Nông thôn mới trong sáng tạo văn học nghệ thuật

  • 09:07 | Chủ Nhật, 20/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới được triển khai gần 1 thập kỷ qua trên khắp các vùng quê Quảng Bình, tạo ra những đổi thay tích cực, góp phần "khoác áo mới" cho diện mạo nông thôn. Tuy nhiên, dường như đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà vẫn còn khá xa rời mảng đề tài này, minh chứng là vẫn chưa có nhiều tác phẩm chất lượng, ấn tượng, đủ sức tạo dư luận xã hội. Đây là thực tế buồn bởi văn học nghệ thuật nên là sự phản ánh đầy đủ, toàn diện mọi góc cạnh nhất của con người, làng quê trong sự tiếp biến giữa cũ-mới.
 
Kỳ 1: Vắng bóng tác phẩm văn học nghệ thuật về nông thôn mới
 
Đúng như nhận xét của Chủ tịch Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh, nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, 10 năm qua, các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh lộ trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình dường như quá ít ỏi. Không chỉ thiếu vắng các nhân vật điển hình, câu chuyện đặc sắc…, mà ngay cả những tác phẩm mang tính phản biện, tạo dư luận xã hội cũng rất hiếm gặp. Đâu là nguyên nhân của sự thiếu mặn mà này?
 
Hiếm có một tác giả trẻ nào lại "hừng hực" sức sáng tác như Trác Diễm. Gia nhập văn đàn mới từ năm 2010 với cuốn tiểu thuyết đầu tay "Hồn lau trắng", Trác Diễm đã kịp gối đầu 3 tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn, chưa kể hệ thống các truyện ngắn viết cho các tạp chí, sách, báo chuyên ngành. Và tất nhiên, những đổi thay ở nông thôn luôn là đề tài hấp dẫn nữ tác giả trẻ. Theo Trác Diễm, nông thôn Quảng Bình có nét rất riêng so với các tỉnh khác và thời gian gần đây cũng có nhiều đổi mới, người nông dân biết làm du lịch, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thực sự đổi thay diện mạo. Năm 2020, Trác Diễm sẽ cho ra mắt độc giả hai tập sách. Tiểu thuyết "Giấc hạc" viết về những người trẻ tuổi đang dấn thân lập nghiệp, xây dựng quê hương bằng những đóng góp về văn hóa nghệ thuật thông qua những tác phẩm hội họa, âm nhạc. Tập truyện ngắn “Mùa hoa bỏ lại” tập hợp các truyện đã in trên các báo viết về những mảng màu khác nhau của cuộc sống và trong đó, đề tài về nông thôn chiếm ưu thế, nhấn mạnh về phát triển du lịch cộng đồng và phát huy các giá trị văn hóa của mỗi vùng miền.
<img alt=" Tác phẩm " Đường="" mới="" về="" bản="" "="" của="" nsna="" hoàng="" an.="" itemprop="image" data-cke-saved-src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201910/original/images654598_18092141785da3010c6c6aDuongMoiVeBan_Ho_ngAn_3568copycopy.jpg" src="https://baoquangbinh.vn/dataimages/201910/original/images654598_18092141785da3010c6c6aDuongMoiVeBan_Ho_ngAn_3568copycopy.jpg" style="width: 734px; height: 489px;">
Tác phẩm "Đường mới về bản" của NSNA Hoàng An.
Trác Diễm là một trong những tác giả văn học hiếm hoi của Quảng Bình dành sự quan tâm đối với nông thôn mới, bởi trên thực tế, như bà Trương Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, các tác phẩm văn học viết về nông thôn mới đã ít ỏi, thì các tác phẩm chất lượng cao, phản ánh đầy đủ, toàn diện về lộ trình xây dựng nông thôn mới, tạo được hiệu ứng cao trong xã hội lại càng vắng bóng hơn.
 
Nhiếp ảnh có lẽ là lĩnh vực được "hưởng lợi" nhiều nhất từ xây dựng nông thôn mới. Theo nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng An, nhiếp ảnh Quảng Bình rất lợi thế về đề tài này với nhiều tác phẩm nổi bật đạt giải tại các cuộc thi trong nước, khu vực, như: "Nốt nhạc xuân" của NSNA Đức Thành, "Tầm cao mới" của NSNA Võ Xuân Bé, " Gái Thượng Phong" của NSNA Thành Vương…
 
"Tôi yêu quê hương qua từng góc nhỏ của làng quê, nên đa số tác phẩm của tôi chụp về nông thôn, nông nghiệp, nông dân. Tôi chụp hàng ngày từng nét đổi mới của quê hương, phản ảnh chân thật, sinh động về thực tiễn cuộc sống của người dân. Tôi cũng may mắn đạt nhiều giải thưởng cao về đề tài nông thôn mới, trong đó, tiêu biểu và ấn tượng nhất là tác phẩm "Chung tay xây dựng nông thôn mới"", NSNA Hoàng An tâm sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các NSNA chưa có sân chơi để tập hợp các "tay máy" chuyên nghiệp sáng tác chuyên sâu về đề tài này. Các tác giả thường xuyên sáng tác theo ngẫu hứng và tùy thích cá nhân. Cho nên, không ít tác phẩm về nông thôn mới còn hạn chế về chất lượng, chưa thực sự đi sâu, đi sát với nhiều khía cạnh xây dựng nông thôn mới.
 
Đối với mỹ thuật, thực trạng chung cũng tương tự như văn học và nhiếp ảnh. Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh) chia sẻ:" Mỹ thuật Quảng Bình khá xa rời mảng đề tài về nông thôn mới và đây cũng là điều trăn trở của anh em mỹ thuật Quảng Bình. Chúng tôi cũng thường xuyên động viên các nghệ sỹ sáng tác mảng đề tài này. Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đưa đề tài xây dựng phát triển đất nước, đổi mới nông thôn vào xét tài trợ kinh phí sáng tác hàng năm thông qua các kỳ triển lãm khu vực, nhưng Quảng Bình vẫn thiếu vắng. Ở Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam có CLB sáng tác về xây dựng nông thôn mới, các nghệ sỹ lập nhóm đi thực tế sáng tác và triển lãm. Họ có rất nhiều tác phẩm đẹp. Ở chúng ta, điều đó chưa thực hiện được".
 
Để sáng tác gần gũi và phản ánh đúng thực tế cuộc sống, cần có những đợt thực tế sáng tác dài ngày và chuyên sâu. Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh cũng tổ chức một số đợt thực tế sáng tác, nhưng thường đi ngoại tỉnh, hay ngắn ngày hoặc di chuyển quá nhiều, nghệ sĩ khó nắm bắt được cái hay của nội dung đề tài. Ban sáng tác trẻ Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh mấy năm qua cũng đã tổ chức thực tế nông thôn, vùng biển, dân tộc miền núi nhưng số lượng tham gia ít, chưa tâm huyết và ít suy tư để xây dựng tác phẩm. Việc thiếu tư liệu cũng là một trở ngại trong sáng tác đề tài này.
 Tác phẩm
Tác phẩm "Gái Đại Phong" của NSNA Thành Vương là một trong những tác phẩm nhiếp ảnh nổi bật về quê hương Quảng Bình
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng trải lòng, câu hỏi đặt ra là vậy nông thôn xung quanh ta có vẽ được không? Tất nhiên là có. Nhưng cuộc sống mưu sinh cũng đã buộc họ ít quan tâm tới những chuyển động xung quanh. Áp lực gia đình, kinh tế, công việc đã lấy đi nhiều tâm sức. Chính những áp lực đó mà họ thường chọn tự sự cá nhân để giải bày thành tác phẩm. Tiếp đến là sáng tác đề tài này dễ thành tranh nhưng khó thành tác phẩm xuất sắc. Vì dễ bị trở thành bài học, vẽ hời hợt chung chung, không thể hiện cái hay của từng địa phương, từng chủ đề… Ở Quảng Bình cũng có một số họa sĩ thường vẽ đề tài này, nhưng đáng tiếc tạo hình không có sự mới lạ. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động có nét khởi sắc hơn, như : Lê Anh Tân, Lê Thuận Long..., với khá nhiều tác phẩm về đề tài nông thôn. Nhưng vì tranh cổ động nên chủ yếu là trưng bày chuyên đề, các cuộc vận động… 
 
Tóm lại, theo như nhận định của nhà điêu khắc Phan Đình Tiến, mặc dù Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh rất nỗ lực triển khai nhiều hoạt động, vận động sáng tác các mảng đề tài, trong đó có nông thôn mới, nhưng trên thực tế, các tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh nông thôn mới vẫn rất hạn chế. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, như: chưa có cuộc vận động sáng tác mang đúng tầm, thiếu kinh phí triển khai các hoạt động…, còn có những nguyên nhân chủ quan, như: nguồn nhân lực trẻ trong sáng tạo văn học nghệ thuật còn hạn chế, sự thiếu quan tâm của một số đơn vị, ban, ngành, nhất là sự phối kết hợp giữa Hội và các đơn vị, ban, ngành này còn rất lỏng lẻo, hạn chế… Đáng chú ý, nhiều văn nghệ sỹ chưa thật sự tâm huyết, quan tâm đến đề tài này, chưa xem đây là nhu cầu tự thân, chưa thực sự hòa mình vào cuộc sống nông thôn để thấu hiểu, sáng tạo.
                                                                                                Mai Nhân
 
Kỳ 2: "Lăng kính" phản ánh nông thôn mới