Mùa vui

  • 14:01 | Thứ Sáu, 03/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Làng tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Người làng bốn mùa cần mẫn làm ăn, đồng làng, triền sông cũng bốn mùa bời bời sắc màu lúa, ngô, khoai, sắn. Đến đầu tháng chạp thì người người, nhà nhà nôn nao ngóng đợi. Bởi trai gái rủ nhau đi học, đi làm ăn xa gần hết, làng chỉ rộn ràng vào dịp Tết. Mùa đó, người làng tôi gọi là mùa vui.
 
Cỡ đầu tháng chạp, khi những cây mai đã được nhặt lá và lác đác nụ, người ở nhà tất bật tính toán Tết này sắm bao nhiêu gạo nếp đậu xanh, dưa hành, thịt lợn… Nơi góc sân, đống củi được chẻ đều tăm tắp đã đợi sẵn để sáng ba mươi Tết đun nồi bánh chưng. Thoảng trong gió có mùi khói bay lên từ những chái bếp nhỏ cùng hương vị của các loại bánh mứt. Hàng xóm gặp nhau lâu lâu lại hỏi mấy đứa nhà anh chị chừng nào về, Tết nay đã có dâu rể gì chưa…
 Làng bên sông.
Làng bên sông.
Mùa vui, là khi giáp Tết người lớn, trẻ con dừng chân nơi đầu làng, hào hứng lựa chọn áo quần ở những quầy hàng cơ động với chiếc loa ra rả rằng, hàng giảm giá chỉ mấy chục nghìn đồng một chiếc. Lựa được món đồ ưng ý, ánh mắt người lớn, trẻ con cũng vui như ai đó ở thị thành mua món đồ đắt tiền trong những trung tâm thương mại lung linh ánh điện…
 
Mùa vui, mà đôi khi làng cũng có chuyện buồn. Đó là năm kia, chị Hoài, người xinh nhất ở làng bên kia sông, sau hai năm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, chưa kịp về nhà mình đã rẽ xuống làng tôi. Khi chị xăm xăm bước qua cầu đi về hướng nhà anh Ninh, người làng tôi nhìn chị vừa thương vừa ái ngại. Lúc sau bé Na, hàng xóm anh Ninh chạy ra quán nước trước ngõ, tiếng được tiếng mất tường thuật lại cuộc gặp của hai người yêu nhau.
 
Đại loại lúc chị Hoài vào đến nhà anh Ninh thì gặp một cô gái bế đứa con trai tầm một tuổi. Anh Ninh thấy chị thì cúi đầu lúng túng. Chị Hoài mắt không chớp cứ hỏi mãi một câu: "Tại sao?". Anh Ninh ngó lơ ra cổng, bảo anh không biết chừng nào chị Hoài về, với lại ba mẹ anh già rồi, mong ngóng có cháu đích tôn. Chị Hoài ngước lên trời, mắt vẫn không chớp. “Hình như chị sợ chớp mắt là nước mắt tràn ra", Na bình luận. Rồi sau đó, chị cúi đầu bảo: "Em hiểu. Ba mẹ em gọi điện cho em kể ngọn ngành rồi mà em không tin, cứ muốn tận mắt gặp một lần. Mấy thứ đồ này là em mua cho anh, giờ mang về cũng không có ai dùng, nên anh giữ lại đi…"
 
Na kể đến đó thì chị Hoài kéo vali ra ngõ đi về phía bờ sông và xuống đò về nhà. Mùa vui năm đó, những người làng tôi biết chuyện tình yêu của chị Hoài và anh Ninh đều cảm thấy buồn và như có lỗi với chị Hoài. Thế nên, mỗi khi trai gái trong làng đi xuất khẩu lao động, người làng tôi lại thấp thỏm lo âu…
 
Mùa vui, dù không hẹn trước nhưng có những cặp đôi thanh mai trúc mã vẫn tình cờ gặp nhau nơi giếng làng. Cô sinh viên năm hai tóc cột kiểu đuôi ngựa tung tăng ôm bó lá dong ra bờ giếng ồ lên khi gặp cậu bạn thân đang hì hụi giặt màn rèm. Cô cười tủm tỉm nhìn bạn hỏi: "Cậu đi giặt đồ mà ăn mặc chỉnh tề như đi ra mắt nhà vợ vậy?". Cậu bạn trai ngượng nghịu xắn tay áo, chìa tay cho cô xem hai chữ “hận đời” được xăm vụng về. Cậu giải thích: "Bữa trước tớ hơi buồn, lại nghe mấy thằng bạn xúi giục nên lỡ tay xăm hai chữ này. Nên giờ về nhà suốt ngày phải mặc áo dài tay kẻo sợ ba mẹ thấy rồi lo lắng". Cô gái vừa chăm chú rửa lá dong vừa ngẩng đầu cười hỏi: "Vậy giờ cậu còn hận đời nữa không?". Cậu trai phá lên cười, bảo hận gì đâu, giờ thì cậu hiểu vui buồn là lẽ thường ở đời, nhưng cái chữ lỡ xăm rồi, ăn Tết xong vào thành phố cậu sẽ xóa nó đi, để không phải sợ ba mẹ cậu nhìn thấy rồi lo lắng nữa…
Đồng làng mùa xuân.
Đồng làng mùa xuân.
Mùa vui cứ vậy tới. Làng vắng vẻ bốn mùa nay đón mùa vui sôi động vô cùng. Hoa đào, hoa mai rực rỡ, đình làng trống hội giục giã, con trai, con gái ai nấy đều hân hoan. Mấy cô gái đi làm, đi học xa giờ ít người còn để tóc đen dài như thuở ở làng, nhưng cũng không vì thế mà mẹ cha hay hàng xóm thấy buồn và tiếc nuối vu vơ như trong thơ Nguyễn Bính. Chỉ cần đi qua bốn mùa vất vả và ngóng đợi, tới mùa vui được sum vầy, được thấy nhau mạnh khỏe, bình an là hạnh phúc rồi…
 
Mùa vui này, bé Na, nay đã là thiếu nữ, kể hôm trước gặp chị Hoài ôm con gái sang làng tôi đi chợ. Làng nhỏ bé quá nên loanh quanh một lúc, hai mẹ con chị tình cờ gặp anh Ninh. Họ nhìn nhau có chút bối rối rồi anh Ninh ngắm cô bé con trên tay chị Hoài hỏi: "Con gái em à? Bé giống mẹ, xinh quá!". Chị Hoài gật gật đầu nói: "Cảm ơn anh! Ba mẹ và con trai anh khỏe không? À, anh cho em gửi lời chúc năm mới tới cô ấy. Năm đó đường đột quá, em cũng chưa kịp chào hỏi gì!". Anh Ninh gật gật đầu mỉm cười rồi nói cảm ơn chị Hoài.
 
Chuyện có vậy thôi, mà làng tôi nhiều người thở phào bởi mừng cho chị Hoài đã hết buồn và có cô con gái xinh như mẹ. Mùa vui càng vui hơn khi đôi bạn thanh mai trúc mã bên giếng làng hôm nào nay đã thành đôi; làng có cậu học trò thi đỗ giải huyện, giải tỉnh, có những mẻ lưới xuất hành đầu năm trĩu nặng, những bãi bồi ven sông xanh mướt màu lúa, ngô, khoai, sắn, báo hiệu một năm đủ đầy… Mùa vui ai ai cũng hân hoan nói cười, những nụ cười tinh khôi cho dù bốn mùa xuân, hạ, thu, đông có biết bao nhọc nhằn, vất vả.
 
Nên người làng tôi, dù bốn mùa nhọc nhằn, vất vả, lòng vẫn luôn tràn đầy hy vọng đón đợi mùa vui!
Diệp Đồng