Một ngày áp Tết

  • 10:54 | Thứ Bảy, 25/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngày 28 tháng 1 tây lịch năm ấy nhằm ngày 25 tháng chạp lịch ta. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết, nhưng phải hôm sau, 8 giờ sáng 28-1, mới có hiệu lực. Và, chính cái khoảng thời gian mười mấy giờ còn lại này, cuộc chiến vẫn diễn ra dữ dội...
 
Sau trận đấu tăng một chọi mười quyết giữ cảng Cửa Việt (là chưa kể lực lượng bộ binh phối thuộc phòng ngự), chừng hơn 7 giờ sáng ngày 28-1 (nhằm 27 Tết Quý Sửu), tôi thoát được khỏi chiếc xe tăng đang cháy dữ dội và đạn trong xe nổ ùng oàng... Lạ, lúc hiểm nghèo thì rất khỏe mà đến khi được khiêng về trạm phẫu, lên xe chuyển đi thì sức lực tan biến hết, mê man bất tỉnh cho đến sáng hôm sau, hôm sau nữa. Tỉnh dậy ở một trạm chuyển thương, hỏi, giật mình biết đang ở ngay tại quê hương mình.
 
Làng Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, thượng nguồn sông Kiến Giang, lúc ấy đang là trạm trung chuyển thương binh. Không lực Mỹ ngừng ném bom từ ngày 15-1-1973, đã được gần nửa tháng. Bà con hân hoan chuẩn bị đón cái Tết hòa bình đầu tiên trên miền Bắc. Chúng tôi được dân quân chuyển xuống đò xuôi dòng kiến giang về Quân y viện 112 ở Vạn Ninh (Quảng Ninh). Trời se lạnh, người ta phát đồng loạt áo ấm cho thương binh. Khốn thay, vì bông băng to sù quấn trên đầu nên không thể chui qua cái áo sợi cổ lọ, khi được khiêng xuống thuyền tôi quàng luôn cả cái chăn chiên lên người. Đò xuôi dòng Kiến Giang sáng 29 Tết Quý Sửu.
 
Không khí đón xuân thắng lợi tưng bừng ở mỗi ngõ xóm. Loa phóng thanh phát liên tục ca khúc “Việt Nam trên đường chúng ta đi” với giọng nam cao của Doãn Tần gây cảm xúc rất mạnh. Thuyền dần xuống hạ lưu, sắp đi qua làng tôi. Con sông Kiến Giang bắt nguồn từ chân thềm Trường Sơn bắc Quảng Trị, chảy theo hướng tây nam-đông bắc. Gần đến làng Xuân Bồ nói trên thì trở hướng nam-bắc, về hạ nguồn lại chia đôi nên lòng sông rất nhỏ. Thuyền lại chèo áp sát làng tôi. Có người nữ dân quân chèo thuyền trẻ, đẹp khiến cho không khí tốp thương binh trên thuyền trở nên sinh động, chuyện qua lại râm ran. Cô gái hỏi:
 
- Các eng quê ở mô?
 
Nhiều người trả lời. Đa số quê ngoài Bắc. Thấy tôi nằm quàng tấm chăn chiên có vẻ tội nghiệp cô gái có vẻ quan tâm hơn, hỏi riêng:
 
- Còn eng, ở tỉnh mô?
 
- Quảng Bình.
 
- Nỏ phải.
 
- Sao không phải?
 
- Vì eng nói giọng Bắc
 
Thú thực,tính đến lúc ấy, tôi xa quê đã sáu năm...
- Rứa eng ở huyện mô?
 
- Lệ Thủy
 
- Ơ, cái eng ni! Thì eng đang ở Lệ Thủy đây thôi. Rứa ở xã mô?
 
- An Thủy.
 
-Thôn mô?
 
- Lộc An.
 
Cô gái như reo lên:
 
- Eng giả đò. Rứa thì...eng con ai?
 
Tôi nín lặng chốc lát, cố kìm nén cảm xúc rồi nói ra tên bố mẹ, còn kể thêm tên các anh chị ruột nữa. Cô gái thả tay chèo, tròn mắt ngạc nhiên. Phải vài năm sau tôi mới biết gia đình cô là sui gia với người họ hàng gần của nhà tôi.
 
Đúng lúc ấy, chiếc thuyền từ từ đi ngang qua bến nước xóm tôi. Trên bậc bến đang rất nhộn nhịp. Ngày ấy, dân quê tôi còn dùng nước sông. Nước Kiến Giang trong mát và chưa ô nhiễm như bây giờ, tất tật đều xuống bến. Sáng 29 Tết, cái tết đầu tiên sau khi ngừng bắn mấy ngày. Bất ngờ, cô dân quân chèo thuyền kêu:
 
-Tề, đến nhà eng rồi, có ghé vô khôông? Ui ui, ai như bác gái đó tề...!
Khi chiếc thuyền hai tay chèo của dân quân cứ lừ lừ đi ngang qua bến nước, trái tim tôi như...mềm ra. Khúc sông qua đoạn này lại cong cong, sách chữ Hán gọi là loan. Thuyền từ thượng nguồn xuôi xuống thường bẻ lái áp sát vào bờ sông phía làng tôi, dân gian gọi là “léo khút”, ngắn được vài mươi mét hành trình. Từ xa nhìn tới, thấy đông người trên bến, tôi đã không dám nhìn lên. Một năm rưỡi trước, hết năm thứ hai Khoa Ngữ văn-Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhận giấy báo nhập ngũ của Bộ chỉ huy Quân sự Thủ đô, tôi về nghỉ hè một tháng để ngày 6-9-1971, chính thức “gác bút nghiên”.
 
Mất gần một năm huấn luyện bộ binh cơ bản và qua trường lái xe tăng, cũng nghĩ rằng sẽ có dịp về làng trong tư thế tương đối “hoành tráng” chút đỉnh. Bây giờ, xuất hiện trong bộ dạng “yếu lính” thế này, thật lòng tôi không muốn. Nhưng, tiếng kêu của cô dân quân khiến tôi bất giác nhìn lên bến: Trời! Mạ tôi ngồi kia, giữa một đám đông nhộn nhịp, đang nhẩn nha lau rửa từng tấm lá chuối sứ. Quê tôi gói bánh chưng, bánh đòn (bánh tét) bằng lá chuối sứ (chuối hột). Trong thoáng chốc, cùng với những người khác, mạ tôi ngước nhìn ra chiếc đò chở thương binh đang chầm chậm lướt qua.
 
Gương mặt mạ tôi hơi đờ đẫn và rất khó đoán cảm xúc. Có thể, nhìn thấy cả một đò chở đầy thương binh nặng vừa ra khỏi cuộc chiến kia, mạ tôi bỗng liên tưởng đến con trai, không biết đang ở chiến trường nào, sống chết ra sao chăng?! Cô dân quân vẫn dừng tay chèo nhìn tôi chờ đợi. Chỉ cần tôi lên tiếng:- “Ghé vào cho một lát!” là chiếc đò lập tức bẻ lái ghé ngay. Và, điều gì sẽ xảy ra... Mạ tôi, năm ấy đã sáu ba, sáu tư. Tuổi sáu mươi ngày ấy ở nông thôn đã là già yếu. Nuôi bảy đứa con ăn học trong những năm tháng ngặt nghèo qua hai cuộc kháng chiến, lưng người đã còng xuống, cơ thể gầy guộc thật đáng thương...
 
Tròn bốn mươi bảy năm trôi qua. Tôi vẫn nhớ và cảm chính xác đến từng chi tiết khoảng thời gian giữa buổi sáng một ngày áp Tết năm ấy. Ngày mai, ngày kia, tôi sẽ lại về làng, sẽ có những giây phút đứng trên bến nước, ngắm lại đoạn sông Kiến Giang cong cong mà sách chữ Hán gọi là “loan”, để thuyền xuôi xuống thì bẻ lái đi sát vào bến, cho tôi có thể thấy lại mạ đang ngồi nhẩn nha rửa sạch từng tấm lá chuối cho việc gói bánh mừng năm mới...
Nguyễn Thế Tường