Người kể chuyện làng

  • 08:26 | Thứ Sáu, 06/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Cảnh Dương tình đất-tình người” là tập sách thứ 4 của tác giả Nguyễn Tiến Nên, một cây bút khá quen thuộc với bạn đọc Quảng Bình. Với gần 370 trang sách, ông đã vẽ nên hình ảnh làng Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), ngôi làng thuộc "bát danh hương" với nhiều câu chuyện, nhân vật đặc sắc. Nhiều người vẫn gọi ông là “Người kể chuyện làng” bởi những câu chuyện dung dị, sống động, những ký ức đẹp đẽ mà ông cần mẫn gom nhặt về ngôi làng nổi tiếng này.
 
Tác giả Nguyến Tiến Nên.
Tác giả Nguyến Tiến Nên.
Là một cây bút khá tích cực, tác giả Nguyễn Tiến Nên (sinh năm 1954), hội viên Hội Di sản văn hóa Việt Nam, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đã có nhiều tác phẩm đăng tải, phát sóng trên các báo, đài Trung ương và địa phương. Đặc biệt, ông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để viết về Cảnh Dương, nơi ông sinh sống và gắn bó gần trọn cuộc đời.
 
Đầu năm 2020, ông đã lựa chọn những bài viết tiêu biểu của mình và in tập sách mang tên “Cảnh Dương tình đất-tình người”. Cuốn sách cũng là món quà ông dành để tri ân những bậc tiền bối, các thế hệ cha anh đã sống, chiến đấu, hy sinh và chung tay xây dựng quê hương Cảnh Dương giàu đẹp. Với tiêu chí tôn trọng sự thật và xuất phát từ cái tâm của người cầm bút, ông đã tìm tòi, tra cứu tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng, sưu tầm tư liệu… để hoàn thành cuốn sách. “Cảnh Dương tình đất-tình người” cùng với những tác phẩm trước đó như “Cảnh Dương chí lược” (Trần Đình Vĩnh), “Làng biển Cảnh Dương” (Sơn Hà Nguyễn Viễn) và “Cảnh Dương làng biển anh hùng" (Nguyễn Ngọc Phúc)… đã góp phần tái hiện một Cảnh Dương có bề dày truyền thống văn hóa, anh hùng, quả cảm trong trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế.    
 
“Cảnh Dương tình đất-tình người” gồm các bài viết giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng của một ngôi làng có gần 400 năm tuổi; về tinh thần anh dũng, kiên cường trong chiến đấu; sự năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng của con người nơi đây. Đặc biệt, cuốn sách đã có những bài viết với nhiều tư liệu quý giới thiệu về những người con ưu tú của làng như Quan Thượng thư Đỗ Phú Túc với danh xưng “cụ Thượng Cảnh Dương”; về tấm gương của quan Án sát Phạm Chân tuẫn tiết, nêu cao lòng trung quân báo quốc của kẻ sỹ đương thời; câu chuyện lý thú và lấp lánh niềm tự hào về ông Cống Huy, người một mình trẩy kinh xin miễn thuế mắm Hàm Hương cho làng để sau này người Cảnh Dương lưu truyền câu hát “Ăn mắm Hàm Hương/Nhớ thương ông Cống”…
 
Đọc những bài viết được tập hợp trong cuốn sách dày gần 370 trang càng thấy rõ nỗ lực và sự kiên trì, bền bỉ của tác giả Nguyễn Tiến Nên. Ông đã gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu, cập nhật được nhiều tư liệu quý và viết về những người con ưu tú của làng Cảnh Dương với tất cả niềm kính trọng và lòng tự hào.
Trang bìa tập sách “Cảnh Dương tình đất-tình người.
Trang bìa tập sách “Cảnh Dương tình đất-tình người.
Nhờ những bài viết của ông, những thế hệ người Cảnh Dương sau này hiểu rõ hơn về lịch sử của quê hương và công lao to lớn của thế hệ cha ông. Đó là các bài viết về “Anh Ba học sinh” biệt danh của ông Đỗ Ngọc Thạch, người Bí thư Đảng, Đoàn đầu tiên của Sài Gòn-Chợ Lớn những năm 1950; là câu chuyện cảm động về liệt sỹ Lê Đài, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên giai đoạn 1954-1956; về liệt sỹ, nhà báo Bùi Đình Túy; là tấm gương các cụ Ngô Hoàng, Nguyễn Ngọc Bơn, Trương Văn Láu, Trương Văn Thích…, những người đã đóng góp công lao to lớn cho quê hương trong hai cuộc kháng chiến.
 
Như cách gọi thân mật của nhiều người, trong “Cảnh Dương tình đất-tình người”, “người kể chuyện làng” đã kể lại những ngày gian khó của quê hương, hân hoan tự hào bởi những thành tựu to lớn và sự đổi thay ngoạn mục của ngôi làng. Bên cạnh những ký ức hào hùng là câu chuyện về cuộc sống mới và những thành tựu của người Cảnh Dương không chỉ ở trên mảnh đất quê hương mà ở mọi miền đất nước cũng được “người kể chuyện làng” nhanh chóng cập nhật. Với sự cần mẫn và tài quan sát, mỗi bài viết trong tập sách là một câu chuyện riêng biệt, thú vị với những góc nhìn khác nhau để người đọc dễ dàng hình dung về một ngôi làng có gần 400 năm lịch sử.
 
Chia sẻ về tập sách “Cảnh Dương tình đất-tình người”, ông Nguyễn Xuân Đạt, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: Cuốn sách là một món quà tinh thần có ý nghĩa, được xuất bản đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Cảnh Dương và tiến tới chào mừng đại hội Đảng các cấp. Cuốn sách cũng sẽ góp phần làm phong phú thêm những trang sử liệu về mảnh đất, con người Cảnh Dương anh hùng.
 
Với niềm say mê và tình yêu dành cho ngôi làng, tác giả Nguyễn Tiến Nên vẫn ấp ủ nhiều dự định mới trên hành trình “kể chuyện làng” của mình. Tin rằng những bài viết, những cuốn sách của ông sẽ tiếp tục trở thành nguồn tư liệu quý, góp phần ghi lại những chặng đường phát triển gian khó nhưng đầy tự hào của miền quê anh hùng nơi đầu sóng.
 
Diệp Đồng