Lê Phi Long và hành trình đi tìm "căn tính"

  • 09:39 | Thứ Bảy, 09/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sinh năm 1988 tại Thừa Thiên-Huế, trải qua thời niên thiếu ở quê cha Lệ Thủy (Quảng Bình), tốt nghiệp ngành thiết kế nội thất ở Trường đại học Mỹ thuật Huế, thử sức với việc dựng trung tâm nghệ thuật ở Hà Nội và quyết định "bám rễ" ở TP. Hồ Chí Minh… - những di chuyển về địa lý xuyên suốt thanh xuân đã ghi dấu ấn sâu sắc trong hành trình đi tìm "căn tính" của nghệ sỹ thị giác (Visual Artist) Lê Phi Long.
 
Kết quả đáng khích lệ của hành trình này là hiện tại anh được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nghệ sỹ thị giác trẻ tiềm năng của Việt Nam. Phi Long chia sẻ, những tác phẩm nghệ thuật của anh có nền tảng lớn từ những tình cảm yêu thương, ngóng vọng về mảnh đất Lệ Thủy thanh bình, nơi gia đình anh an nhiên thời thơ ấu.
 
Ngày 27 tháng 10 năm 2019, Phi Long ra mắt công chúng triển lãm cá nhân "Xứ Thư Nhàn" tại Manzi và Manzi Art Space, Hà Nội. Triển lãm đánh dấu một "cột mốc" mới trong chặng đường hoạt động nghệ thuật của anh. Triển lãm trưng bày một phần của dự án "Đông Dương Lãng Du" vốn được triển khai từ năm 2016. Dự án nghiên cứu về Đông Dương những năm cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, giai đoạn ghi dấu những can thiệp sâu đậm của người Pháp lên Đông Dương.
 
"Xứ Thư Nhàn" gồm một tác phẩm sắp đặt site-specific art (nghệ thuật đặc thù địa điểm) mang tên "DALAT" và bộ tranh với tiêu đề "săn bắn như một ẩn dụ...". "DALAT" là viết tắt của từ "Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem" tiếng Latin nghĩa là "mang cho người này niềm vui, người kia sự mát lành". Series tranh "Săn bắn như một ẩn dụ..." sáng tác dựa trên ảnh và tư liệu cũ về hoạt động săn bắn tại Đà Lạt của người Pháp cũng như giới thượng lưu Việt Nam thời thuộc địa. Series tranh được vẽ bằng mực trên giấy dó theo phong cách minh họa.
Một góc của
Một góc của "Xứ Thư Nhàn".
Triển lãm là một nghiên cứu kỹ lưỡng về tư liệu với cách trưng bày đầy cảm xúc nhằm biểu đạt những thay đổi từ can thiệp của người Pháp lên phương Đông. Sau vài ngày ra mắt, "Xứ Thư Nhàn" đã thu hút sự quan tâm chú ý lớn của giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật. Tháng 1 năm 2020, trong chương trình "Tương hỗ của Village Saigon 2020", Phi Long sẽ được mời đến Cité Internationale de Art, Paris, Pháp trong vai trò một nghệ sỹ nhiệm trú tiếp tục triển khai dự án "Đông Dương Lãng Du". 
 
Hành trình đến với "Xứ Thư Nhàn" của chàng nghệ sỹ trẻ tất nhiên không yên bình như cái tên của nó. Phi Long trải lòng, thật sự anh luôn cảm thấy có lỗi vì những năm qua ít có dịp về quê trên hành trình miệt mài theo đuổi nghệ thuật. Nhưng trong anh, hai tiếng quê hương vẫn luôn là nơi trông ngóng, chốn mong về.
 
Từ thời niên thiếu ở Lệ Thủy, ý niệm "họa sỹ" đã in hằn trong tâm trí của Phi Long. Anh kể rằng, chính những bức vẽ đồng bằng Lệ Thủy, sông Kiến Giang, dãy núi Trường Sơn, làm tượng con rùa qua lời kể của mẹ, vẽ rồng-phượng qua mô tả của ông nội… là thẩm mỹ khởi đầu.
 
Sinh trong hệ thống gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng người ảnh hưởng lớn nhất đến Phi Long lại là mẹ anh. Nhiều biến cố của đời sống cá nhân, nhưng luôn nhân hậu và đảm đang, bà tin tưởng và nuông chiều những sở thích lạ kỳ của con trai mình gần như vô điều kiện. Phi Long cũng thừa hưởng từ tính cách của người dân quê hương sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu và cả quyết tâm "sắt đá" đưa giấc mơ thành hiện thực. Cũng phải kể đến những lời ngợi khen, động viên từ gia đình, thầy cô, bè bạn đã chắp cánh cho hành trình nghệ thuật của anh hiện nay. 
Nghệ sỹ thị giác Lê Phi Long.
Nghệ sỹ thị giác Lê Phi Long.
Được đào tạo bài bản về ngành thiết kế nội thất tại Trường đại học Mỹ thuật Huế, tuy nhiên, sau đó, Phi Long lại lựa chọn trở thành một nghệ sỹ thị giác. Đó là cả một khoảng thời gian dài thử thách và chiêm nghiệm với chuỗi "xê dịch" từ chương trình lưu trú của Sàn Art tại TP. Hồ Chí Minh năm 2013, Bamboo Curtain Studio tại Đài Loan năm 2015… cho đến Asian Hightway Project tại Hàn Quốc năm 2018. Thành quả chính là sự ra mắt liên tiếp các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, workshop, arttalk tại Việt Nam, Mỹ, Anh, Đài Loan, Thái Lan. Năm 2017, Long và một nhóm bạn đã sáng lập Trung tâm Nghệ thuật MOIland tại Đà Lạt. Những sự kiện và không gian nghệ thuật này đã thúc đẩy Phi Long trở thành một nghệ sỹ thị giác chuyên nghiệp. 
 
Miệt mài với những dự định cho tương lai trên hành trình giới thiệu bản thân ra thế giới, Phi Long tâm sự, anh mong muốn sẽ thực hiện một tác phẩm được xây dựng ý tưởng từ Lệ Thủy, Quảng Bình-nơi gắn liền với tuổi thơ của anh. Tác phẩm sẽ kết nối nghề rèn Hoàng Giang trong mối tương quan với lịch sử những năm cuối triều nhà Nguyễn. Qua đó, nét đặc sắc của nghề truyền thống cùng con người xứ Lệ vừa dễ gần, vừa chân tình sẽ được thể hiện qua dự án nhiều kỳ vọng này.
Mai Nhân