Biển của đời người

  • 08:10 | Thứ Năm, 20/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không hiểu sao đời biển, thân phận biển lại có mối liên hệ bí ẩn với người dân làng chài quê tôi như là một duyên nợ với: “Suốt đời chỉ mấy thước dây/Kéo đi, kéo lại mòn tay vẫn còn”. Đó là sợi dây neo, neo cả đời người vào biển thẳm. Và biển bắt đầu có hồn từ đó...
 
Ngày nhỏ, tôi thấy những bác dân chài làng tôi dáng người lực lưỡng, da dẻ đỏ au, tóc cứng rễ tre bước đi chúi về phía trước. Khi nhảy từ thuyền lên bờ, họ như một con người khác hẳn. Ở dưới thuyền, họ nhanh nhẹn, nói cười rộn rảng đúng chất “ăn sóng nói gió”. Nhưng lên bờ với đất rộng mênh mông, không bó chân bó tay như mấy mươi mét vuông gỗ dưới thuyền hay mấy trăm sải neo “suốt đời chỉ mấy thước dây/kéo đi kéo lại mòn tay vẫn còn” thì trông họ chậm chạp hẳn. Dáng đi cũng chòng chành, nói năng cũng khó nhọc và chân tay va cái gì cũng dễ đổ vỡ.
 
Và đặc biệt tôi rất mê khi ngắm những dân chài thứ thiệt đó đứng kiễng chân, nheo nheo mắt, hít hà lồng ngực phồng căng đưa lên chiếc tù và bằng vỏ ốc biển-vỏ ốc còn xù xì, thô rám và thổi. Chao ôi tiếng tù và, tiếng biển sao mà xoắn lòng xoắn ruột! Từng vòng sóng lan trong không gian nửa vang vọng ngân xa, nửa diết da níu kéo từng hồi day dứt. Tôi ngỡ tiếng tù và đang gọi hồn biển, gọi hồn những người chết biển...
 
Không hiểu sao nhiều lúc tôi cứ bần thần ngắm những con sóng vỗ về đêm. Những con sóng lóe lên ánh lân tinh rồi chợt tắt như ngọn lửa cháy từ chân sóng. Những con sóng cứ miệt mài đổ và tan, tan thành bọt sóng để xõa vào lòng cát mịn. Và có lúc tôi cảm giác những hạt cát li ti cũng mọc những sợi lông sóng thật mịn màng, đắm đuối ngấm vào toàn thân, vào huyết mạch của đất đai.
 
Sóng như vỗ về, như dìu dặt, chạm đến bờ là chạm vào đổ vỡ nhưng sao mà đầy cảm thông, sẻ chia không một lời oán trách để rồi tự mình, tự biết, tự rút ra xa nhường cho những con sóng tự nguyện khác vỗ bờ. Một sự dâng hiến để tan tành mà vẫn háo hức, mãi mê kiếm tìm truyền đời, truyền kiếp. Phải có một hồn biển phóng khoáng, bao la nhường nào, thẳm sâu nhường nào, mặn mòi nhường nào mới “sinh ra con nước rặc đến tận gầy” như thế...
 
Không biết giữa biển và rừng có mối liên quan gì từ thuở hồng hoang hay không mà có bao loài cá dưới biển lại mang tên loài thú trên rừng? Có thể do những đặc điểm giống nhau hoặc một nguồn cội sâu xa nào đó. Ví như: cá voi, cá bò, cá chim, cá ngựa, cá dơi, cá chuồn, tôm hùm (hổ)... Lại có những con cá mang tên gắn với sinh hoạt thường ngày của con người như: cá cơm, cá cháo, cá đục, cá chai...
 
Tôi cũng đã nhiều lần ngẩn ngơ ngắm những mắt thuyền được vẽ bằng mắt cá. Một đôi mắt cá không bao giờ chớp mi nhưng cứ sóng sánh, dập dờn theo nhịp của sóng biển. Một mắt cá căng phồng, một mắt cá chỉ luồng biển, một mắt cá khát khao, ước vọng. Mắt cá như là sự hiện hữu phần nào cơ thể của biển, của hồn biển để vời vợi xa, để thăm thẳm gần. Ở làng biển và trên các đảo ngoài khơi xa, thỉnh thoảng, ta lại bắt gặp những ngôi mộ gió.
 
Hình nhân được nặn bằng đất sét, những đốt xương là thân cây dâu thay cho người chết biển không tìm được xác. Những linh hồn không bơ vơ, vô vọng mà họ đang trở về, vẫn hiện hữu trong tiếng dạt dào của rừng dương như dàn nhạc vĩ cầm. Họ vẫn ấm nồng hơi người, hơi biển trong cuồn cuộn những múi dây neo. Họ lấp lánh những mắt cá bời bời hy vọng. Họ như mới ở đâu đây ngật ngưỡng đi trong ráng chiều đỏ lịm từ một quán rượu nghèo. Tiếng họ vẫn “huầy dô…” cùng đám bạn chài đẩy con thuyền lên cạn trong ngày biển động để đốt lửa hui thuyền cho bớt đi những vỏ hàu sắc lẹm, cho lòng thuyền nhẹ hơn nhưng lòng người lại trĩu nặng thêm bao âu lo đời thường.
 
Họ như những vỏ ốc biển đã chết để quặn mình phát ra những âm thanh sự sống. Một sức sống run rẩy, gọi mời như đang đồng vọng ngân xa: Biển ơi! Biển ơi! Biển ơi!
 
                                            
Nguyễn Ngọc Phú