Đoàn Nghệ truyền thống Quảng Bình:

Nơi "giữ lửa" nghệ thuật truyền thống

  • 08:59 | Thứ Ba, 15/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với các tên gọi khác nhau (Đội Tuyên truyền văn hóa lưu động, Đoàn Văn công nhân dân Quảng Bình, Đoàn Nghệ thuật Quảng Bình, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp), Đoàn Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Quảng Bình (tên gọi hiện tại) đã có bước phát triển về mọi mặt. Đoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị NTTT của dân tộc phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.
 
Với 42 cán bộ, viên chức, người lao động, Đoàn NTTT Quảng Bình đã phát huy nội lực, khắc phục khó khăn vươn lên đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Hàng năm, đoàn luôn duy trì 110 buổi biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 20 buổi phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa.
 
Để triển khai tốt các chương trình biểu diễn, phù hợp với từng nhiệm vụ chính trị, đối tượng khán giả, diễn viên trong đoàn được chia thành 2 đội, gồm ca múa nhạc dân tộc và ca múa nhạc hiện đại, trang bị khá đầy đủ về âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, trang phục…
 “Khoác áo” nghệ thuật cho văn nghệ dân gian, nhiều tiết mục biểu diễn của Đoàn NTTT tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem.
Nhiều tiết mục biểu diễn của Đoàn NTTT tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem.
Với dàn diễn viên cơ bản được đào tạo chuyên nghiệp, nên chất lượng nghệ thuật của đoàn ngày càng được nâng cao. Đoàn vinh dự được biểu diễn phục vụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến vào thăm, làm việc với tỉnh Quảng Bình (năm 2015) và nhiều sự kiện quan trọng khác.
 
Những năm qua, đoàn đã xây dựng và biểu diễn thành công các chương trình nghệ thuật ý nghĩa như: “Vì biển đảo thân yêu”, “Quảng Bình trong lòng Hà Nội”, “Con đường tuổi 20”… và nhiều chương trình phục vụ các sự kiện chính trị của tỉnh, các ngành, địa phương.
 
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn luôn được dàn dựng công phu, hoành tráng, mang âm hưởng đặc trưng của quê hương. Không ít chương trình, tiết mục biểu diễn của đoàn đoạt giải cao tại các liên hoan nghệ thuật, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.
 
Hoạt động biểu diễn phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa được đoàn hết sức chú trọng. Anh chị em diễn viên đã không quản ngại khó khăn để đến với các làng quê như: Thượng Trạch (Bố Trạch), Trường Sơn (Quảng Ninh), Kim Thủy (Lệ Thủy), Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa), Lâm Hóa, Châu Hóa (Tuyên Hóa)…
 
Những lời ca, điệu múa mà các thành viên của đoàn mang đến luôn được bà con mong đợi, cổ vũ nhiệt tình. Và đó là sức mạnh, là liều thuốc tinh thần động viên anh chị em nghệ sỹ cống hiến hết mình vì sự nghiệp văn học nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
 
Không chỉ biểu diễn ở các địa phương trong tỉnh, Đoàn NTTT Quảng Bình còn có những chuyến xuất ngoại lưu diễn phục vụ bà con Việt Kiều. Những làn điệu dân ca, dân vũ, những bản sắc văn hóa quê hương được các nghệ sỹ tái hiện khá trọn vẹn trên sân khấu luôn để lại trong lòng người Quảng Bình xa quê nhiều cảm xúc.
 
Nhạc sỹ Quách Sỹ Dũng, Trưởng đoàn cho biết: Xác định nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại là nhiệm vụ trọng tâm, Đoàn NTTT Quảng Bình đã ưu tiên tập trung các hoạt động khôi phục các làn điệu dân ca, dân vũ của các làng quê, xây dựng nhiều chương trình biểu diễn ấn tượng mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Những cái tên như Thanh Oai, Hoài Nam, Lê Thị Ái, Hoàng Anh Tuấn… đã trở nên quen thuộc trong lòng công chúng yêu dân ca nhạc cổ.
 
Nhằm xây dựng chương trình phù hợp với thị hiếu của người dân bản địa, đoàn đã nghiên cứu kỹ bản sắc văn hóa địa phương, đưa các loại hình văn nghệ dân gian của dân bản lên sân khấu với chất lượng nghệ thuật cao nên luôn thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân. Nhờ vậy, các làn điệu dân ca như hò thuốc, hò biển, hát ru, hò khoan, ca trù…, “đặc sản” văn hóa của các địa phương đều được anh chị em nghệ sỹ của đoàn nắm giữ và thể hiện khá tốt.
 
Đội ca múa nhạc truyền thống luôn phối hợp với các nghệ nhân dân gian như nghệ nhân Hồng Hới (hò khoan Lệ Thủy), Lê Thành Lộc (hát ru Cảnh Dương)… và những người am hiểu bản sắc văn hóa, văn nghệ dân gian để tìm hiểu các làn điệu dân ca rồi nghiên cứu soạn lời mới phù hợp với các sự kiện chính trị.
 
Nhờ đó, đoàn đã xây dựng được nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc mang âm hưởng dân ca quê hương đến với bà con trong, ngoài tỉnh và kiều bào nước ngoài. Qua những chuyến lưu diễn, các chương trình nghệ thuật của đoàn đã chuyển tải thông điệp về tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả trong, ngoài nước.
 
Phần lớn các chương trình biểu diễn của đoàn đều có dấu ấn của NTTT, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của quê hương. Điều đáng tự hào là đoàn đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, luôn có ý thức trau dồi tài năng nghệ thuật, tâm huyết với nghề để xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, phát triển cả lĩnh vực ca múa nhạc hiện đại và ca múa nhạc truyền thống.
 
Nhiều nghệ sỹ của đoàn đã gặt hái được những thành công trong hoạt động nghệ thuật, tiêu biểu là các nghệ sỹ ưu tú: Thùy Linh, Thanh Nhân, Kiều Oanh… Các nhạc sỹ, biên đạo của đoàn luôn tích cực tìm tòi, sáng tạo để xây dựng nên các chương trình nghệ thuật độc đáo, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.  
 
Để phát triển đúng hướng như tên gọi của mình, đoàn luôn mời các nghệ nhân dân gian tham gia tập huấn về dân ca, dân vũ cho ca sỹ, diễn viên của đoàn. Hàng năm, đoàn đều xây dựng các chương trình ca múa nhạc truyền thống để phục vụ khách du lịch và các nước bạn khi đến thăm, làm việc tại tỉnh, đồng thời xây dựng chương trình ca múa nhạc hiện đại để tham gia các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.
 
Đứng trước những khó khăn nhất định như thiếu nhân tài trẻ, chưa có nơi luyện tập đạt yêu cầu…, song anh chị em nghệ sỹ Đoàn NTTT Quảng Bình luôn phát huy tinh thần “tiếng hát át tiếng bom” năm xưa để tiếp tục mang lời ca, tiếng hát đến với bạn bè trong nước, quốc tế, từng bước khẳng định vai trò của NTTT, một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân ở các địa phương.
 
                                                                                      Nh.V