"Bông nắng cuối ngàn" - nỗi niềm người lính

  • 08:24 | Thứ Ba, 03/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Người lính ấy từ mặt trận trở về đã mấy chục năm rồi. Từ ngày ông cầm bút, người đọc nhận ra ở ông một tâm hồn thi ca sâu lắng, xúc động lòng người. Thái Hải viết về quê hương, về đồng đội, về những người dân nghèo lam lũ hôm qua và hôm nay với một tình yêu thương đằm thắm. 

 

Trang bìa tác phẩm  Sông Chu sông Mã gào thét/Sông Lam sông La cuộn sóng/Sông Gianh-Nhật Lệ sục sôi…". Họ là đội ngũ thanh niên xung phong "Đòn gánh quê kĩu kịt sơn hà..." làm nên những cung đường giải phóng. Thật khó mà kiếm tìm các chị, các anh bởi "máu trộn đất chiến hào ròng ròng mặt đường khát vọng… /Máu/Hóa hang lèn/Tan trong thạch nhũ triệu năm… Máu ướp/Búp tím hoa mua/Nhuộm đỏ sỏi cơm vón cục… /Từng giọt/Quặn thắt dâu rừng/Tròn xoe cánh bướm/Lững thửng đậu bay tìm hơi ấm mỏi mòn…"
 
Như tính cách của anh, ít nói, không khoa trương, bay bướm, thơ Thái Hải cũng thật kiệm lời khi viết về sự hy sinh của các chị, các anh trên những cung đường ấy. Ai đọc mà không day dứt, đau nhói nỗi niềm. Đúng là "Con đường ta đang đi/Có tình yêu và máu/Xin được chút thầm thì/Của người không còn sống…"
 
Thật đẹp khi tìm đến sự liên tưởng người lính với bông nắng suốt cuộc chiến tranh. Ai đã từng đi dọc Trường Sơn mới thấy được vẻ đẹp của con đường ra trận nở đầy hoa nắng khi ánh mặt trời xuyên qua kẽ lá rừng già. Với trường ca “Bông nắng cuối ngàn”, Thái Hải viết: "Ngày mới/Bắt đầu từ bông nắng/Những bông nắng len rừng lội thác…/Có bông nắng lặng im/Vén mây soi hình/Sợi mưa ướt dầm lau trắng…" Lại có "Bao bông nắng lịm dần rồi tắt/Lưỡi lê chạm khắc họ tên trên vách đá/Nắng ôm nắng mọc lên tiếng nấc…". Bởi thế mà với Thái Hải, "có bông nắng mọc râu/Bông nắng rụng tóc/Bông nắng vui/Bông nắng khóc/Bông nắng buồn/Bông nắng cười…". Và khi "Năm cửa ô cuồn cuộn niềm vui chiến thắng" thì với đồng đội "Muôn ngàn bông nắng ríu ran…".
 
Với "Bông nắng cuối ngàn", Thái Hải càng không dứt được nỗi niềm của những người đang sống với đồng đội ngã xuống: "Thằng sống nhớ tuổi hai mươi/Thằng chết làm sao nhớ được/Li rượu cụng vào đêm/Ta chạm hồn vía bạn…". Thái Hải có một thời máu lửa với đồng đội trên các chiến trường. Đó là những "Ngày…/Súng đạn lệch vai/Tuần dài hơn tháng/Tháng dài hơn năm…", những "Ngày…/Băng vết thương/Vuốt mắt đồng hương…". Và cũng có những ngày "Trăng già bùi ngùi cổ tích/Trăng non vỡ bụng tiếu lâm/Tiếng lính cười lăn qua chập chùng núi…".
 
Có lẽ, trong cuộc chiến, người lính ít có thời gian cho những niềm riêng. Có chăng chỉ thoáng qua là nỗi nhớ, là yêu thương, là chờ đợi…cùng đồng đội sống chết bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ… Nhưng khi chiến tranh kết thúc, hàng triệu người cởi áo lính trở về với đời thường, lúc này mới chất chứa nỗi niềm. Mỗi người một số phận và gắn liền với họ là những cuộc đời mòn mỏi đi qua chiến tranh. Đó là những người đàn bà "Tóc chờ chồng/Bạc sóng Cửu Long", người con gái "Mắt đợi người yêu đỏ Hồng Hà mùa lũ…" và cả những người hai bên chiến tuyến dìu nhau "Tìm về nơi chôn rau cắt rốn… /Ba mươi năm máu chảy ruột mềm". Họ những "bông nắng" ngày nào "Tìm về với luống cày/Nghe/Đất khóc/Thắt ruột chuyện đồng quê/Nghe/Ngao hến/Thầm thì mùa biển động/Lặn lội thân cò/Rau mưng rau má/Bánh lương khô cúng giỗ mẹ cha…"
 
Đất nước thống nhất nhưng có làng xóm "Màu khăn tang xác xơ nón lá/Rách như ngày ra đi mỗi người mỗi ngã…". Mỗi người lính được trở về là một niềm hạnh phúc nhưng cả một rừng "Bông nắng cuối ngàn" đâu được vẹn nguyên vì còn biết bao đồng đội: "Máu/Tuổi hai mươi xối xả/Năm mươi năm còn đó bạn nằm/Đêm/Đêm/Đêm/Buốt lạnh sương giăng…/Nghĩa trang Vị Xuyên biên giới không trăng/Đồng đội an nhiên ngủ…/Có tên/Không tên/Hoàng hôn tím đỏ…"
 
Trong nỗi niềm chung của người lính, Thái Hải có cái riêng da diết với quê hương đã thấm vào máu thịt. Yêu thành phố quê hương, ông đã có một trường ca "Đồng Hới khúc huyền tưởng" năm 2008. Với người đọc tưởng như đã đủ nhưng với ông vẫn như thiếu một cái gì, sâu lắng, khó gọi thành tên. Phải chăng đó là "bóng"-cái hồn vía của một vùng quê. Đó là "Lũy Thầy/Bóng chùng cửa biển", là "Ngửa mặt hồ Bàu Tró/Bốn ngàn năm đất trời hợp hôn", là "Quảng Bình quan khoan nhặt ru hời", là "Gốc bàng già chống gậy đợi sao Mai…". Bóng là ký ức tuổi thơ ùa về với ông lão 65 tuổi, tóc bạc da mồi, nắn nót bán xôi trên đường Thanh Niên.
 
Bóng là nơi ông sinh ra là "Nhà Thương mưa rào nặng hạt…/Bóng ướt đêm Mẹ thức", là "Thằng con nít ngày nào chạy xe rè trên phố", là ngày nào "Lăn cùng trái ổi/Đào dế bắt chuồn say tiếng ve ran…". Nói là phố nhưng quê ông nghèo lắm, khác nào một làng quê lam lũ: "Bước đứng bước ngồi/Cầu Ngắn cầu Dài gập ghềnh xóm nại/Lá liễu khô xao xác mặt hồ…". Người Đồng Hới hay lam hay làm: "Bàn chân trần khắc khổ/Thúc thắc bước với đời…/Vai lệch gánh hàng rong/Góc phố nghiêng nón quạt…".
 
Quê nghèo là vậy mà không thể nguôi ngoai nỗi nhớ. Nhớ "Bữa cơm trưa bóng chị hồng bếp lửa/Đàn em thơ líu ríu dọn mâm". Nhớ "Bóng lật đật/Ngậm ngùi khói bếp/Gánh bóng đêm rơi rớt mời chào…". Và rồi hơn hết, nhớ những người đã ngã xuống cho Đồng Hới đẹp: "Những Thi/những Kỳ/những Đào/những Kiếm/những Chiến/những Duy những Tài/những Sáu…". Thật buồn… "Những nỗi buồn không dám gọi tên/Những ngọn nến trường chinh lấm bụi". Nỗi nhớ, nỗi buồn cứ ủ men trong "Bóng phố/Bóng làng…/Bóng nước…/Bên cạn/Bên sâu/Năm tháng/Vẹt mòn…"
 
Đọc để cảm nhận hồn thơ thật giản dị, mộc mạc, thật rung động lòng người của một người lính đã qua thời trận mạc. Cảm ơn Thái Hải, không biết đến bao giờ mới hết cái da diết, cái nỗi niềm với "Bông nắng cuối ngàn"…
 
Phan Viết Dũng