Tình đất, tình người trong "Sông khát"

  • 09:17 | Thứ Tư, 09/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sông khát (NXB Hội Nhà văn-2019) là tập thơ mới của tác giả Trương Vĩnh Hạnh. Trước tập thơ này, ông đã có 2 tập thơ in riêng và 2 tập thơ in chung với tác giả khác. Ông đã từng nhận giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư của UBND tỉnh Quảng Bình và là đại biểu hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc năm 1994.
 
Trương Vĩnh Hạnh vốn từ tốn, kiệm lời, sống thực tâm. Thơ ông cũng vậy! Ông viết không nhiều song sớm có giọng điệu thơ riêng. Ở tập Sông khát, ông đã cố gắng đổi mới thơ mình phù hợp với xu thế phát triển thơ hiện đại. Đương nhiên, ông không đánh mất mình, không chạy theo sự cách tân hình thức, làm xiếc ngôn từ. 
Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Sông khát".
Đọc Sông khát, chúng ta thấy thấm đẫm tình đất, tình người, từ nơi sinh đến nơi lập nghiệp, gắn bó, nơi một lần ghé qua hay ở lại một thời gian của tác giả. Những người ruột thịt, người thân, người có cảnh ngộ đáng thương đều nối với lòng ông qua “sợi dây thơ” nồng nàn, sâu lắng. Tình người trong thơ ông là tình bạn, tình đồng nghiệp, là quan hệ giao cảm giữa con người với con người...
 
Đây là nơi chôn nhau cắt rốn đời ông:
Kiến Giang chảy
Thần Đinh ngoảnh mặt - non Mâu dựng bút
.....
Đủng đỉnh chiều trôi nắng nhạt
Vắt vẻo lưng trâu về chuồng
.....
Điệu hò mềm hương lúa
Đồng quê hai vụ
Mưa khát nắng
Nắng khát mưa
Hạt giống lấm lem bùn đất
                                    (Làng)
Nơi ấy có người mẹ đảm đang, yêu kính của ông:
 
Đôi bờ vai xuôi ngược
Mẹ gánh ca dao non nước
Gánh nỗi niềm trong khúc hát ru
                                                (Mẹ)
Và người cha-từng là chiến sỹ Điện Biên, khi trở về làng còn mang trên mình vết thương; đến ngày tạ thế vẫn lưu giữ tấm áo trấn thủ:
 
Nấm mộ cha áo trấn thủ theo cùng
Đất làng chở che trái tim người lính
                                                      (Cha)
Bài Em trai (tặng người em liệt sỹ) của ông cũng thật cảm động:
 
Tuổi xanh áo lính chiến trường
Lạng Sơn tút mút biên cương lời thề
Em đi-đi mãi-không về!
 
Còn đây là quê vợ-nơi ông dạy học, gắn bó:
 
Chùm hoa dẻ chấm triền đồi thương nhớ
Khói lau bay bạc vách lèn trưa
Nét mực tím hòa dòng Son trẻ
                                (Bến phà Xuân Sơn)
Không dừng lại trong phạm vi địa giới Quảng Bình, thơ Trương Vĩnh Hạnh mở rộng biên độ tới nhiều miền đất nước. Ông thương xót những người lính hy sinh chưa tìm ra mộ:
 
Khói nhang dựng câu hỏi
Ngọn nến dựng câu hỏi
Tiếng nguyện cầu nghiêng đêm
Nước mắt héo cùng mâm ngũ quả
                                          (Thời gian)
Ông đau nỗi đau Vọng phu cát:
 
Vọng phu cát trắng phũ phàng
Đôi cành liễu rủ
Lỡ làng tuổi
Xanh
 
Trong bài Ru chiều, ông nói cụ thể hơn cảnh ngộ người phụ nữ đợi người yêu không về:
 
Chị ru nước mắt ướt nhòa
Thơm hương bồ kết chiều tà tái tê
Hai người chung một ngõ quê
Hẹn mùa xuân ấy chẳng về với xuân
 
Thơ Trương Vĩnh Hạnh là thơ có tâm trạng rõ rệt, không duy lý. Ông thổ lộ:
 
Một ngày giữa cõi lặng im
Tôi ngồi đếm nhịp con tim nhạt  nhòa
                           (Một ngày)
Hoặc:
 
Tôi nợ
Tôi
Một tiếng thở dài cuối đông năm ấy
                                         (Tôi)
Chữ trong thơ ông là chữ có lao động nghệ thuật, được tinh chọn. Có câu thơ buông lơi nhẹ nhàng nhưng trĩu nặng ưu tư:
 
Nợ tình bong bóng hiên mưa
Nợ đời sao cứ bông đùa theo ta
                                     (Ngỡ ngàng)
Có câu đậm chất triết lý nhân sinh:
 
Gom bao nhân hậu nuôi đời lớn lên
                                                             (Mẹ)
Viết về biển đảo, ông có những ý thơ mới, mang tính phát hiện. Chẳng hạn: khi ông tỉ dụ đảo là “mầm đá mọc trùng khơi/... sóng đoản khúc chân còng trên cát”, còn cột mốc của đảo thì “Giữa mắt bão/cột mốc/thao thiết cánh chim” (Đảo).
 
Thơ tình Trương Vĩnh Hạnh có một số bài, số câu ấn tượng, lay động trái tim người đồng cảnh:
 
Em về kết cỏ lặng im
để tôi vàng úa
trái tim
lỡ lầm
                 (Một lần)
Hoặc:
 
Em buông dấu chấm lững
nụ cười đẩy trăng lên
vô tình tôi đâu biết
Sương đêm gieo ướt thềm...
                                (Dấu chấm lững)
Thể hiện qua nhiều thể loại thơ, dù ở thể loại nào, Trương Vĩnh Hạnh vẫn làm chủ được cảm xúc, tiết chế được con chữ phù hợp để diễn tả đúng tư tưởng, tình cảm, ý nghĩ của mình. Thơ lục bát là thế mạnh của ông, được ông biến đổi cấu trúc, làm mới bằng việc ngắt nhịp, gieo vần linh hoạt nên tránh được cảm giác mòn cũ. Tuy nhiên, người đọc khó tính có thể chưa thỏa mãn với việc sáng tạo tứ thơ của tác giả. Sông khát còn ít bài thơ có tứ độc đáo. Hy vọng, những “đứa con tinh thần” mới của ông sẽ hoàn hảo hơn!
 
Lý Hoài Xuân