Nông thôn mới trong sáng tạo văn học nghệ thuật - Kỳ 2: "Lăng kính" phản ánh nông thôn mới

  • 09:06 | Thứ Hai, 21/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để nông thôn mới được phản ánh chân thực, toàn diện và đẩy đủ qua "lăng kính" của văn học nghệ thuật không phải là việc dễ dàng. Bởi, đó là sự kết hợp giữa tài năng, tâm huyết của người nghệ sỹ cùng với các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" khác. Nhưng trên tất cả, vẫn rất cần một môi trường dung dưỡng đủ đầy, một sân chơi đủ sức kích thích sáng tạo và cả sự rộng mở của cộng động yêu mến nghệ thuật. Có như vậy, văn học nghệ thuật mới thực sự phản ánh chân thực đời sống thực tiễn, khắc họa thành công một cuộc "lột xác" của nông thôn Quảng Bình.
 
 
Theo họa sỹ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh), cũng như nhiều mảng đề tài khác, mảng đề tài về nông thôn mới chưa có sân chơi thật sự lớn để các tác giả thỏa mãn sáng tạo. Vẫn có những cuộc phát động, vẫn có những chính sách ưu tiên nhưng đây là đề tài khó thể hiện được cá tính trong sáng tạo nên các nghệ sĩ ít lựa chọn.
 
Từ năm 1999 đến nay, Quảng Bình không tổ chức triển lãm mỹ thuật cấp tỉnh. Mong muốn của giới mỹ thuật Quảng Bình là tổ chức triển lãm mỹ thuật sau nhiều năm, có thể theo chủ đề, chủ điểm bám sát thực tiễn. Tỉnh nên quan tâm tạo điều kiện cho Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh tổ chức. Hiện nay, giải thưởng thường niên đã bị cắt, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện để triển khai xét giải hàng năm. Trong đó, cần ưu tiên xét các tác phẩm phản ánh quê hương đất nước, đời sống nông thôn mới…, qua đó, sẽ tạo động lực cho nghệ sỹ lựa chọn đề tài này.
Tác phẩm về nông thôn mới thành công của NSNA Hoàng An
Tác phẩm về nông thôn mới thành công của NSNA Hoàng An "Chung tay xây dựng nông thôn mới".
"Tất nhiên trong thời gian tới, thực sự cần có một suộc vận động quy mô, có trưng bày triển lãm, có giải thưởng cấp tỉnh (chẳng hạn), các nghệ sĩ chắc chắn sẽ tham gia tích cực hơn. Vấn đề hiện nay chủ yếu là họ tự thân sáng tác, nên chúng ta không thể đòi hỏi hay yêu cầu họ vẽ đề tài nào. Đồng thời, cần có những cuộc gặp gỡ, trao đổi, thậm chí phát động hoặc đặt hàng cho các nghệ sỹ. Chúng ta cần quan tâm đến tác phẩm có chất lượng của các nghệ sỹ (về các đề tài, trong đó có đề tài nông thôn mới). Tỉnh cần có chính sách sưu tầm các tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và tư tưởng cao nhằm lưu giữ trong bảo tàng, hoặc treo ở các tòa nhà, trụ sở hành chính cấp tỉnh, sở, ban, ngành… Có như vậy, thì không cần phát động, các họa sỹ vẫn hăng say đầu tư sáng tác. Vấn đề không phải vì kinh phí, mà là ở chỗ tác phẩm họ vẽ ra gần như chúng ta không quan tâm. Để có tác phẩm tốt, họ cần đầu tư cả trí tuệ lẫn vật chất, cần có sự “trả công” xứng đáng, bằng cách sưu tập tác phẩm (về một số đề tài mang tính xã hội cao)", họa sỹ Nguyễn Lương Sáng chia sẻ thêm.
 
Đối với lĩnh vực nhiếp ảnh, nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng An cho hay, nhiếp ảnh Quảng Bình có nhiều lợi thế triển khai mảng đề tài nông thôn mới, nhưng lại thiếu sân chơi để tập hợp các tay máy chuyên nghiệp sáng tác chuyên sâu về đề tài này. Để mảng đề tài nông thôn mới được phong phú và thực sự đi sâu vào phản ảnh nông thôn mới, Quảng Bình cần tổ chức các cuộc thi chuyên đề và nên giao cho Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh phối hợp với các báo, tạp chí trong tỉnh đồng phát động và tổ chức.
 
Tương tự như vậy, tác giả Trác Diễm cũng mạnh dạn đề xuất, Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh có thể tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày cho hội viên về đề tài nông thôn, nông dân; mời một số nhà văn nổi tiếng, có kinh nghiệm về đề tài này để trao đổi kinh nghiệm; đi thực tế "truyền lửa" cho nhau… Tạp chí Nhật Lệ có thể mở cuộc thi truyện ngắn, bút ký về đề tài nông thôn mới…, tất cả đều nằm trong tầm tay của tỉnh và của Hội.
 
Nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh cũng chia sẻ quan điểm, trên thực tế, Hội cũng thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên phát triển năng lực sáng tạo trên tất cả mọi mảng đề tài, trong đó có nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Các trại sáng tác thường niên của Hội cũng rất khuyến khích các đề tài về nông thôn mới. Trước thực tế khan hiếm các tác phẩm hay về nông thôn mới như hiện nay, Hội Văn học-Nghệ thuật rất mong muốn sẽ có sự hỗ trợ kinh phí để triển khai các hoạt động góp phần "kích hoạt" sự sáng tạo của văn nghệ sỹ đối với mảng đề tài này, như: tổ chức cuộc vận động sáng tác, triển lãm, tập huấn, bồi dưỡng, trại sáng tác…
 
Chính vì vậy, sự chung sức của các ban, ngành, đoàn thể là rất cần thiết. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, bởi điều quan trọng hơn cả chính là sự nỗ lực, tâm huyết, bền bỉ, chuyên tâm gắn bó với mảng đề tài nông thôn của mỗi một cá nhân nghệ sỹ. Chính họ phải là người thực sự dấn thân, thấu hiểu và nắm rõ từng "ngóc ngách" của đổi mới nông thôn hiện nay như một trách nhiệm tự thân. Có như vậy, những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh nông thôn mới thực sự "chạm" trái tim công chúng.
 
                                                                                                Mai Nhân