Miền đất kỳ thú qua những trang sách

  • 07:46 | Chủ Nhật, 07/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cầm trên tay tập sách “Miền đất kỳ thú” của nhà báo Lam Giang, tôi tự hỏi trong này có bao nhiêu bài đã đọc và những nơi nào từng đặt chân đến? Nhưng khi đọc lại, “đi lại” trên từng trang sách, tôi vẫn thấy thú vị. Có lẽ chỉ có những bài báo viết về du lịch, viết về danh lam thắng cảnh mới có được “số phận” như vậy? Và phải chăng đấy cũng là lý do tác giả đã in thành sách từ những bài viết trải dài trong hơn một thập kỷ…
 
Vâng, tạo hóa đã ban cho Quảng Bình một miền đất kỳ thú. Nhưng không phải ai cũng có được may mắn đến và chiêm ngưỡng đầy đủ những điều kỳ thú ấy, dù bạn là ai, đến từ một nơi xa xôi khác hay chính người dân trong tỉnh. Thế thì hãy cùng mở dần tập sách không dày lắm, nhưng trong đó với 50 bài viết đã có một cái nhìn nghiêm túc về vùng đất này…
 
Không ngạc nhiên, khi nhà báo Lam Giang đã dành nhiều bài viết cho vùng đất mà tạo hóa đã ưu ái cho người dân Quảng Bình-Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Một động Thiên Đường tráng lệ khi nó đang là thứ “hoang dã” chưa có dấu chân người trong bài “Động Thiên Đường-“Hoàng cung” trong lòng đất”, hay đến khi nó đã “mòn” bước chân du khách đều được tác giả kỳ công tái hiện để người đọc không chút băn khoăn về “thiên đường” như tên gọi của điểm đến này. 
 Trang bìa tập sách “Miền đất kỳ thú” của nhà báo Lam Giang.
Trang bìa tập sách “Miền đất kỳ thú” của nhà báo Lam Giang.
Là những cánh rừng nguyên sinh đẹp đến mê hồn trong “Bản Đoòng giữa lòng Phong Nha”; là rừng bách xanh, như là “trang sức” của núi đá mà tạo hóa đã “ngẫu hứng” ban tặng nơi đây trong “Khám phá rừng bách xanh trên núi đá vôi ở Phong Nha” đều làm người đọc phải trầm trồ. “Đi thuyền trên sông Chày” cho ta cảm giác dòng sông như làm “trôi” cả núi rừng nhưng lại mê hoặc du khách bởi sự huyền ảo về sắc màu và mát lành đến… khó cưỡng trong những ngày hè nắng lửa. Có lẽ, những ai thích mạo hiểm, thích những điều mới lạ chắc hẳn sẽ “bứt rứt” khi cùng tác giả “Du lịch mạo hiểm ở Phong Nha”…
 
Không chỉ có rừng cây, sông suối, hang động lung linh, huyền ảo…, nơi đây còn có những bí ẩn về văn hóa mà người đương thời chưa lý giải nổi, được tác giả đề cập đến trong “Bí ẩn văn bia Chăm…”.
 
Bước chân của tác giả đã đến với nhiều miền quê của tỉnh mà điều kỳ thú ẩn chứa trong những bài viết khác của tập sách. Dạo bước ra phía cực bắc tỉnh để hiểu thế nào là “bóng xế tà” trên con đường chạy dọc đất nước mà vẫn được gọi là đèo Ngang này. Vào vùng đất phía nam tỉnh để biết đến một suối nước nóng không chỉ “mờ sương khói” giữa đại ngàn mà còn làm chín cả trứng vịt. Xuôi ra biển để trằn mình trên những cồn cát và ngắm những con thuyền say… biển khơi. Hay lên miền sơn cước để cùng trầm trồ về những nghi lễ  độc, lạ của người Ma Coong…
 
Chân thành và cũng hết sức nghiêm túc, tác giả cũng đã dành một số bài viết để chỉ ra những hạn chế trong hoạt động du lịch tỉnh nhà khi làn sóng đón du khách nước ngoài đang lớn lên. Đó là thiếu hụt hướng dẫn viên tiếng Anh, là thiếu những ý tưởng mới trong du lịch…
 
Bên cạnh những điều đáng ghi nhận ở trên, cũng phải nói rằng, trong tập sách có những bài viết sức “nặng” còn khiêm tốn với đề tài mà tác giả đề cập, bài về lễ hội đua bơi ở Lệ Thủy là một ví dụ.
 
Tập sách ra đời trong tháng 5, tháng cao điểm của du lịch sau một thời gian “im ắng” vì đại dịch Covd-19. Chúng tôi cho rằng đây là một sự đóng góp tích cực và kịp thời của nhà báo Lam Giang cho quảng bá về du lịch tỉnh nhà. Có lẽ điều tác giả kỳ vọng trong lời tựa đầu sách: “Mong muốn lớn nhất của người viết là đưa đến cho bạn đọc biết được những điểm đến, thắng cảnh và tư liệu du lịch của Quảng Bình dưới góc nhìn của tác giả” sẽ thành hiện thực.
 
Cuối cùng, đây là điều dễ hiểu, 50 bài viết chưa nói hết về những điều kỳ thú của quê hương Quảng Bình. Chúng ta chờ đợi tác giả với phong cách thể hiện giản dị, chân chất, đi thẳng vào vấn đề cần phản ánh… trong những bài viết tiếp theo.
 
                                                                                                        Văn Hoàng