Malaysia... Một góc nhìn khác - Bài 2: Thuốc lá, rượu và... môi trường

  • 09:19 | Thứ Hai, 28/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thủ đô Kuala Lumpur… buổi tối của những ngày tháng 10. Thỉnh thoảng có vài cơn giông dội xuống, đường phố loáng nước, sạch trong tựa những tấm gương phẳng. Nếu ở Malaysia và Singapore là 19 giờ tối thì tại Việt Nam chỉ mới 18 giờ, chênh nhau một tiếng đồng hồ. Đêm ở Kuala Lumpur rất sôi động, quán xá và các trung tâm thương mại sáng rực ánh đèn.
 
 
Từ máy bay nhìn xuống đất nước Malaysia, chúng tôi thấy ngoài những khu đô thị với nhiều tòa nhà cao chọc trời thì các vùng còn lại là những thảm xanh của rừng, cây cối, đặc biệt là cây cọ dầu.
 
Theo Johnny, người tài xế vui tính phục vụ đoàn, cây cọ dầu có nguồn gốc từ châu Phi. Năm 1860, thương nhân mang hạt giống từ Sri Lanka du nhập vào bán đảo Mã Lai. Hiện tại, Malaysia có diện tích rừng cọ dầu lên đến 5,7 triệu ha phân bố trên một diện tích khoảng 20.000km2. Càng đi sâu về phía nam đất nước, rừng cọ dầu càng trải rộng ra mênh mông hơn.
 
Trước khi đến Malaysia, chúng tôi được khuyến cáo không nên mang theo thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn khi nhập cảnh vào đất nước Hồi giáo này. Rượu, thuốc lá cũng hạn chế với số lượng rất ít ỏi. Tại điểm công cộng, trường học, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, phi trường, nhà ga… trên các bức tường ở những nơi dễ nhận biết nhất đều dán biển cảnh báo “No, smoking!”. Và là một sai lầm tai hại nếu bạn không tuân thủ. Sẽ có một mức xử phạt thật nặng nếu chúng ta hút thuốc ở khu vực này.
Một tuyến phố đi bộ ở Malaysia.
Một tuyến phố đi bộ ở Malaysia.

Với rượu bia và đồ uống có cồn, Chính phủ Malaysia không khuyến khích người dân sử dụng nhiều ở những nơi công cộng, nhà hàng, quán ăn… Tuy nhiên, với người nước ngoài, dường như vẫn có thể “lách luật”, dùng vài ly "rượu đế” hay chai bia trong mỗi bữa ăn. Nhưng để có thể sử dụng được, bắt buộc bạn phải đóng một khoản “lệ phí” bất thành văn khi mang rượu theo vào nhà hàng. Mức phí 50 ringgit cho 0,5 lít rượu (khoảng 300 nghìn VND), 150 ringgit cho 1 lít rượu (900 nghìn VND). Mức phí đắt đỏ như thế, nhiều lúc du khách quyết định sử dụng rượu trắng tại quán cũng là lựa chọn sáng suốt với mức giá khoảng 500 nghìn VND/chai 0,7 lít.

Đạo Hồi có quy định ngặt nghèo về việc uống rượu bia, cấm các tín đồ sử dụng đồ uống có cồn dưới mọi hình thức. Người vi phạm sẽ bị phạt đánh roi nêu gương, hình phạt này tồn tại ở các bang Pahang, Perlis và Kelantan… hoặc bị phạt tiền tại tất cả các bang còn lại. Vì những điều cấm kỵ, luật tục tôn giáo nên hầu như toàn bộ người Malaysia theo Hồi giáo đều không uống rượu, bia. Trong cộng đồng cư dân Malaysia, tỷ lệ sử dụng nước uống có cồn của người Mã Lai gốc Hoa là 27,5%; với cộng đồng người gốc Ấn Độ 18,8%; người Việt là 11,3%. Đây là số liệu trích dẫn từ nghiên cứu của Viện Sức khỏe quốc gia Malaysia mà chúng tôi tiếp cận được.
 
Đêm đầu tiên ở Kuala Lumpur, tình cờ chúng tôi gặp gỡ một Việt kiều mở quán ăn đêm ngay phía dưới tầng một khách sạn chúng tôi lưu trú. Xứ người gặp nhau mừng lắm. Chủ quán là bà Phạm Thị Lệ, 51 tuổi, quê quán tỉnh An Giang, sang Malaysia năm thứ 13. Trong quán bà Lệ có bán bia. Mỗi chai bia Carlsberg hay Heineken đều đồng nhất giá bán từ 20 đến 21 ringgit (khoảng 120 đến 130 nghìn VND). 
Một góc quảng trường ở thủ đô Kuala Lumpur, quảng trường không khói thuốc.
Một góc quảng trường ở thủ đô Kuala Lumpur, quảng trường không khói thuốc.

Trở lại với câu chuyện thuốc lá, sau những ngày ở Kuala Lumpur, chúng tôi tiếp tục di chuyển về thành phố cổ Malacca (hay còn gọi Melaca) thủ phủ bang Malacca, cách thủ đô 150km.Đêm ở thành phố Malacca, chúng rôi rủ nhau xuống phố cổ, vừa khám phá, vừa tìm mua thuốc lá, bởi gói thuốc lá 19 điếu chúng tôi mang từ Việt Nam sang nay đã không còn.“Where do i want to buy cigarettes?”-vận dụng chút tiếng Anh ít ỏi, chúng tôi hỏi một người dân bản địa về địa điểm mua thuốc lá và nhanh chóng nhận được câu trả lời khá chỉnh chu: “At the Chinese Village in the west of the city, you'll find places to sell cigarettes!” (Nơi phía tây thành phố, tại ngôi làng của người Hoa, sẽ tìm mua được thuốc lá). Hóa ra, bắt gặp một người Mã Lai gốc Hoa.

Phía tây Malacca đúng thật có một “làng Trung Hoa” với những ngôi nhà cổ bé nhỏ dọc lối đi đầy trầm tích văn hóa xưa cũ. Trước cửa mỗi nhà đều có treo đèn lồng đỏ. Phố của người Hoa trông thật giống với phố cổ Hội An ở Việt Nam, không khí rất trong lành. Bạn có thể chạm tay lên những bức tường nhà cũ kỹ, bàn tay không vương chút bụi đường.
 
Năm 1409, một viên quan triều Minh tên Trịnh Hòa đến Malaysia và lập ra khu phố người Hoa trên những ngọn đồi gọi là đồi Trung Hoa (Bukit China). Trải qua giai đoạn lịch sử dài, khu vực này trở thành nghĩa địa độc nhất vô nhị chôn cất ngươi Hoa, số lượng lên đến 12.000 ngôi mộ. Đây được xem là nghĩa địa lớn nhất trên thế giới của người Hoa hải ngoại.
 
Tại phố Trung Hoa, chúng tôi cuối cùng cũng mua được thuốc lá, trong một vài quầy tạp hóa “đếm trên đầu ngón tay” có bày bán thuốc. Không mặn mà kinh doanh, sử dụng thuốc lá, nên các tủ thuốc lá bé nhỏ thường khuất sâu sau góc phòng, người mua chủ yếu là du khách nước ngoài. Người mua thuốc lá bắt buộc phải thanh toán bằng tiền ringgit, không chấp nhận “quẹt thẻ” hay USD hoặc VND. Giá mỗi gói thuốc từ 20 đến 70 ringgit ( từ 120 nghìn đến 420 nghìn VND).
 
Dù chưa thể ngang bằng với quốc gia láng giềng Singapore, nhưng từ những câu chuyện nhỏ, bình dị nhất như kiểm soát, buôn bán, sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn và thuốc lá…, đã góp phần bảo vệ môi trường sống, xây dựng hình ảnh đất nước Malaysia văn minh, thân thiện, đáng sống!
                                                                                                    Ngô Thanh Long
 
Bài 3: Người Việt trên đất nước Malaysia.