Ký ức ao quê

  • 07:12 | Thứ Sáu, 18/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ấn tượng nhất của tôi với ao quê là chiếc cầu ao bằng tre. Một đầu bám thật chắc vào đất, một đầu mở ra với sóng nước, với lấp lánh trăng, với chấp chới nắng, với lúng búng tiếng cá đớp mồi, với lấm tấm những chùm hoa lộc vừng và lao xao bóng tre như muốn chải mái tóc làng quê vào chiếc gương trời sóng sánh.
 
Cầu ao là nơi mẹ ta đi cấy về thong thả chao chân rửa đôi quang gánh, gánh mạ. Chị ta vớt những đám bèo, vớt lên cả những đám mây mắc cạn. Và hơn một lần chị tần ngần khi nhìn những vòng sóng giao thao mà bất chợt gió trời tung trẩy. Sóng của ao hay sóng trong lòng của cô gái đến tuổi dậy thì. Chiếc cầu ao cũng là chiếc cầu nhảy cho đám trẻ tập bơi những buổi trưa hè. Ao như vòng tay ôm tuổi thơ vào lòng thật tin cậy và mềm mại. Ơi những chú cá trắm, cá trê,.. da nhẩy bóng cứ ăn những phù du trong nước, hít thở khí trời trong lành, có tấm dù ao bèo che chở, cứ thế trùi trũi lớn lên săn chắc...
 
Hàng khoai nước cạnh mặt ao là nơi dạo chơi lý tưởng của mấy chú rô ron, cá cờ thích tung tăng bơi lội. Đám trẻ con chúng tôi biết rõ điều đó liền sắm cho mình những cái vợt, cái vó con xinh xắn hay những cái cần câu để bắt cá về thả vào bệ, vào lọ thủy tinh làm đồ hàng. Những đêm vắng có mưa rào, vọng lại từ phía mặt ao quê tiếng “ếch học bài”, tiếng chẩu chàng ọp ạp. Những chú ếch con bé xíu như đầu ngón tay như vừa mới ra đời, khi thì ngồi trên những chiếc lá khoai nước, khi thì nhảy lên bờ, nghe tiếng động liền phi ngay xuống nước.
 
Ao quê còn gắn với một loại rau tên mang dáng dấp của người nông dân đó là rau cần. Loại rau này được trồng khi bố tôi tháo cạn nước ao để bắt cá, khi lòng ao chỉ còn lại lớp bùn non mượt. Rễ rau cần từng chùm, thân trắng muốt, lá mềm mại, tươi lành phủ kín mặt ao. Mùa rau cần đi qua cũng là lúc những đợt mưa xuân lất phất rắc lên cảnh êm đềm của làng quê những đọt mưa, đọt lộc. Mặt nước ao giờ đây lại ắp đầy, trong vắt. Hàng lộc vừng thích nước ngã vào lòng ao từng tràng pháo hoa nở bung, rải những thảm hoa vào nước. Lá khoai nước bên mép bờ ao giờ lại trổ ra những tàu lá xanh mỡ màng, phủ một lớp lông tơ mịn mượt.
 
Trong thi ca Việt Nam, ao quê là niềm cảm hứng khoanh vùng lại miền ký ức trong mỗi tâm hồn con người. Bởi, ở đó ta được ký thác bao buồn vui, bao nỗi niềm để ngỏ viền lại trong ta những thương nhớ dập dềnh. Ao quê như một tờ giấy thấm ngấm bao vòng sóng giao thoa chìm nổi khôn nguôi nhưng chắc chắn ở đó, ta được định vị một chốn yên lành dù có sâu, có vơi, có đầy, có cạn. Câu cá ở ao quê ta câu cả bóng mình, hồn vía của mình. Chiếc phao ngô hồi hộp chút mồi giun rập rình cũng đủ làm náo nức trong ta. Có khi mắc cá, có khi mắc cả những đám mây lững lơ nhẹ bẩng. Ao quê không bao giờ là đáp số số không, mặc dù là hình tròn. Bởi, ta câu được cả những ký ức một thời và mãi mãi.    
 
Bốn mùa đi qua, ao quê khi đầy, khi cạn nhưng không bao giờ vơi tình làng, nghĩa xóm. Ao là chứng nhân của một thời, một đời bao buồn vui khỏa lấp. Nhưng lại viền vào ta nỗi canh cánh thường trực, cái ám ảnh một thời của ông Tú Xương: “Bỗng nghe tiếng ếch bên tai/Giật mình cứ ngỡ tiếng ai gọi đò” (Sông lấp). Ao quê giờ còn lại rất ít. Cái nhiệt kế điều hòa của lá phổi làng giờ bị lấp đi để lấy đất xây nhà tầng, xây những chóp nhọn. Bỗng có lần, tôi trèo lên gác thượng mà người cứ chênh chao như ngỡ mình đang ngồi trên mặt ao quê ngày nào mà nghe tiếng bong bóng nổi chìm nổ bung hoa mắt. Lòng cứ nghèn nghẹn lại…
Nguyễn Ngọc Phú