Sống trọn với đam mê

  • 09:27 | Thứ Ba, 01/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Yêu nghề, mến trẻ, hơn 20 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hới được biết đến là người truyền lửa nghệ thuật âm nhạc, trong đó có nhạc cụ dân tộc cho nhiều học sinh ở Nhà Thiếu nhi tỉnh. Với chị, sự tận tình truyền dạy cho các em không chỉ thỏa mãn niềm đam mê của bản thân mà chị luôn mong muốn những giá trị của văn hóa truyền thống, các loại nhạc cụ dân tộc sẽ được lưu giữ, phát triển cho mai sau.
 
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là nghệ nhân đàn nguyệt, mẹ giỏi đàn mandolin nên từ nhỏ những âm thanh trong trẻo, ngọt ngào đã có sức cuốn hút đặc biệt đối với chị.
 
Những năm ngồi trên ghế nhà trường, Minh Hới luôn là hạt nhân trong các phong trào văn hóa, văn nghệ và được tuyển chọn vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). 
 
Sau khi tốt nghiệp, chị lập nghiệp ở Hà Nội rồi sau đó trở về quê nhà và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Chị tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho cho các cô giáo phụ trách lĩnh vực âm nhạc ở các trường học, chủ yếu là bậc học mầm non; xây dựng các chương trình biểu diễn văn nghệ quần chúng cho các cơ quan, đơn vị và đào tạo, bồi dưỡng tài năng âm nhạc cho thế hệ trẻ ở Nhà Thiếu nhi tỉnh.
 
Chị kể, những năm đầu mới thành lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng Nhà Thiếu nhi tỉnh đã quan tâm đến việc bồi dưỡng năng khiếu cho các em học sinh. Ngoài dạy dàn organ, đàn tam thập lục, luyện thanh nhạc cho các em thiếu nhi, chị còn tích cực tìm tòi, sáng tạo để xây dựng các chương trình biểu diễn có chất lượng nghệ thuật cao, góp phần cùng đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà Thiếu nhi tỉnh gặt hái nhiều kết quả đáng tự hào, nhất là việc đào tạo các bộ môn nhạc cụ dân tộc.
 
Từ sự nỗ lực của chị Hới và các giáo viên phụ trách lĩnh vực âm nhạc, Câu lạc bộ Nhật Lệ Xanh, câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc của Nhà Thiếu nhi tỉnh luôn gặt hái được nhiều thành tích xuất sắc trong các liên hoan nghệ thuật khu vực và toàn quốc. Nhiều tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các em đã mang về cho Nhà Thiếu nhi tỉnh những giải thưởng quan trọng, tạo ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem.
Cô giáo Minh Hới và những học sinh đang theo học các bộ môn âm nhạc của Nhà Thiếu nhi tỉnh
Cô giáo Minh Hới và những học sinh đang theo học các bộ môn âm nhạc của Nhà Thiếu nhi tỉnh
Nói về việc đào tạo nhạc cụ dân tộc trong đó có bộ môn đàn tam thập lục mà chị đam mê, chị chia sẻ: Học nhạc cụ dân tộc với người lớn đã khó, trẻ em lại càng khó khăn hơn. “Làm sao để các em cảm thụ rồi say mê?” là câu hỏi mà chị và mỗi giáo viên đứng lớp đều trăn trở.
 
Không chỉ truyền dạy, chị luôn tạo sự gần gũi, thân mật với học sinh như một người mẹ, người bà, động viên, khích lệ để các em cố gắng theo học. So với các bộ môn khác, nhạc cụ dân tộc rất ít người tham gia nhưng với quyết tâm bảo tồn, phát huy các giá trị của âm nhạc truyền thống, cán bộ, giáo viên Nhà Thiếu nhi tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các em khi theo học như: miễn học phí, đầu tư mua sắm đầy đủ các loại nhạc cụ…
 
Nhờ vậy mà nhiều năm qua, Nhà Thiếu nhi Quảng Bình được biết đến là một trong những địa chỉ đào tạo, bồi dưỡng các tài năng về nhạc cụ dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh.
 
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Minh Hới không nhớ hết mình đã đào tạo bao nhiêu học sinh bởi cứ hết khóa học này, chị lại tiếp tục với khóa học mới. Hạnh phúc lớn nhất của chị là được chứng kiến ngày càng nhiều học sinh của mình khôn lớn, trưởng thành ở các môi trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.
 
Tiêu biểu là em Hoàng Viết Danh, giải nhất liên hoan tiếng hát truyền hình Quảng Bình (giải Sao Mai 2013) hiện đang công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi lần có cơ hội gặp lại học trò cũ, nghe trò ôn lại những kỷ niệm xưa, chị lại thấy sự nỗ lực của mình đã được đền đáp xứng đáng và đó là động lực để chị sống trọn vẹn với tình yêu âm nhạc, tình yêu dành cho trẻ em của mình.
 
Tận tâm với công việc, được đồng nghiệp và học sinh yêu mến song chị không nhận về mình những lời khen mà cho rằng, mỗi thành công đều bắt nguồn từ sự nỗ lực của một tập thể. Nhà Thiếu nhi tỉnh có được những thành tích đáng tự hào là bởi nơi đây có những cán bộ, giáo viên vững về chuyên môn, nhiệt tình với công việc và cả những học sinh có năng khiếu thực sự. Các em được gia đình tạo điều kiện, được thầy cô tiếp sức, động viên và đó là nền tảng để các em vươn xa hơn trên con đường nghệ thuật mà các em đã chọn…
 
“Cô Nguyễn Thị Minh Hới đã bằng niềm đam mê để truyền lửa tình yêu nghệ thuật đến với học sinh. Không chỉ truyền dạy, bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh cô còn định hướng thẩm mỹ âm nhạc để các em có kiến thức cơ bản về âm nhạc Việt Nam. Từ đó, khơi mở, hun đúc tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Cô còn truyền cảm hứng cho chúng tôi bằng tinh thần làm việc hăng say, quên tuổi...”, bà Hà Thị Bình, Giám đốc Nhà Thiếu nhi Quảng Bình nói về người đồng nghiệp của mình như thế.
 
                                                                   Nhật Văn