Người cựu binh đánh giặc giỏi, viết văn hay

  • 21:57 | Chủ Nhật, 08/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Báo chí và Đài Truyền hình Việt Nam đã nhiều lần nói về gia đình đại tá Huỳnh Thúc Cẩn (Hoàng Thúc Cẩn) có năm anh em theo năm cửa ô vào giải phóng Thủ đô (10-10-1954). Thế nhưng ít ai biết đại tá Huỳnh Thúc Cẩn là tác giả của 3 tập truyện ký đạt giải thưởng do Hội Nhà văn và Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức.
 
Sau khi nghỉ hưu, ông Huỳnh Thúc Cẩn hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVTND (1998-2000), viết tập hồi ức “Vườn cam ngọt”.  “Vườn cam ngọt” dày gần 200 trang, viết về quê hương, gia đình và cuộc đời ông, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2000. Anh em ông đều là những người có công với nước. Ông Hoàng Thúc Cảnh, nguyên là thư ký của cụ Hồ Tùng Mậu, cố vấn Văn phòng Chính phủ. Đại tá Hoàng Thúc Tuệ, từng làm Tham mưu trưởng Trung đoàn 57, tham gia chỉ huy chiến dịch Phú Trịch-La Hà diệt 120 tên Pháp trên dòng sông Gianh năm 1950. Ông Hoàng Thúc Tấn nguyên là Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm đại diện Việt Nam tại Hội đồng Tương trợ Kinh tế (Khối SEV).
 
Bản thân ông hồi nhỏ học Trường tiểu học “École Primaire Complémentaire de Thọ Linh” với Nguyễn Hữu Vũ (sau này là Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên). Học xong tiểu học, Huỳnh Thúc Cẩn theo các anh vào học Trường trung học tư thục Thuận Hóa ở Huế.
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông về làm đội trưởng đội du kích thiếu niên làng Minh Lệ. Ông gặp lại Nguyễn Hữu Vũ, người bạn lớn tuổi hơn lúc đó mang tên là Nguyễn Văn Đồng đang làm Bí thư Huyện ủy kiêm Huyện đội trưởng Quảng Trạch. Ngày 10-4-1947, giặc Pháp đánh chiếm làng Minh Lệ, đóng đồn trên Động Lòi. Ông đã vẽ lại bản đồ đồn địch trao cho ông Nguyễn Văn Đồng. Đêm 16-8-1947, ông Đồng đã chỉ huy đại đội 5 du kích Quảng Trạch về tập kích đồn Minh Lệ. Đại đội 5 đã tiêu diệt được 13 tên Pháp và 30 tên ngụy.
 
Giữa năm 1948, giặc Pháp rút khỏi đồn Minh Lệ lần thứ nhất. Ông Cẩn giao chỉ huy đội du kích thiếu niên lại cho ông Hoàng Hữu Thanh để vào bộ đội. Ông được đi học sỹ quan pháo binh rồi đi khắp các chiến trường. 
Trang bìa 3 tác phẩm của Huỳnh Thúc Cẩn.
Trang bìa 3 tác phẩm của Huỳnh Thúc Cẩn.
Trong tập hồi ức “Vườn cam ngọt” có những trang viết làm người đọc rơi nước mắt. Mẹ mất, bố ông được đưa ra Hà Nội. Ngày các anh em ông kéo nhau về làng Minh Lệ, ngôi nhà tranh vách đất vẫn còn đó nhưng vườn cam ngọt năm nào nay thành hoang phế. Họ ra đồng thắp cho mẹ nén hương. Ông quỳ xuống bên mộ mẹ nâng hòn đất lên hôn, nước mắt rưng rưng. Người mẹ Hội trưởng “Hội mẹ chiến sỹ” làng Minh Lệ, đã 5 lần tiễn con đi chưa một lần gặp lại.
 
Đến nay, tất cả các anh em ông đều trở thành “công dân Hà Nội”. Cứ đến ngày giải phóng Thủ đô cả nhà lại quây quần trong ngôi nhà ông Hoàng Thúc Cảnh hát vang bài “Giữa chiều thu Hà Nội”. Đọc “Vườn cam ngọt”, bạn đọc như đắm chìm theo dòng cảm xúc dâng trào của Huỳnh Thúc Cẩn, những hình ảnh thân thương hiện lên như một cuốn phim quay chậm, chảy theo thời gian với giọng văn ấm áp, mượt mà.
 
Tiếp theo “Vườn cam ngọt” là tập truyện ký “Đợi chờ đêm mưa ngâu” và tập ký “Gương sáng cho đời”. “Đợi chờ đêm mưa ngâu” do Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành năm 2007, tập hợp 11 truyện ký ông đã đăng rải rác trên các báo. Đa số các truyện ký trong tập sách này viết về nhiều sự việc ông tham gia nên có nhiều chi tiết trùng lặp với “Vườn cam ngọt”.
 
“Bố nuôi và lời nói dối 30 năm” là một truyện ký hay, có bố cục như một truyện ngắn. Ông viết về một người lính trong đơn vị ông ở chiến trường Lào, mang về nhà một bé gái còn đỏ hỏn và nhận là con mình. Người vợ ở nhà đã gần hết tuổi sinh nở, làng xóm đàm tiếu nhưng ông vẫn không chịu hé răng nói nửa lời. Truyện kịch tính, tính cách nhân vật khá rõ nét. Khi mâu thuẫn dâng lên đến đỉnh điểm thì bố mẹ đứa bé từ Lào bay sang Việt Nam nhận con, vợ người lính cũng kịp sinh được đứa con trai đầu lòng, thế là mâu thuẫn được giải quyết. Truyện ký này đạt giải 3 cuộc thi viết do Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Cục Dân vận và Tuyên truyền đặc biệt Tổng cục Chính trị-Bộ Quốc phòng tổ chức...
 
“Gương sáng cho đời” là tập ký gồm 33 bài (NXB Hội Nhà văn, năm 2008). Các truyện ký không sắp xếp theo trình tự thời gian. Ông tập trung ca ngợi những tấm gương của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta trong cuộc chiến tranh giữ nước. Ông kể lại kỷ niệm những lần được gặp Bác Hồ và o Thanh, cụ Cả Khiêm, chị và anh của Bác. Có nhiều chi tiết thú vị mà không phải ai cũng biết. Trong bài “Tàn cờ mới biết tay cao thấp”, ông bình luận: Bác ký Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 và đến Pháp dự hội nghị Phôngtennơblô là vận dụng sách lược đấu tranh vô cùng mềm dẻo, linh hoạt, gạt phăng 20 vạn quân Tưởng ra khỏi nước để đối phó với 1 vạn quân Pháp. Đó là thượng sách. Khi Bác ký với Pháp, có nhiều ý kiến bất đồng ngược chiều. Bác đã tuyên bố “Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước”. Lúc đó, Nguyễn Hải Thần đã gửi cho Bác một bài thơ 8 câu:  
 
“Gặp ở đường đời bác với tôi
Đường đời gian khổ phải chia đôi
Tuy riêng Nam Bắc, riêng bờ cõi
Cùng một ông cha, một giống nòi
Lỡ bước đành cam thua nửa ngựa
Còn hơn miệng thế nói mười voi
Mấy lời nhắn nhủ ông ghi nhớ
Nước ngược buông câu khéo mất mồi”
 
Ông phân tích bài thơ của Nguyễn Hải Thần có ý xỏ xiên. Và Bác đáp lời cũng bằng một bài thất ngôn bát cú, khẳng khái, bản lĩnh:
 
“Gặp ở đường đời anh với tôi
Đường đời gai góc phải chia hai
Đã sinh tai mắt, sinh đầu óc
Há bỏ ông cha, bỏ giống nòi
Trách kẻ đem thân vào miệng cọp
Tôi đành ghé đít cưỡi đầu voi
Tàn cờ mới biết tay cao thấp
Há phải như ai, cá thấy mồi!”
 
Và lịch sử đã chứng minh lời của Bác. Tháng 7-1946, Nguyễn Hải Thần theo quân Tàu Tưởng trốn sang Trung Quốc, còn cuộc đọ sức 9 năm của dân tộc ta với thực dân Pháp đã kết thúc thắng lợi bằng trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Đúng là “tàn cờ mới biết tay cao thấp”.
 
Trong tập ký còn có bài “Trận đánh đòn phủ đầu do Tư lệnh Hoàng Minh Thảo trực tiếp giao nhiệm vụ” rất ấn tượng. Ông còn có nhiều bài viết về các thầy đáng kính như Tế Hanh, Đào Duy Anh, Tú Sử, Khương Hữu Dụng… Ông viết về nhiều gương chiến đấu hy sinh của các chiến sỹ cách mạng như các bài: “AHLLVTND Kim Ngọc Quảng”, “Anh hùng liệt sỹ đã hóa thành bất tử”, “Trước dũng khí và hồn thơ-công sứ, tuần vũ 2 tỉnh… lần lượt bị đo ván”, “Vị tướng hào hoa “Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn” Tư lệnh Liên khu 4”...
 
Cảm động nhất là bài “Những phút tâm tình của Tổng Bí thư Lê Duẩn với gia đình ông Nghị Các”. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng, Tết Canh Thân (năm 1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn mời gia đình của ông “Nghị Các” đến chơi. Ông “Nghị Các” chính là bố vợ của đại tá Huỳnh Thúc Cẩn. Trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Bình-Trị-Thiên thắng thế (1936-1939), đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, lấy Báo Dân làm tiếng nói của Xứ ủy nhưng dưới danh nghĩa là của nhóm “Dân biểu xã hội”. Đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo tờ báo. Ông Nguyễn Đan Quế, Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Các, Thư ký thường trực viện làm quản lý, thầy Tôn Quang Phiệt là chủ bút. Ban biên tập là Hải Triều, Bùi San, Hà Thế Hạnh… Khi tờ báo bị cấm, cả ba người chủ chốt của tờ báo bị địch bắt đi đày ở Đắc Tô-Kon Tum. Cũng vì hai chữ “ông Nghị” mà sau này trong cải cách ruộng đất, ông “Nghị Các”, chiến sỹ cộng sản bị chết oan. Kể lại câu chuyện đau lòng này, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khóc. Lúc đó, đồng chí Lê Duẩn đang còn ở trong Trung ương Cục miền Nam.  
 
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đại tá Huỳnh Thúc Cẩn về công tác tại Ban Quân sự và Bộ Đại học-Trung học chuyên nghiệp cho đến ngày nghỉ hưu. Ông tham gia viết bài về giáo dục và văn hóa quân sự. Ông đã giành được giải khuyến khích cuộc thi viết truyện ngắn về nhà giáo do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam tổ chức. Văn ông dung dị, không bóng bẩy, tiêu đề hơi dài, bút lực khỏe, giàu vốn sống, hiểu biết rộng. Năm nay, đã 92 tuổi nhưng ông vẫn viết bài đều đều gửi cho các báo. Ông nói với tôi:
 
“Đã từng cung kiếm thay nghiên bút
Nay bút nghiên cầm gác kiếm cung
Trí-Dũng-Liêm-Trung, bao thế hệ
Gương đời ghi lại để soi chung”.
 
     Hoàng Minh Đức