Nơi nuôi dưỡng các làn điệu dân ca

  • 07:47 | Thứ Năm, 25/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Say câu hò, điệu hát của quê hương, các nghệ nhân dân gian (NNDG) và những người nặng lòng với văn hóa truyền thống ở các làng quê đã tập hợp nhau lại cùng thể hiện niềm đam mê bằng việc sưu tầm, gìn giữ các câu dân ca, dân vũ để tiếp tục lưu truyền trong dân gian. Họ đã thành lập nên mô hình câu lạc bộ (CLB) với các tên gọi, như: CLB đàn hát dân ca, CLB văn nghệ truyền thống, CLB văn nghệ quần chúng… để cùng nhau sinh hoạt, tập luyện, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa của dân tộc.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết: Những năm gần đây, ngày càng có nhiều CLB văn nghệ dân gian ra đời, phát triển, tồn tại với nhiều hình thức đa dạng. Song nổi bật nhất là những CLB do NNDG đảm nhiệm. Bằng sự tâm huyết với văn hóa làng, các thành viên trong những CLB đã tập trung khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bản sắc văn hóa địa phương.   
Trình diễn dân ca Minh Hóa luôn tạo ấn tượng đối với khán giả tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Trình diễn dân ca Minh Hóa luôn tạo ấn tượng đối với khán giả tại các liên hoan nghệ thuật quần chúng.
Với đặc thù là CLB quần chúng nên kinh phí hoạt động chủ yếu do thành viên tự nguyện đóng góp. Một số CLB đã làm tốt công tác xã hội hóa để có nguồn kinh phí mua sắm trang phục biểu diễn, nhạc cụ, duy trì sinh hoạt và tham gia các hội thi, hội diễn các cấp. Tiêu biểu cho hoạt động này là CLB Yêu câu hò xứ Lệ thành lập vào tháng 9-2018 do nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Đặng Thị Hồng Hới làm chủ nhiệm. Nghệ nhân (NN) Hồng Hới cho biết: CLB hiện có 20 thành viên chủ chốt, thường xuyên sinh hoạt, trong đó có 3 NNƯT.
 
Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tạo được nhiều chương trình biểu diễn ấn tượng, điển hình nhất là chương trình “Câu hò trên bến sông quê” được tổ chức hàng năm. Điểm nổi bật của CLB là có nhiều gương mặt trẻ, hội tụ những “cây” văn nghệ xuất sắc của huyện, xây dựng nhiều chương trình phong phú nên được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hợp đồng biểu diễn. Nhờ đó, CLB có thêm nguồn kinh phí để đầu tư cho các hoạt động và phần nào hỗ trợ đời sống cho các thành viên. Không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn huyện, CLB còn thường xuyên tổ chức hoạt động truyền dạy hò khoan Lệ Thủy cho các cơ quan, đơn vị, trường học, các CLB trên địa bàn huyện.
 
Có thể nói, đây là CLB đi đầu trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ hiện đại một cách bài bản trong nhiều hoạt động, nhằm gìn giữ, phát huy, quảng bá hò khoan một cách chuyên nghiệp. Không chỉ đầu tư đầy đủ hệ thống âm thanh, ánh sáng, CLB còn tạo điều kiện cho thành viên mua sắm flycam để tiện cho việc dựng các video clip. Đặc biệt, trong đợt thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19, các thành viên của CLB vẫn duy trì hình thức tự tập luyện tại nhà.
Nghệ nhân Hồng Hới luôn duy trì việc tập luyện hò khoan mỗi ngày.
Nghệ nhân Hồng Hới luôn duy trì việc tập luyện hò khoan mỗi ngày.
NN Hồng Hới còn tạo các clip cá nhân có nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 góp phần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh. Các video clip như hò năm mái “Chung tay phòng chống dịch Covid-19”, “Đất nước niềm tin”… thu hút hàng nghìn lượt người xem và chia sẻ trên mạng xã hội facebook. Việc xây dựng các video clip không chỉ giúp cho CLB lưu giữ hò khoan mà còn là “giáo trình” để các CLB hò khoan Lệ Thủy ở các tỉnh, thành phố như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai, Đắc Lắc… tham khảo, tập luyện.
 
NN Hồng Hới tâm sự: "Người Lệ Thủy thường nói “không biết hát, không thấu hiểu, không yêu mến hò khoan không phải người xứ Lệ” nên dù có đi đâu, lập nghiệp ở xứ nào thì những câu hò khoan của quê hương vẫn ngấm vào giọng nói, là nỗi nhớ, niềm thương. Vì thế mà chúng tôi cần nhiều hơn nữa những hoạt động để lưu giữ, lan tỏa hò khoan - một phần trong cuộc sống của mỗi người dân quê."
 
Thời gian qua, dù rất eo hẹp về kinh phí phục vụ cho các hoạt động tập luyện, biểu diễn, xây dựng chương trình... nhưng nhiều CLB vẫn duy trì tốt các hoạt động, là nòng cốt cho việc gìn giữ, truyền dạy dân ca ở các địa phương. Điển hình là CLB đàn hát dân ca xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa. Ông Đinh Thanh Đàn, Chủ nhiệm CLB cho hay: "CLB có 58 thành viên chủ yếu là người cao tuổi và 10 thành viên trẻ tuổi. Họ là những nông dân gắn bó với cuộc sống ruộng vườn, nương rẫy.
 
Nhiều người đang có cuộc sống khó khăn, song điểm chung giữa họ là say mê câu hò, điệu hát của quê hương. Mỗi người một thế mạnh đã tạo nên một CLB khá đồng bộ về đội ngũ, từ người sáng tác, nhạc công đến các giọng ca... Chúng tôi xem dân ca, dân vũ của quê hương như báu vật và quyết tâm gìn giữ, trao truyền. Nhờ vậy mà những câu dân ca Minh Hóa như hát đúm ví, hò thuốc cá, hát ru… một thời chỉ còn trong tâm trí của lớp người cao tuổi xã Hồng Hóa nay đã được cất lên từ nhiều người trẻ tuổi, làm sống lại những giá trị văn hóa độc đáo của quê hương."
 
Sự tồn tại, phát triển của các CLB gắn liền với tên, tuổi của các NNDG. Họ là người nắm giữ, trao truyền dân ca, dân vũ để những giá trị văn hóa phi vật thể của các làng quê được sống mãi với thời gian. 
 
Ở đâu có những câu dân ca, ở đó có những nghệ nhân miệt mài "giữ lửa" văn hóa dân tộc. Lên vùng cao Minh Hóa, người ta say với giọng hát mộc mạc, ngọt ngào của NN Đinh Thị Phương Đống, Trần Khánh Nguyên. Về Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch) lại đắm chìm trong tiếng đàn đáy và giọng ca trù của NN Hồ Xuân Thể, Dương Thị Điểm. Đến Bố Trạch, Quảng Ninh lại lưu luyến với giọng hát của NNND Phạm Thị Niếu, NN Võ Thị Hồng Liên.
 
Và nhớ thương khi đến Lệ Thủy bởi giọng hát của NN Hồng Hới, Hồng Hạnh… cùng rất nhiều giọng ca khác. Họ là những người nắm giữ vốn tri thức dân gian, trực tiếp tham gia sáng tạo, trao truyền giá trị bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ.
 
Với mong muốn lan tỏa tình yêu dân ca, các CLB mà vai trò tiên phong là mỗi NN đã làm sống lại, đẹp thêm những câu dân ca mà cha ông ta đã dày công bồi đắp, gìn giữ. Để rồi giữa nhịp sống xô bồ của dòng chảy hiện đại, ta như chợt lắng lại khi bắt gặp những thanh âm ngọt ngào, tha thiết chở nặng tình người, tình đất để càng thấy tự hào, yêu thêm nguồn cội, quê hương.
 
                                                                             Nh.V