏ” hạt gạo này thì nó còn có những “khuyết tật” khác, như thời gian sinh trưởng dài, khoảng 6-7 tháng, năng suất thấp đến kỳ cục so với các giống lúa hiện nay, chừng 15-17 tạ/ha.
 
Nhưng bù lại, sức chịu đựng của nó khá lớn, chua phèn nó chẳng ngán, mặn tý chút cũng chẳng sao, đặc biệt nước dâng cao nó cũng cao lên theo… Chính vì vậy mà nó được “ném” ra vùng ruộng được gọi là “ma chê quỷ hờn”- vùng Vời (có nơi gọi là vùng Phù Sa).
 
Tại sao vùng này lại bị ví von chua chát đến thế?  Đây là vùng thấp trũng nhất của cánh đồng huyện Lệ Thủy, quanh năm ngập nước. Có lẽ, trong hành trình phát triển lúa nước, nó được khai phá sau cùng ở vùng giữa này. Lớn lên, tôi đã đến đây, ruộng mà như hoang mạc, lầy thụt bùn ngập đến bụng, năn lác um tùm, chẳng thấy bờ đâu, lại quy tụ nhiều địa phương cùng làm ruộng. Chẳng thế mà tranh chấp xảy ra luôn luôn, nhất là những năm trước khi hòa bình lập lại trên miền Bắc.
 
Tôi đã nghe kể những chuyện đau lòng trên vùng ruộng chẳng ra ruộng này những năm tháng xa xưa... Dù quanh năm không thiếu nước nhưng về mùa hạn nhiều năm nước mặn xâm nhập lên đến đây nên nó là vùng ruộng chua phèn, nhiễm mặn nặng. Chính vì thế mà mỗi cây lúa Su là “thích ứng” với vùng ruộng này. Và nó đã “vượt khó” lớn lên trong phèn, mặn, cạnh tranh với năn lác, với gió Lào…
 
Còn người nông dân từ khi cấy xong thì chẳng phải làm cỏ, bón phân, chẳng phải lo nước nôi cho cây lúa. Đến vụ gặt là cha nào con nấy theo thuyền lớn, thuyền bé ra tha về. Vâng, chỉ có đi thuyền mới đến được đây để thu hoạch những bông lúa dài, hạt to…
 
Ngoài hạt lúa, nơi đây còn là vựa cá, chim. Những mùa đi gặt lúa Su, tôi thường chờ anh, chị tôi mang trứng chim về, như trứng trích, trứng gà nước… Cũng phải nói thêm một chút, trước khi vào vụ cấy lúa Su trên vùng ruộng này phải làm một việc mà có lẽ không nói ra chắc thế hệ sau sẽ “mất dấu”, đó là a năn.
 
Vâng, a năn, tôi nhắc lại! Dụng cụ là một cái “a”. A có cán rất dài bằng cây tre, đầu gắn một cái tam giác mỗi cạnh chừng 70cm có hai cạnh phía hai bên làm bằng sắt khá sắc, mũi nhọn hướng về trước. Người đi a chỉ việc đặt a xuống ruộng cầm cán a đẩy đi. Khi đó năn, lác sẽ bị đứt đổ xuống…
 
Những năm hạn hán khốc liệt, nước mặn tràn lên đồng và hẳn nhiên, nó cũng chẳng tha cho dòng Kiến Giang. Có năm, nước mặn lên đến vực An Sinh, thậm chí có thể dâng cao lên nữa trên thượng nguồn. Dân tình khốn đốn chuyện nước sinh hoạt. Vậy xem ra dòng Kiến Giang làm sao cạn khô dòng trong mùa nắng hạn được! Vâng, nhưng nó đã cạn trong thực tế những năm 1977, 1993… Vì sao?
 
Có một “mệnh đề” mà ai trồng lúa cũng tỏ tường: có trồng lúa là có be bờ, đắp đập. Ở vùng sông nước như Lệ Thủy thì điều trên là hiển nhiên. Hay nói cách khác là hệ thống đê điều ở Lệ Thủy đã có từ xa xưa. Nhưng để “đụng chạm” tới vùng Vời phải kể đến sau này, đấy là khi tỉnh phát động xây dựng hệ thống đê điều Hạc Hải từ tháng 6-1961.
 
Hệ thống đê điều này có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt cho vựa lúa Lệ Thủy và một phần của huyện Quảng Ninh. Trong hệ thống đê điều đó có chốt chặn ngay trên dòng Kiến Giang-đập An Lạc ở đoạn cuối xã Lộc Thủy-An Thủy. Nhiều năm nó được xây dựng theo kiểu âu thuyền để thuyền bè dễ qua lại. Con đập này là điểm chốt chặn trong mùa hạn, mùa lũ nó được xả ra (mà không xả thì nước lũ cũng cuốn phăng đi).
 
Dù phía thượng nguồn có hết nước thì nước hạ nguồn (nước mặn) không thể lên được phía trên. Hệ thống đê điều này là bước khởi đầu cho việc thay đổi cách canh tác ở vùng Vời. Cùng với thời gian, bùn đất lắng đọng vùng Vời đã bớt lầy thụt và độ sâu. Để đến nay, dấu vết vùng Vời đã nhạt nhòa, lúa giống mới đã phong tỏa toàn bộ diện tích trồng lúa ở Lệ Thủy.
 
Nhưng cũng không dễ gì với thiên nhiên khi chúng ta … “cưỡng bức” nó với cách làm như đã nói ở trên. Những năm hạn khốc liệt, lượng nước phía trên đập An Lạc đã không đủ cấp cho cánh đồng Lệ Thủy rộng lớn, cộng với bốc hơi nước mặt đã làm cho dòng Kiến Giang… khô đáy!
 
Những năm 1977, 1993…, có thể đi xe đạp dưới lòng sông Kiến Giang. Vâng, đó là toàn cảnh dòng Kiến Giang những năm tháng đã xa nhưng vẫn còn in đậm trong ký ức bao thế hệ. Và hiểm họa sông Kiến Giang cạn dòng còn rình rập cư dân đôi bờ trong suốt hàng chục năm cuối thế kỷ 20.
 
Hiểm họa đó chỉ biến mất khi hệ thống đê điều Thượng Mỹ Trung được hoàn chỉnh cùng với hồ chứa An Mã phát huy tác dụng vào những năm đầu thế kỷ 21. Cùng với sản xuất nông nghiệp bước sang trang mới, tới mỗi mùa bơi đua, người dân Lệ Thủy không phải thấp thỏm chờ… trời mưa như những năm trước đây. Các thế hệ sau này khó có cơ hội được đi bộ dưới… đáy sông Kiến Giang!
 
Và câu hát “Nước Kiến Giang không bao giờ cạn…” vẫn tiếp tục ngân lên không hề lỗi nhịp!
 
                                                                                            Văn Hoàng