Có ai người Đồng Hới không?

  • 07:18 | Thứ Ba, 05/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trưa ngả chiều ngày 30-4-1975, trong đội hình Sư đoàn 341, Tiểu đoàn 12 bộ binh tiến vào Sài Gòn. Tại ngã bảy, một đoàn Gat 66 chở đầy ắp bộ đội đang đỗ. Trong cái náo nức, rộn ràng của đường phố có một người phụ nữ tuổi chừng năm mươi, nhỏ nhắn vận áo dài kiểu truyền thống, đi dọc đoàn xe với một câu hỏi:
 
- Có ai người Đồng Hới không?
 
Đến khu vực đại đội 6, nhiều tiếng trả lời vang vang:
 
- Có, dì ơi! Để chúng con gọi. Hùng ơi! Hùng ngọng đâu rồi, có dân Đồng Hới kiếm này!
 
  Hùng nhảy xuống xe:
 
  - Dạ, con là dân Đồng Hới đây. Dì kiếm ai?
 
  - Con có biết thằng Duy với thằng Diệu không? Lê Khắc...
 
Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Sài Gòn ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu
Trong một thoáng xúc động, Trần Hùng chưa thể trả lời ngay. Lê Khắc Duy là bạn đồng niên, nhập ngũ chiến đấu và đã hy sinh. Lê Khắc Diệu thua hai tuổi..
 
   - Dạ, thằng Diệu ở cùng đơn vị, để chiều nay con báo cho hắn.
 
  Người phụ nữ chìa ra mảnh giấy ghi địa chỉ:
 
  -  Tui là dì ruột. Báo cho hắn biết, bà nội hắn cũng vô Sài Gòn lâu rồi...
                                                    *
  Trưa 30-4, đơn vị Nguyễn Khắc Diệu tiến chiếm Tổng nha cảnh sát (ngã 6 Nguyễn Tri Phương). Tướng Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng trên sóng phát thanh. Đơn vị được lệnh trở ra ngay Tam Hiệp-Biên Hòa, hình như ở đó đang lộn xộn. Chiều 30-4, đang tắm rửa chuẩn bị cơm chiều, Diệu được thủ trưởng gọi lên:
 
  - Đồng chí lên vô tuyến đi, có ai cần gặp.
 
 Đeo tổ hợp vào tai, Diệu nhận ra ngay giọng Hùng ngọng:
 
  - Cha tổ, mi sắp gặp mệ rồi. Tau gặp dì ruột mi, cho tau địa chỉ bà nội. Mọi người đang chờ mi đó.
 
   Quê nội của Nguyễn Khắc Diệu ở Huế, nhưng sinh trưởng sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 ở Đồng Hới quê ngoại. Cả đại gia đình bà nội từ Huế chuyển vào Sài Gòn sinh sống anh cũng chưa hề biết.
 
  Sáng 1-5, có hai người lính là Bùi Thế Cần đeo quân hàm binh nhất và Nguyễn Khắc Diệu đeo binh nhì khoác AK báng gấp ra phố đón xe hon-đa từ Biên Hòa vào Sài gòn. Chiếc Dam trờ tới phanh kít. Người chủ xe vồn vã: “Dạ mời trung úy lên xe!”. Hai người lính bấm nhau: Chắc người đàn ông này thấy Cần đeo hai “bông mai” tưởng nhầm như phù hiệu bên quân lực Việt Nam cộng hòa. Chiếc xe hon-đa thả hai “sỹ quan Bắc việt” xuống đường Nguyễn Trãi. Người đàn ông rụt rè:
 
-  Dạ thưa trung úy...có thể ghé nhà em chơi?!
 
 - Chúng tôi đang bận công vụ, để lúc khác!
 
- Dạ, trung úy cho em cái giấy...đã giúp đỡ cách mạng!
 
Cả Cần và Diệu đều cười vui với người đàn ông ngây thơ và chân thành...
 
Hai người lính khoác súng thong thả đi dọc phố. Đường phố yên tĩnh, chưa có một bóng áo xanh. Dân phố ngồi uống cà phê quán cóc, lặng lẽ quan sát chờ đợi. Diệu cao lớn, đen, đeo một bông mai không ấn tượng lắm. Cần mảnh khảnh, thư sinh, trắng trẻo, gây sự chú ý lớn. Mấy cô nữ sinh áo dài chỉ trỏ như thể ngạc nhiên về "chàng trung úy" xinh trai và quá trẻ. Một buổi sáng thật yên bình. Không ai có thể hình dung, 24 giờ trước đó, súng còn nổ rền bốn phía ngoại vi thành phố, máu vẫn đổ. Ngã tư Bảy Hiền vẫn còn diễn ra cuộc đọ tăng chớp nhoáng giữa đơn vị của đại đội trưởng Nguyễn Văn Tư với những chiếc tăng M48 mai phục đã lấy sẵn phần tử bắn. Những chiếc tăng T54 cuối cùng trúng đạn trong cuộc chiến, những chiến sỹ xe tăng thành khói bay lên trời trước giờ chiến thắng.
                                                    *
Diệu không hình dung được có thể gặp được cả một đại gia đình họ nội, họ ngoại, chú bác, cô, dì giữa đô thành Sài Gòn trong thời khắc thiêng liêng như vậy. Ấn tượng hơn cả là hai ông bác ruột khá "hoành tráng”. Bác sỹ Lê Khắc Quyến từng phụ trách y tế của phủ đầu rồng thời Ngô Đình Diệm. Thành phố Huế bây giờ có đường mang tên ông. Bác ruột Lê Khắc Nhãn, cán bộ cao cấp của Bộ Giáo dục mới bay từ Hà Nội vào chiều hôm qua để tiếp quản cơ sở giáo dục thành phố. Ông Nhãn nói vui một câu khiến Diệu và Cần đều chạnh lòng:
 
  -  Mấy đứa bây đi vô Sài Gòn mất cả gần hai chục năm. Tau đi mất có hai tiếng!
 
Vâng, để có hai giờ bay đó, Sư đoàn 341 của Diệu, Cần, Hùng... đã bỏ lại trên các nẻo đường chiến dịch biết bao đồng đội...
                                                              *
Nhân vật chính của chúng ta vừa kể trên đây sau này cùng với hai bạn đồng ngũ Trần Hùng và Bùi Khắc Cần còn tham chiến 10 năm giải phóng và bảo vệ nhân dân Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng, bây giờ đang là một cây bút văn xuôi viết về chiến tranh khá ấn tượng. Ông Trần Hùng về phục viên với quân hàm sỹ quan, nhiều năm tham gia hoạt động tại địa phương, làm Chủ tịch UBND phường Hải Đình, rồi trưởng ban quản lý chợ trên địa bàn thành phố Đồng Hới, là một cán bộ được cán bộ và nhân dân tín nhiệm.
 
45 năm trôi qua, nhiều người chứng kiến thời khắc lịch sử chiều 30-4 ở Sài Gòn nay đã không còn. Nhiều người mưu sống muôn nơi với những số phận khác nhau. Ít ai nhớ được, trong không khí vô cùng náo nức và xô bồ giữa một thành phố mới giải phóng, có bóng một người phụ nữ nhỏ nhắn, bận áo dài lối cổ, đi dọc những chiếc Gát 66 chở đầy lính Sư đoàn 341 với một tiếng gọi hỏi: "Có ai người Đồng Hới không?"
 
Và cũng khó mà tin được chỉ vài lần như thế, bà đã nhận được câu trả lời!
 
Nguyễn Thế Tường