"Vàng" trong cát trắng

  • 09:04 | Thứ Năm, 23/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Một hồi trống đại giục giã mở toang không gian tĩnh mịch của làng biển… Kế tiếp, réo rắt hàng loạt tiếng trống con cùng hòa thanh theo. Âm thanh đội trống hùng binh từ ngôi đình làng biển vút lên thinh không, bố cáo cùng đất trời, báo hiệu với mọi người thêm một mùa xuân, mùa lễ hội nữa lại về…
 
Chắt chiu hồn dân tộc
 
Xã Nhân Trạch (Bố Trạch) gối đầu bên chân sóng biển Đông, dân cư phân bổ dọc theo đôi bờ cửa sông Dinh. Theo sử sách xưa chép lại, hơn 600 năm trước, danh tướng Hồ Đức Cưỡng vâng lệnh vua Trần Dụ Tông đem quân đi đánh dẹp quân Chiêm Thành, quyết định ở lại trấn giữ tại vùng đất trù phú bên cửa sông Dinh, từ đó khai hoang lập ấp, trở thành người khai khẩn làng Náu (Nhân Trạch ngày nay), lưu danh hậu thế.
 
Năm 1824, dưới thời nhà Nguyễn, làng Náu thuộc huyện Bố Trạch, tổng Hà Bạc, đổi thành thôn Lý Nhân Nam. Tháng 1-1946, thôn Lý Nhân Nam lập thành xã Nam Lộc. Từ tháng 3-1956 cho đến nay, trường tồn bền vững bằng cái tên Nhân Trạch.
Màn múa bông, chèo cạn của CLB VHDG xã Nhân Trạch.
Màn múa bông, chèo cạn của CLB VHDG xã Nhân Trạch.
Đó là lịch sử hình thành nên xã biển Nhân Trạch, nhưng nếu bạn đến thăm Nhân Trạch vào mùa lễ hội, lúc Tết đến, xuân về, bên những chén rượu gạo cất bằng thứ nước trong trẻo chắt ra từ “vú cát” của biển mà người làng biển đón khách quý nơi đình làng, bạn sẽ được nghe, chiêm nghiệm lịch sử làng biển bằng ngôn ngữ của tiếng trống hoan ca trong lễ hội "Cầu ngư", bằng lời ca, tiếng hát, cách diễn xướng trong điệu hò khoan, chèo cạn và các trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa biển.
 
Trong đời sống tinh thần cư dân làng biển Nhân Trạch, lễ hội luôn có một vai trò vô cùng quan trọng, diễn ra hầu như quanh năm: lễ “Hạ vụ” vào tháng giêng do các chủ tàu thuyền tiến cúng bắt đầu mùa biển mới, lễ hội “Cầu ngư” thời gian từ rằm tháng giêng đến tháng tư âm lịch, lễ hội “Kỵ cậu” cúng tại lăng bà, lăng cậu, lăng cô vào ngày 25-5 âm lịch, lễ “Đại điểu” cầu phúc vào tháng 6 âm lịch, lễ hội “Xuân thu nhị kỳ” mở vào tháng 8 âm lịch với mục đích là trả ơn thần Ngư trên biển và bố thí cho thập loại cô hồn khi kết thúc một mùa đánh bắt đại cát.
 
5 lễ hội này có những nét đặc trưng giúp “khu biệt” văn hóa làng biển Nhân Trạch với vùng quê biển khác tương đồng, đó là luôn có sự góp mặt các loại hình hò khoan, chèo cạn, múa bông, múa quạt, xướng, hò hụi… thể hiện qua những “diễn viên không chuyên” của Câu lạc bộ văn hóa dân gian (CLB VHDG) xã nhà.
 
Thành lập năm 2011, CLB VHDG xã Nhân Trạch gồm 70 thành viên, người nhỏ tuổi nhất 45 và cao tuổi nhất là 83; trong đó, 50 thành viên sinh hoạt thường xuyên biến tấu nhịp nhàng với đội trống, đội biểu diễn múa bông, chèo cạn, đội diễn xướng. Từ khi thành lập đến nay, không kể đêm hay ngày, mưa gió hay nắng hanh hạn, cứ có thời gian là các thành viên CLB hẹn nhau tại đình làng để luyện tập. Ngoài phục vụ cho lễ hội hàng năm của xã, huyện, tỉnh thì CLB còn tham gia biểu diễn “vươn ra” ngoài không gian làng biển Nhân Trạch…
 
Khơi mạch nguồn cho đời
 
Chủ tịch UBND xã Nhân Trạch Nguyễn Văn Nghị trao đổi cùng chúng tôi bên chân sóng biển Đông: “Góp phần vào sự ra đời, phát triển vững chắc của CLB VHDG xã Nhân Trạch, ngoài sự đoàn kết của các thành viên, không thể không đề cập đến vai trò của Nghệ nhân nhân dân (NNND) Việt Nam Phạm Thị Niếu”.
 
Và trong các cụ, các bà nơi đội trống đang tập tại đình làng biển ấy, chúng tôi gặp NNND Việt Nam Phạm Thị Niếu. Bà sinh năm 1940, bây giờ thuộc cái tuổi “xưa nay hiếm”.
 
 “Vào cái ngày bước qua tuổi 13, khi nghe ông cai, bà cai xướng lên lời ca trong lễ hội "Cầu ngư": “Lý Nhân Nam vui thú hải hồ/Mừng bà Hoa Phượng ghé vô lạch nhà/Trống rung cờ xổ đưa ra/Nghe tin bà Ngự đường xa não nùng…” và “Non nam phượng múa/Núi bắc rồng chầu/Đất làng con hiến võ cao sâu/Ngoài hương án ông cao vòi vọi…”, rứa là ưng ngay. Câu hò, lời xướng, nhịp khoan, nhịp xố, tiếng đệm, tiếng lót, tiếng láy nhập vào tâm lúc mô chẳng biết!”, bà Niếu nhớ lại. Bà cũng bảo rằng, kể từ ngày đó, bà biết cuộc đời mình sẽ gắn chặt với văn hóa dân gian đặc trưng miền biển mà cha ông để lại.
 
28 tuổi, vào năm 1968, chồng bà Niếu hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, để lại cho bà 2 đứa con thơ. Chính trong thời điểm đau thương nhất, lời ca, tiếng hát dần xoa dịu mất mát cuộc đời bà. “Biển là quê hương/Đất liền là nơi tạm trú/Thuyền lưới là vũ khí/Xã viên là chiến sỹ”… Khẩu hiệu đó giúp bà vượt qua, “đảm việc nước, giỏi việc nhà”.
 
Rồi biển yên, quê hương hòa bình, nhưng đói nghèo hiện diện mỗi ngày nơi vùng biển Nhân Trạch. “Cơm áo gạo tiền” làm người ta quên đi nhiều thứ. Các lễ hội như: cầu ngư, cầu mùa, các điệu hò… mai một dần, chỉ còn là ký ức đẹp đối với người quê biển nơi đây.
Tác giả trò chuyện cùng Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu trong ngôi nhà bên làng biển.
Tác giả trò chuyện cùng Nghệ nhân nhân dân Phạm Thị Niếu trong ngôi nhà bên làng biển.
Trăn trở cho một di sản văn hóa đang có nguy cơ mai một, biến mất, nghệ nhân Phạm Thị Niếu cùng với các cụ cao tuổi quyết tâm sưu tầm, phục dựng lại các làn điệu dân gian, lễ hội truyền thống của làng biển. CLB VHDG xã Nhân Trạch ra đời khởi đầu là sự hồi sinh của lễ hội "Cầu ngư". Chính sự kiên cường của người phụ nữ nhỏ bé làm lay chuyển bao thế hệ sinh ra trên cát trắng Nhân Trạch. Bà lặng lẽ tìm bới trong cát những hạt vàng lấp lánh để hôm nay, những hạt vàng này thắp sáng cả quê hương nơi một đời bà gắn bó, thủy chung.
 
“Hai con lớn lên, định cư tại Cộng hòa Slovakia, mệ được con làm cho thủ tục cư trú hợp pháp lâu dài bên đó. Nhiều lần qua thăm, định ở với con, nhưng được mấy ngày thì đổ đau. Bên tai cứ vẳng tiếng trống giục, với lời xướng, nhịp khoan. Về tới làng, trở lại với các cụ, các bà trong CLB, đau ốm, bệnh tật biến mô mất!”, bà Phạm Thị Niếu chia sẻ.
 
Bây giờ, người Nhân Trạch đi khắp năm châu bốn biển làm ăn vẫn luôn tự hào nhớ về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương mình; nhớ đến CLB VNDG và người phụ nữ dành cả cuộc đời mình cho việc khôi phục, bảo tồn, phát huy mạch nguồn văn hóa làng biển-bà Phạm Thị Niếu.
 
Ghi nhận công lao của bà Phạm Thị Niếu trong việc khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa làng biển Nhân Trạch, ngày 20-9-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân cho bà. Đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước vinh danh người con quê biển một đời “đãi cát tìm vàng”.
 
Hương Trà