Đọc lại tập thơ "Nhớ Bác Hồ" của cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh

  • 07:32 | Chủ Nhật, 17/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh thời, cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh là người tâm huyết, say mê làm thơ về Bác.Tập thơ "Nhớ Bác Hồ" của ông gồm 110 bài tứ tuyệt, với hơn 120 trang sách, đã được tái bản 2 lần. Qua tập thơ, chúng ta hiểu được tấm lòng và những suy nghĩ của ông đối với Bác.
 
Theo từng bước chân của Bác qua năm tháng, nhà thơ viết: "Sóng cảng Nhà Rồng tiễn Bác ra đi/Sóng Nhật Lệ đón Người về năm ấy". Nguyễn Văn Dinh mang đến cho bạn đọc những nhận thức, tư tưởng, tình cảm về Bác, khắc họa từ nhiều góc độ hình tượng Hồ Chí Minh. Phương pháp thể hiện của ông là thông qua từng sự kiện hoặc kỷ niệm nho nhỏ trong cuộc sống đời thường liên quan đến cuộc đời của Bác để khẳng định hoặc nêu vấn đề suy nghĩ cho người đọc.
 
Trang bìa tập thơ
Trang bìa tập thơ "Nhớ Bác Hồ" của cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh. Ảnh: Đ.V
Bằng thể thơ 4 câu tự do súc tích, ông nhắc chúng ta nhớ nơi Bác sinh ra, lớn lên, nơi Bác đến thăm, làm việc và nơi yên nghỉ cuối cùng của Người; gợi những kỷ niệm sống động về Bác: một viên gạch hồng trong đêm giá lạnh Pari, một chiếc quạt nan, một quyển sách, bức ảnh, giọng nói, dòng chữ, bông hoa… Ở đâu có hơi ấm của Người là ở đó có cảm xúc thơ của ông.
Đây là tình cảm của ông khi về thăm làng Sen quê Bác:
 
Nâng cánh cổng tre con khép lại
Nhìn mái nhà lưu luyến xiết bao
Mỗi lần được về thăm quê Bác
Bước đi ra, bước lại quay vào
                                                (Thăm quê Bác)
 
Những ai đã từng đến đây hẳn khó quên hình ảnh ngôi nhà giản dị, đơn sơ mà vô cùng thân thuộc của gia đình Bác-nơi Bác cất tiếng chào đời. Tâm trạng dùng dằng “bước đi ra, bước lại quay vào” nói được nhiều tình cảm thân thương, quyến luyến của cháu con với Bác.
 
Cả cuộc đời Bác dành trọn cho dân, cho nước. Sau năm 1954, đất nước bị chia cắt, Bác mong ước một ngày không xa sẽ được vào thăm miền Nam. Nhiều lần Bác đề nghị với Bộ Chính trị cho Bác đi nhưng chưa thực hiện được. Bác từng nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi”. Năm 1957, Bộ Chính trị đồng ý để Bác vào thăm Quảng Bình-Vĩnh Linh (vùng đất đầu cầu giới tuyến). Chuyến đi của Người được bảo vệ nghiêm mật nhưng vẫn bảo đảm cho Bác gặp gỡ đông đảo cán bộ và nhân dân Quảng Bình-Vĩnh Linh. Ngày Bác vào và ở lại Đồng Hới đã để lại trong lòng mỗi người dân Quảng Bình những tình cảm sâu đậm:
 
Mảnh đất tột cùng Bác trở về Nam
Đồng Hới nhận phần vinh dự nhất
 
Hoặc:
 
Đến Quảng Bình nhận bó hoa tươi
Không dành cho mình, Bác tách làm đôi
Nửa, tặng vị lão thành cách mạng
Nửa, tặng nhà sư vừa đến thăm Người
                                        (Bó hoa)
 
Rất tế nhị và tình cảm trong cử chỉ của Bác! Cứ theo cách nghĩ như thế, nhà thơ để “con sóng tình cảm” hồn nhiên giao thoa, hòa quyện, một phía là Bác, một phía là cháu con của Người. Bác hiện lên từ tập thơ không phải với một chân dung đầy đủ mà chỉ với một số nét tiêu biểu, đặc biệt, gây ấn tượng. Có lúc với hình ảnh lão nông bận áo quần nâu trên đồng lúa giản dị:
 
Giữa đồng làng Bác kéo gầu giai
Nước lan theo nụ cười hiền hậu
                                     (Xem ảnh)
 
Lại có lúc như ông Tiên giữa đời:
 
Nhịp võng chao đều dưới mái hiên
Sóng chừng cũng thức với ông Tiên
Gió vào phơ phất chòm râu bạc
Bác ngắm trăng khuya rọi xuống thềm
                                         (Ông Tiên)
 
Có thể dẫn ra từ tập thơ nhiều câu thơ hay. Cái hay ở sự phát hiện:
 
Hàng hoa râm bụt quanh vườn Bác
Màu đỏ tươi như một sắc cờ
 
Hay:
 
Hồ biếc như gương ngời giữa núi
Soi lòng dân nhớ Bác khôn nguôi
 
Hoặc:
 
Trên ngực Bác không có huân chương
Mọi vinh quang Người dành cho đất nước
 
Cái hay ở sự cảm nhận và chiêm nghiệm:
 
Nhớ ngọn lửa trong lò rực cháy
Tưởng sắc hồng Bác để đến nay
 
Hoặc:
 
Tuyên ngôn Bác đọc ngày xưa ấy
Còn vọng muôn đời với núi sông
 
Chúng ta cảm kích vô cùng khi nghe Nguyễn Văn Dinh kể về đời riêng của Bác: "Bác như bao người khác trên đời/Cũng muốn duyên tình, muốn lứa đôi", nhưng vì dân, vì nước mà Bác phải hy sinh hạnh phúc cá nhân của mình.
 
Đứng giữa vườn Bác, nhà thơ nhận ra:
 
Dạ lan hương tỏa thơm vườn Bác
Cửa không cài để gió đưa hương
Bác một mình canh khuya trở giấc
Mùi hoa làm bạn suốt đêm trường
 
Qua thơ Nguyễn Văn Dinh, chúng ta hiểu sâu hơn tấm lòng thủy chung và niềm tin son sắt của người dân với cách mạng, với Bác Hồ. Một bà cụ sống giữa vòng vây của giặc đã cất giấu tờ bạc có hình ảnh của Bác trong tượng Phật để thỉnh thoảng lấy ra ngắm:
 
Giấu bạc Cụ Hồ trong tượng Phật
Nuôi lửa tin yêu suốt tháng ngày
                                   (Bạc Cụ Hồ)
 
Đọc thơ ông, chúng ta gặp lại những tấm gương kiên trinh, nặng sâu tình cảm với Bác. Đó là những nghệ nhân đúc tượng Bác: "Nhớ thương dồn lại thành sâu lắng/Cho nghìn độ lửa bỗng hừng lên". Đó là họa sỹ Lê Duy Ứng-đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kề cận cái chết, đã lấy máu mình vẽ chân dung Bác: “Năm ngón tay run run theo dòng máu đỏ”.
 
Đó là cụ già trăm tuổi sống giữa đại ngàn Trường Sơn mãi cất giữ tấm vải lụa Bác tặng làm kỷ vật ghi nhớ công ơn Người; là anh thương binh cụt chân đi bằng hai nạng gỗ đến tận làng Sen thắp hương thề nguyện trước anh linh của Bác giữ mãi phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”; là cô tự vệ sông Hương năm nào nay đã thành bà ngoại kể lại cho cháu nghe những chuyện về Người như truyền thuyết:
 
Cô tự vệ năm nào thành bà ngoại thân thương
Hát ru cháu điệu mái nhì khoan nhặt
Bà kể chuyện những ngày đánh giặc
Chuyện Bác Hồ khen ngợi gái sông Hương
                                           (Cô tự vệ sông Hương)
 
Bác đã trở thành biểu tượng cao đẹp của dân tộc Việt Nam ta. Các chiến sỹ nơi biên cương xa xôi, hẻo lánh đã mang hoa râm bụt làng Sen lên trồng tận Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo để mỗi khi ngắm hoa lại nhớ đến Bác:
 
Râm bụt làng Sen lên biên giới
Cha Lo đỏ thắm bốn mùa hoa
                                 (Hoa râm bụt ở Cha Lo)
 
Quảng Bình chúng ta thật tự hào có Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đồng chí, người học trò xuất sắc của Bác đã sống gần gũi, thường xuyên bên Bác. Nhiều anh hùng như mẹ Suốt, Nguyễn Thị Kim Huế… và một số văn nghệ sỹ như: nhạc sỹ Quách Mộng Lân, nhạc sỹ Hoàng Sông Hương, ca sỹ Nam Kỷ… đã vinh dự được gặp Bác. Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh không có bài cụ thể về họ nhưng đọc thơ ông, ta thấy bóng hình họ thấp thoáng trong đó.
 
Như là người đại diện cho nhân dân Quảng Bình nói lên tình cảm của mình với Bác bằng thơ, cố nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã mang đến cho người đọc những câu thơ xúc động, chân thành, gợi lại hình ảnh Bác lần về thăm Quảng Bình. Tượng đài Bác tại Quảng trường Đồng Hới-nơi Bác đứng nói chuyện với đông đảo cán bộ, nhân dân Quảng Bình cũng là một bài thơ trác tuyệt!
 
Lý Hoài Xuân