"Vạn chài sông Gianh", bức tranh tả thực về đời sống cư dân vùng sông nước

  • 11:09 | Thứ Bảy, 22/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau cuốn “Chợ phiên Ba Đồn” được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao giải B (2019), năm 2020, nhà nghiên cứu văn hóa-văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên cho ra đời công trình nghiên cứu khá dài hơi là “Vạn chài sông Gianh” với việc đi sâu tìm hiểu về đời sống, nếp sinh hoạt, văn hóa, văn nghệ đặc trưng của một bộ phận dân cư sống bằng nghề chài lưới trên sông Gianh. Cuốn sách một lần nữa đánh dấu sự lao động không mệt mỏi của bà- người luôn nặng lòng với với văn hóa dân gian.
 
Sông Gianh (còn có một tên gọi khác là Linh giang) không chỉ là dòng sông mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc, chứa đựng nhiều huyền tích văn hóa dân gian mà còn là nơi sinh sống của những vạn chài (người làm nghề đánh cá). Trải qua thời gian, những vạn chài trên dòng sông Gianh vẫn bám sông, xem thuyền là nhà, sông là nguồn sống để rồi tạo nên những nét văn hóa đặc trưng vùng sông nước.
 
Và chính cuộc sống, sinh hoạt cùng những phong tục tập quán, nét văn hóa của cư dân vùng sông nước nơi đây đã có sức cuốn hút nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên để rồi tác phẩm “Vạn chài sông Gianh” ra đời như một món quà dành tặng cho những người đang hàng ngày sống, mưu sinh trên dòng sông lịch sử và cũng là nguồn tư liệu quý cho những ai yêu thích khám phá văn hóa, lịch sử địa phương.
 “Vạn chài sông Gianh”, công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian mới nhất của tác giả Đặng Thị Kim Liên.
“Vạn chài sông Gianh”, công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian mới nhất của tác giả Đặng Thị Kim Liên.
“Vạn chài sông Gianh” có độ dày 295 trang với 7 chương, khái quát, mô tả khá trọn vẹn về cảnh quan thiên nhiên Quảng Bình và nếp sinh hoạt, văn hóa nghề nghiệp, văn hóa tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng… cùng những thăng trầm trong cuộc sống của cư dân vạn chài.
 
Tác giả đã có những nét chấm phá về hệ thống sông Gianh, nguồn sống của vạn chài. Đó là dòng sông khởi thủy từ núi Cô Pi trong dãy Trường Sơn trùng điệp của miền tây Quảng Bình. Sông gồm có 4 nguồn (còn gọi là rào) chảy qua các huyện, thị xã: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Ba Đồn và hòa nhập với biển Đông ở phía đông.
 
Sông Gianh là nơi sinh sống của rất nhiều loại cá như: cá trắm, cá trôi, cá chép, cá mè… và các loại cua, tôm, ngao, hến, chắt chắt… sinh sôi, nảy nở thành bè đàn, mùa gối mùa, tha hồ cho vạn chài giăng lưới, thả câu. Sinh sống bằng nghề đánh cá, những vạn chài đúc rút ra nhiều kinh nghiệm cho bản thân… Đó là những bài học quý để họ chuyên tâm làm nghề và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc: “Gió đưa lá chuối về tàu. Lấy chồng làng vạn không giàu cũng vui”.
 
Từ xa xưa, vạn chài đã sống hòa mình với sông nước đến mức coi sông nước như người. Thế nên cách gọi tên sông cũng thể hiện mối quan hệ thân tình, rất gia đình của con người với tự nhiên như sông mạ (sông lớn), sông con (các nhánh sông)…
 
Nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên cũng đã dày công tìm hiểu về nguồn gốc của vạn chài. Theo bà, xóm Xuân Hồi (gốc Lệ Thủy) làm nghề câu cá sông ở hạ du sông Gianh là bộ phận dân cư xuất hiện sớm trong cư dân vạn chài ở sông Gianh. Đời sống sinh hoạt của cư dân vạn chài được tác giả mô tả hết sức phong phú. Trên những chiếc thuyền là chỗ ở, không gian sinh hoạt của vạn chài. Mỗi gia đình thường có 1 thuyền lớn (gọi là thuyền mạ để ở) và 1 thuyền nhỏ (gọi là thuyền con để tiện trong việc làm nghề).
 
Theo các vạn chài, những ngôi nhà thuyền của họ có đầy đủ: “Đủ tranh đủ tre/Chỉ thiếu hai hè/Đủ giường đủ chiếu/Chỉ thiếu màn the/Đủ dè, đủ gọt/Đủ thưng, đủ che/Đủ bàn thờ, chiếu trải/Chỉ thiếu sập, gụ, tủ chè…”.  Họ sinh cơ lập nghiệp trên thuyền, làm ăn sinh sống từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay.
 
Tác giả đã dành nhiều sự đầu tư công sức khi khai thác nét văn hóa nghề nghiệp, văn hóa tâm linh… của vạn chài sông Gianh. Theo tác giả, so với mặt bằng văn hóa làng xã Quảng Bình, văn hóa vạn chài có nét riêng biệt, vừa có tính du mục, vừa du canh, du cư trên mặt nước. Khi chưa có đất định cư, họ sống trên những chiếc thuyền. Cuộc đời của họ trôi nổi theo dòng nước, lúc bãi ngang, bãi dọc… rất khó xác định chỗ làm ăn cố định.
 
Cuộc sống của vạn chài vùng sông Gianh có sự thay đổi lớn khi được lên bờ làm nhà cố định, được vay vốn để đầu tư tàu lớn phục vụ cho việc làm ăn lâu dài. Họ sống chủ yếu sống bằng nghề đánh cá sông và đánh cá biển, cung cấp cá tôm, chắt chắt, cua, hến… cho các chợ ven sông như chợ Minh Cầm (Tuyên Hóa), chợ Thổ Ngọa, chợ Đồn (Ba Đồn), chợ Thanh Khê (Bố Trạch)…
 
Tác giả cũng đã đi sâu, tìm hiểu về các làng quê có nguồn gốc từ làng chài như thôn Thanh Xuân, Thanh Giang (Thanh Trạch, Bố Trạch), tổ dân phố Xuân Lộc (Quảng Phúc, Ba Đồn), tổ dân phố Tân Xuân (Quảng Long, Ba Đồn), thôn Văn Phú (Quảng Văn, Ba Đồn), thôn Thanh Châu (Châu Hóa, Tuyên Hóa)… Qua đó, chỉ ra nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất.
 
Viết “Vạn chài sông Gianh”, tác giả còn gửi gắm nhiều băn khoăn, trăn trở trước cuộc sống còn nhiều vất vả của những người sống bằng nghề chài lưới. Tuy nhiều hộ đã có đất ở thay vì phải sống trên những con thuyền nay đây mai đó nhưng tình trạng đông con ở trong các gia đình vạn chài vẫn là vấn đề khá nan giải, không ít người dân chưa có đất để lên bờ ổn định cuộc sống, chuyện học hành của con em còn gặp nhiều rào cản.
 
Tác giả còn sưu tầm, lưu giữ nhiều tư liệu quý về những người con ưu tú xuất thân từ vạn chài tiêu biểu như: Anh hùng LLVTND, đại tá Nguyễn Tri Phương (Thanh Trạch, Bố Trạch); vận động viên bơi lội Nguyễn Huy Hoàng (Tiến Hóa, Tuyên Hóa)…
 
Để cho ra đời công trình nghiên cứu này, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên đã đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, đi sâu, tìm hiểu, khám phá về đời sống thực tế tại các địa phương có bộ phận dân cư sống bằng nghề chài lưới trên sông Gianh. Mỗi chuyến đi, mỗi tư liệu chắt góp được lại mở ra nhiều điều mới lạ, có sức hấp dẫn, cuốn hút đặc biệt đối với bà để rồi “Vạn chài sông Gianh” ra đời sau những ngày lao động cật lực, tuy vất vả nhưng đó là công trình của niềm đam mê, sự tâm huyết với văn hóa dân gian.
                                                                                                Nh.V