Đọc "Những mảnh ký ức sót lại" của Thanh Sơn

  • 08:27 | Chủ Nhật, 15/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trong phần lời tựa cuốn “Những mảnh ký ức sót lại" (NXB Nghệ An-2019), tác giả Thanh Sơn (Nguyễn Đình Song, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình) đã viết: "“Những mảnh ký ức sót lại" không phải là một cuốn hồi ký, cũng không phải là tập truyện mà là những mảnh ký ức sâu sắc và chân thực của một đời người”. Những chuyện có thật của những người có thật, trong đó, tác giả là nhân vật chính được tái hiện hết sức sinh động. Có nhiều điều bổ ích tôi rút ra được sau khi đọc xong, muốn chia sẻ cùng bạn đọc.

Trang bìa cuốn
Trang bìa cuốn "Những mảnh ký ức sót lại" của tác giả Thanh Sơn. (Ảnh: A.T)

Nếu tính mỗi bài là một mẩu chuyện thì “Những mảnh ký ức sót lại" có 42 mẩu chuyện. Mỗi mẩu chuyện hàm chứa một nội dung, vấn đề; từ nguồn gốc gia đình, lịch sử bản thân đến quá trình hoạt động chính trị, những bước thăng trầm trong cuộc đời; chuyện đồng bào, đồng chí, địch, ta, may, rủi, buồn, vui…

Tôi thực sự cảm động khi biết tuổi thơ của tác giả xuất thân trong một gia đình nghèo khổ. Mẹ ông sinh con khó nuôi; bản thân ông bị đưa bán cho thầy phù thủy để làm phép trừ ma. Cái chết của mẹ ông thật thảm thương! Cảnh ngộ của ông quả đúng như ông nói “gian nan từ trong trứng nước”. Vậy mà còn sưu thuế, lệ làng đè nặng. Xã hội thời ông sinh ra không khác gì xã hội trong "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố và "Bước đường cùng" của Nguyễn Công Hoan.

Trong mẩu chuyện "Trời sắp sáng" ông viết: “Trong làng không khí nhộn nhịp, công việc cướp chính quyền Cách mạng Tháng Tám âm thầm diễn ra. Cha tôi có biết trước. Tôi nhớ một hôm gia đình ngồi ăn cơm trước sân nhà; tận dụng ánh sáng của mặt trăng để thấy thức ăn. Tôi nghe cha nói: "Ăn đi, trời sắp sáng rồi đó!”." Và, cậu bé Nguyễn Xuân Nuôi (sau này là Nguyễn Đình Song) nhờ thế mà sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, sớm bước chân vào hoạt động du kích.

Ông được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ làm quân báo, trinh sát, nắm tình hình địch; có khi bám sát những trận càn của địch, suýt chết hai lần. Thực tiễn cách mạng đã giúp ông mau khôn lớn; đang tuổi thiếu niên mà ông biết đánh lừa lý trưởng, được lý trưởng “khen”; nhiều lần được dân chở che, cứu sống. Đó là ông Tương đã mau lẹ nhận ông làm con khi bị địch đuổi rượt; mệ Hiệu bỗng chốc biến ông thành em trai của con gái mệ để che mắt địch. Đó là ông Phó Thái đã dũng cảm mở trói cho du kích thoát nạn; là cô gái vô danh (giấu tên mình) ở thôn Thanh Sơn loan mật tin giặc đi càn, cứu sống ông và đồng đội của ông.

Bằng các mẩu chuyện hoạt động quân báo, hoạt động du kích, người đọc ghi nhận sự mưu trí, dũng cảm của ông. Đây là một đoạn trong bài "Hai lần thoát chết": “Tôi mở chốt bom xong, ra nối mối giây bị đứt. Lát sau bom phát nổ. Lửa trùm lên. Hàng rào đồn địch bằng tre đã khô mấy tháng trời, giờ có thêm rơm làm mồi, phát cháy rừng rực, làm sáng cả một vùng. Địch trong đồn bắn ra dữ dội. Đạn bắn như mưa. Tôi không thể chạy thoát ra được, đành nằm tại chỗ, chỉ cách đồn chừng chưa đầy 100m. Tôi áp người sát cạnh mô đất, nín thở chờ đợi.”

Trong các mẩu chuyện nói về việc học, như: "Học hành dang dở", "Được làm thầy giáo", "Lớp học của các nữ tu dòng Hướng Phương", "Vào Học viện cao cấp"…, chúng ta thấy sự hiếu học, ham hiểu biết của ông đã giúp ông có thêm kiến thức cần thiết cho công tác chuyên môn và việc làm lãnh đạo sau này. Ông kể: “Việc học tập lúc nào tôi cũng đặt lên hàng đầu…

Sau những lớp bổ túc công nông tôi vẫn chưa học hết cấp ba. Cho nên khi còn làm việc, trong cái xắc lúc nào cũng có tập sách giáo khoa cấp 3, để tranh thủ tự học và nhờ các thầy bày thêm… Nhờ đó, cuối cùng, tôi cũng học xong được chương trình lớp 10 bổ túc”. (Được làm thầy giáo).

Từ chỗ chưa hiểu “cán bộ” là gì, rồi từng bước đi lên, giữ hết chức vụ này đến chức vụ khác, ông vẫn luôn giữ vững ý chí, say mê với công việc được giao nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lúc ông cũng rất nguyên tắc, cứng rắn, song có lúc cũng rất nhân văn, mềm dẻo. Việc ông xử lý kỷ luật một Chủ tịch UBND xã thiếu trách nhiệm với dân hoặc việc ông bảo vệ một thanh niên học giỏi vướng thành phần “con nhà địa chủ” nhưng không phải là địa chủ gian ác để được đi học đại học, cho ta thấy rõ điều ấy.

Là một cán bộ, nhờ sống chân thành, cởi mở, ông được người dân tin tưởng, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Qua nhiều mẩu chuyện, trong đó có chuyện làm thủy lợi Vực Tròn, chuyện kéo điện qua Rào Nan, chuyện học cách chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan…, ông đã thể hiện quan điểm lấy dân làm gốc, biết dựa vào sức dân nên nhiều việc thành công.

Sự kiện chia tỉnh Bình-Trị-Thiên, tái lập tỉnh Quảng Bình được ông kể lại khá tỉ mỉ, cụ thể. Trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của Đại tướng ở Hà Nội, Đại tướng khuyên ông: “Làm tổ chức phải có chính kiến! Phải trung thực! Phải biết chọn cán bộ tốt, làm được việc. Phải đoàn kết nội bộ!”. Liên hệ với bản thân, ông thấy chưa làm được hoàn toàn, nhưng cơ bản cũng đã làm được một phần như ý Đại tướng.

Trong bài "Ân oán", ông viết: “Công tác tổ chức và công tác kiểm tra, theo nghĩa nào đó, được xem là hai việc ân và oán… Cả hai chức danh Trưởng ban Tổ chức và Trưởng ban Kiểm tra, tôi đã làm ở huyện ba nhiệm kỳ, ở tỉnh hai nhiệm kỳ. Thế thì, ân và oán chắc cũng nhiều! Nhưng không đến nỗi phải bị thay ngựa giữa dòng… Có được niềm vui khi về nghỉ, được bạn bè lui tới, là quý lắm!”. Đó là những tâm sự thực lòng của ông với người đời.

Trước khi đọc "Những mảnh ký ức sót lại", tôi đã được đọc các tập thơ ông tặng. Con người ông vốn kiệm lời, bên ngoài có vẻ nghiêm trang, khó gần song rất nội tâm và giàu tình cảm. Trong cuốn sách, ông đã dành nhiều trang kể về tình yêu trắc ẩn thời tuổi trẻ của mình. Hãy nghe ông tả một người đẹp theo đạo Thiên Chúa mà ông thầm yêu: “Em có khuôn mặt trái xoan sang trọng như mặt Đức Mẹ đồng trinh. Nước da trắng như trứng gà bóc. Mái tóc mây đen dài mườn mượt. Đôi mắt to và đen láy, chứa cả một chân trời mơ mộng, thẳm xa.” (Gặp lại người xưa). Và ông cứ xót xa, thương tiếc mãi thân phận người con gái ấy, vì đã từ chối việc lấy chồng để đi tu. (Chuyện tiếp về người xưa ấy…).

Có thể nói rằng, có thêm "Những mảnh ký ức sót lại", chân dung Thanh Sơn (Nguyễn Đình Song) đầy đủ hơn nhiều khía cạnh!

Lý Hoài Xuân