Một thoáng nước Nga-Bài 2: Ký ức và nỗi buồn

  • 10:03 | Thứ Hai, 11/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 70 năm sau chiến tranh, nước Nga trải qua biết bao biến động. Dẫu chế độ xã hội chủ nghĩa không còn nhưng lịch sử bi hùng của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc vẫn in đậm trong lòng người Nga qua từng trang ký ức.
 
 
Năm 1942, cuộc chiến tranh vệ quốc đang ở vào giai đoạn ác liệt, quân phát xít Đức vượt sông Volga tiến về thành phố Stalingrad (nay là Volgograd). Nửa triệu người đã hy sinh trong cuộc chiến đấu kéo dài từ ngày 27-7-1942 đến ngày 2-2-1943. Chiến thắng Stalingrad đã tạo ra bước ngoặc cho cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại tiến tới đánh bại chủ nghĩa phát xít.
 
Tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, Hội kiến trúc sư Liên Xô mở cuộc thi thiết kế đài tưởng niệm và bảo tàng chiến thắng để xây dựng ngay khi chiến tranh kết thúc. Do nhiều lý do, dự án bị trì hoãn suốt 15 năm, đến năm 1958, Nhà nước Liên Xô mới khởi động lại dự án và cho đặt viên đá lưu niệm đánh dấu sẽ xây dựng trên đồi Poklonaya, một vùng đất thiêng của Matxcơva. Nhưng phải đến năm 1985, dự án mới bắt đầu xây dựng và 10 năm sau đúng kỷ niệm 50 năm chiến thắng phát xít 9-5-1995, đài tưởng niệm và Bảo tàng Chiến thắng mới hoàn thành.
 Tượng “Bi thương” trong Bảo tàng Chiến thắng.
Tượng “Bi thương” trong Bảo tàng Chiến thắng.
Tọa lạc trên ngọn đồi thiêng Poklonaya, từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy đài kỷ niệm chiến thắng mang một thanh gươm khổng lồ đúc bằng thép, ốp phù điêu bằng đồng cao 141,8m tượng trưng cho 1.418 ngày đêm khốc liệt của cuộc chiến tranh.
 
Dưới chân đồi, rừng cây bạch dương đang mùa thay lá vàng rực trong nắng. Bạch dương có thân mọc thẳng, lá thưa, vỏ trắng, cành mềm, được coi là quốc thụ của đất nước.
 
Vòng lên đồi, các cột mốc bằng đá hoa cương ghi dấu những năm chiến tranh khốc liệt mà người dân Xô Viết phải trải qua (1941-1945) đưa lối vào Bảo tàng Chiến thắng. Theo người giới thiệu, ở đây trưng bày hơn 4.000 hiện vật gốc (trong số 170.000 được lưu trữ) và hàng vạn tài liệu, tranh ảnh về cuộc chiến tranh vệ quốc. 
 
Vào tầng một, chúng tôi được đưa tới trung tâm, ở đây có gian phòng rộng lớn với tên gọi là “Ký ức và nỗi buồn”. Trước nền phông bằng đá đen nổi bật lên là bức tượng “Bi thương” bằng cẩm thạch trắng khắc họa hình ảnh người mẹ đang cúi xuống khóc con, người lính vừa ngã xuống trên chiến trường. Từ trên trần nhà, hàng vạn dây pha lê nhỏ buông xuống lấp lánh như những giọt nước mắt tiếc thương của người đang sống. 1.418 ngày đêm chiến đấu, 27 triệu người ngã xuống (trong đó có 18 triệu dân thường), có lẽ không có một đất nước nào có nỗi đau lớn như nỗi đau mà người dân Xô Viết phải chịu đựng.
 
Tiếp đến là các gian phòng giới thiệu những chiến dịch và trận đánh lớn như: chiến dịch Matxcơva, giải phóng Stalingrad, phá vòng vây ở Leningrad, trận đấu xe tăng ở vòng cung Kurks, trận đánh vượt sông Dniev và trận tấn công cuối cùng công phá Berlin. Đứng trước mô hình bức tranh 3D rộng lớn, có âm thanh, ánh chớp bom đạn, người xem như đang ở trong một cuộc chiến khốc liệt thực sự.
 
Lên tầng hai, phòng trung tâm giới thiệu các nguyên soái, tướng lĩnh đã có công trong cuộc chiến tranh vĩ đại như:  Zhukov, Vanhisepski, Timosenko... Chân dung của các tướng lĩnh là những bức tượng bán thân được đúc bằng đồng thau được đặt trên bệ đá hoa cương và phía dưới có bảng tóm tắt cuộc đời, chiến công của họ.
 
Từ tầng 2 lên tầng 3, giữa 30 bậc thềm đá cẩm thạch là một bức phù điêu trải dài như một bức thảm ở giữa là những khẩu súng bộ binh, mũ đồng, vật dụng chăn màn của người lính đã đi qua cuộc chiến tranh.
 
Ở “phòng vinh quang” trên vòm trần nhà là ngôi sao 5 cánh được đính 5 viên hồng ngọc lớn tỏa ánh sáng xuống phía dưới bức tượng người chiến sỹ Hồng quân được đúc bằng đồng nâng cao cành nguyệt quế tượng trưng cho vinh quang và chiến thắng. Xung quanh bức tường đá cẩm thạnh là biểu trưng của các thành phố thuộc Liên Xô trước đây, các phương diện quân, tập đoàn quân tham gia cuộc chiến. Đặc biệt danh sách 11.800 Anh hùng Liên Xô được khắc bằng vàng vào những tấm đá hoa cương xếp cạnh nhau như những trang sử hào hùng của cuộc chiến.
 Ngọn lửa vĩnh cửu dưới chân tường Kremlin.
Ngọn lửa vĩnh cửu dưới chân tường Kremlin.

Chiến tranh kết thúc, các đoàn quân chiến thắng trở về nhưng có hàng triệu chiến sỹ nằm lại trên các chiến trường. Người có tên, người không biết danh tính, những chiến sỹ vô danh. Để tưởng niệm các anh, khắp đất nước Liên Xô cũ đã thắp lên những "ngọn lửa vĩnh cửu" để nhắc nhở các thế hệ mai sau không bao giờ được quên.

Nhân dịp kỷ niệm 25 năm đánh tan quân đội phát xít Đức bao vây Matxcơva, ngày 3-2-1966, hài cốt của một chiến sỹ Hồng quân (không biết danh tính) hy sinh trong trận chiến bảo vệ thành phố trên xa lộ Lêningrad cách Matxcơva 41km được đặt trên cỗ xe kéo pháo tiến vào thành phố. Khi thi hài người chiến sỹ vô danh hạ huyệt dưới chân tường Điện Kremlin, một loạt súng đại bác tiễn biệt, tất cả mọi hoạt động trên toàn Liên bang Xô Viết đều dừng lại 3 phút tưởng miệm.
 
Ngôi mộ người chiến sỹ vô danh được làm bằng đá hoa cương, trên mặt được khắc dòng chữ: “Anh là chiến sỹ vô danh nhưng chiến công anh là bất tử”. Một ngôi sao năm cánh được đắp nổi cháy sáng ngọn lửa vĩnh cửu bên lá cờ chiến thắng, một chiến mũ sắt, cành nguyệt quế đều được đúc bằng đồng. Bên phải ngôi mộ, người ta đặt 10 khối đá hoa cương đỏ trong đó có chiếc lọ đựng đất của 10 thành phố anh hùng được khắc tên: Leningrad, Volgograd (Stalingrad), Kiev, Odessa, Sevastopol, Minsk, Kerch, Novorossisk, Tula và Bred như muốn nói, cả đất nước Liên Xô cũ nay là nước Nga luôn ở cạnh anh. Năm 2009, theo nghị định của Tổng thống Putin, mộ chiến sỹ vô danh Matxcơva được đưa vào danh sách di sản văn hóa-lịch sử nước Nga. 
 
Ký ức và nỗi buồn chỉ là quá khứ, đường phố Matxcơva vẫn sôi động cả trên và dưới lòng đất; trung tâm mua sắm GUM vẫn tấp nập đông vui; các nghệ sỹ vẫn đọc thơ của Puskin trên đường phố Arbat… Đó chính là sức mạnh của một nước Nga  hùng cường.
 
Phan Viết Dũng
 
Bài 3: Sankt Peterburg cổ kính