Người khơi lại mạch nguồn văn hóa

  • 08:10 | Thứ Hai, 14/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2005, lễ hội "Cầu ngư" xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) lần đầu tiên được phục dựng thành công sau nhiều chục năm vắng bóng, đứt đoạn. Cũng từ đây, những câu hò, điệu múa hàng trăm năm tuổi, từng là niềm tự hào của người “kẻ biển” này lần lượt được hồi sinh. Người âm thầm khơi lại mạch nguồn văn hóa truyền thống của vùng đất, con người bên chân sóng ấy không ai khác chính là Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu.
 
Gần 70 năm trước, trong số những cô bé, cậu bé theo chân người lớn đi xem hội làng, có một cô bé nhỏ con đã sớm mê mẩn tiếng trống hội, tiếng hò, điệu múa truyền thống của quê hương. Có đêm, cô bé mải xem hội đến 2, 3 giờ sáng mới về nhà. Năm 18 tuổi, cô bé ấy may mắn và tự hào khi được các “cụ cai” (người hò cái, lĩnh xướng trong các những ngày lễ hội ở Nhân Trạch ngày trước) tuyển chọn vào đội múa bông, chèo cạn của làng. Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu bảo, nguyên do của những đam mê trong con người mình có lẽ bắt đầu từ những câu hò, điệu múa trong những đêm hội ngày đó.
  Một buổi biểu diễn của CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch.
Một buổi biểu diễn của CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch.
Bà kể, hồi đó, ở làng biển Nhân Trạch, hầu như lễ hội được tổ chức quanh năm. Ví như, Lễ “Hạ vụ” vào tháng giêng do các chủ tàu thuyền tiến cúng bắt đầu mùa biển mới; lễ hội “Cầu ngư” từ rằm tháng giêng đến tháng tư âm lịch; lễ hội “Kỵ cậu” cúng tại lăng bà, lăng cậu, lăng cô vào ngày 25-5 âm lịch; lễ “Đại điểu” cầu phúc vào tháng 6 âm lịch; lễ hội “Xuân thu nhị kỳ” mở vào tháng 8 âm lịch với mục đích là trả ơn thần Ngư trên biển và bố thí cho thập loại cô hồn khi kết thúc một mùa đánh bắt đại cát. 
 
Nhưng rồi, được vài mùa lễ hội, từ khi lấy chồng, sinh con, bà không còn thời gian cho niềm đam mê của mình. Năm 28 tuổi, chồng hy sinh, từ đó, người đàn bà làng biển ấy phải một mình thay chồng gồng gánh cuộc mưu sinh cho cả gia đình gồm 2 người con và 1 mẹ già. Những ngày đó, bà vừa làm cán bộ phụ nữ xã, vừa tranh thủ chăn nuôi kiếm tiền nuôi con.
 
Khó mà kể hết nỗi khó khăn, vất vả của người đàn bà đơn thân ở làng biển, nếu như không có chồng chung vai gánh vác gia đình. Năm 1990, bà nghỉ hưu. Lúc này, 2 người con của bà đã trưởng thành và lập gia đình. Những tưởng từ đây bà sẽ nghỉ ngơi, sớm hôm sum vầy, đùa vui với con cháu. Nhưng không, ký ức về những ngày hội làng với những trò diễn xướng dân gian xưa cũ bỗng nhiên “thức dậy” trong bà.
 
Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu kể: “Người Nhân Trạch, nếu ai đã từng sống trong những ngày đó, không ai không nhớ, không biết và không mê không khí lễ hội làng. Nhưng rồi những năm tháng chiến tranh ác liệt, cùng với những biến thiên của cuộc sống đã khiến cho các lễ hội làng biển bị vắng bóng, đứt đoạn. Những kho báu di sản văn hóa dân gian hàng trăm năm tuổi, nếu không được phục dựng, gìn giữ, phát huy, thì theo thời gian, tất cả rồi sẽ bị mai một”.
 
Nghĩ vậy nên bà thấy rất xót xa, tiếc nhớ và quyết tâm phục dựng lại cho bằng được. Nhưng phục dựng lại bằng cách nào? Sau nhiều đêm trăn trở, bà chợt nghĩ, văn hóa dân gian thì sẽ không có sách vở nào ghi chép lại, mà nó nằm và “sống” ở ngay chính trong dân gian. Dân gian đó không ai khác chính là các cụ "cai” ngày trước. May sao, lúc đó các cụ vẫn còn sống. Nhưng thời gian các cụ còn sống không còn nhiều. Các cụ mà mất đi, di sản văn hóa cha ông cũng sẽ không còn. 
   Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu, báu vật sống của văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu, báu vật sống của văn hóa truyền thống.
Những ngày sau đó, bà âm thầm đến nhà các cụ “cai” để học lời, học làn điệu và cả học múa. Vừa học, bà vừa tranh thủ thời gian đi khắp làng, xã để vận động các thành viên cao tuổi từng tham gia trong các đội múa, hò trước đây để phục dựng lại. Ý tưởng của bà lập tức được mọi người đồng ý. Bà nhớ lại, lúc đó, để được các cụ dạy, bà phải tranh thủ hoàn thành việc nhà sớm, rồi tất tả sang làm việc cho các cụ để các cụ có thời gian rảnh rỗi dạy lại cho.
 
Cứ thế, bà càng học càng say. Thấy bà vừa tâm huyết với truyền thống văn hóa quê hương, vừa lĩnh hội nhanh, các cụ lại càng thương và truyền cho tất cả các “ngón nghề”. Dần dần, những điệu hò, điệu múa đã được bà thực hiện thành thục. Cẩn thận hơn, bà còn ghi chép lại để sau này truyền nghề cho đời sau.
 
Thế nhưng các điệu múa, điệu hò truyền thống không thể cứ muốn là đưa lên sân khấu bất kỳ lúc nào cũng được. Bởi đây là những loại hình nghệ thuật vừa mang tính lễ nghi, lại vừa mang tính tâm linh. Muốn phục dựng lại phải có không gian diễn xướng. Nghĩa là muốn phục dựng nguyên bản, phải phục dựng lại các ngày lễ hội của làng.
 
Vậy là bà lại tiếp tục lên trình bày, thuyết phục và vận động lãnh đạo xã Nhân Trạch để phục dựng lại các lễ hội của làng. Sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, bà khấp khởi mừng vui. Vấn đề còn lại là kinh phí đâu để phục dựng, nhất là tiền may trang phục, đạo cụ? Phải có bột mới gột nên hồ? Câu hỏi cứ treo lơ lửng chưa có lời giải, thì năm 2003, bà bị đau mắt. Các con của bà đưa bà sang Séc để chữa bệnh và định bụng giữ bà ở lại để phụng dưỡng.
 
Nhưng bà nhất quyết đòi trở về quê nhà sau khi mắt lành hẳn chứ không ở lại. Những ngày chữa bệnh ở Séc, có dịp gặp gỡ những người đồng hương Nhân Trạch của con cái mình đang làm ăn ở đây, bà tranh thủ thủ thỉ vận động quyên góp tiền để phục dựng các lễ hội làng. Nghe bà trình bày, ai cũng nhận lời đóng góp, người ít, kẻ nhiều. Được dịp sang Đức, bà cũng một công đôi việc vừa đi du lịch cùng con cháu, vừa vận động. Sau chuyến đi này, bà mang về khoản tiền gần 100 triệu đồng để may trang phục, đạo cụ. 
 
Năm 2005, lễ hội "Cầu ngư" xã Nhân Trạch lần đầu tiên được bà phục dựng thành công. Có được chút “vốn liếng”, năm 2011, CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch, gồm 70 thành viên được thành lập. Đến nay, CLB của bà đã phục dựng hầu hết các điệu hò, cách diễn xướng trong điệu hò khoan, chèo cạn và các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa của làng biển.
 
Với những công lao và đóng góp của bà cho nền nghệ thuật dân gian, tháng 9-2019, bà Phạm Thị Niếu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Ngày nhận được danh hiệu cao quý cùng với số tiền hơn 17 triệu đồng, bà tự nguyện đóng góp thêm 10 triệu đồng nữa để phục dựng dàn trống dân gian truyền thống của quê hương.
 
Đến tháng 12-2019, đội trống hội dân gian gồm 50 chiếc của CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch đã ra mắt. Đây là đội trống truyền thống và quy mô đầu tiên phục dựng thành công trên địa bàn huyện Bố Trạch. Bà hóm hỉnh kể: “Chuyện mệ đóng góp tiền này, cho đến bây giờ, con cháu trong nhà không ai hay biết gì. Nhưng dù sao chuyện đã xong. Chúng nó giờ có biết cũng chẳng trách cứ gì mình”. Nói rồi bà cụ 80 tuổi xăm xăm dẫn khách vào nhà. Để ý mới thấy, ngoài những hình ảnh về con cháu, có đến gần một nửa trong số hàng trăm bức ảnh lấp đầy những bức tường trong ngôi nhà của bà là hình ảnh về các buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống mà bà và CLB Văn hóa dân gian xã Nhân Trạch đã phục dựng lại được. Bà bảo, đó chính là tâm huyết, máu thịt của cuộc đời mình. 
 
Năm 2011, bà Phạm Thị Niếu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, bà được phong tặng Nghệ nhân ưu tú. Và đến năm 2019, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân. Hiện, bà là người nắm giữ nghệ thuật trình diễn dân gian: văn hóa bá trạo, hò hạ thủy, hò dậm sạp, múa bông chèo cạn, hát quạt, vè cá, múa đồng đăng…
 
Dương Công Hợp