Em là cô giáo cắm bản

  • 14:31 | Thứ Bảy, 26/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Trời trưa trật… Sau đận lũ vây dài ngày, nắng vàng ức ẩy khó chịu không thể tả được. Tôi ngước nhìn con dốc cao phía trước mặt, nghe đôi chân cảm giác chùn chùn. Đường đi vô vùng Lòm ở xã miền núi Trọng Hóa của huyện vùng cao Minh Hóa chênh chao trong nắng lóa. Sau lũ tràn, sau mưa xối xốc, con đường độc đạo cắt rừng trơ trốc đá sỏi, nhiều đoạn sạt lở nặng nề.
 
Đang ương ương dở dở lựa chọn cho mình giải pháp đi tiếp hay quay lại thì thoáng nghe rì rì giữa núi rừng tiếng động cơ xe máy. “Có cứu tinh rồi!”-trong đầu tôi đầy hoan ca. Khoảng năm phút sau, cứu tinh xuất hiện thật, một người phụ nữ che kín mặt, dáng người khó đoán định tuổi tác dừng xe lại sát tôi. “Anh gì ơi, đi mô rứa, giữa nắng trầy trật?”. Tôi bảo mình vào công tác tại vùng Lòm, xe hỏng giữa đường, chưa biết tính toán ra làm sao. “Rứa anh lên xe máy, em chở. Em cũng đi vào Lòm”.
 
Ừ, thì lên! Chiếc xe máy thêm người, tiếng máy uất uất vì nặng… bò ngược dốc dựng dứng, bên vách núi đá nham nhở, bên vực sâu hút mắt trực chỉ vùng Lòm.
Đường vào bản Lòm
Đường vào vùng Lòm
2. “Em là cô giáo cắm bản. Bản cũng gần Si Lòm. Ráng ôm em chặt, đường khó đi. Người mới từ xuôi lên chẳng quen khó, quen khổ, không khéo rớt khe, rơi suối!”- lời nói nửa đùa nửa thật chen tiếng cười giòn tan. Ừ, thì ra cô giáo cắm bản. Cô giáo của những đứa trẻ người Mày, người Khùa ở các bản làng hun hút sâu quanh chân núi Giăng Màn. Mấy chục bản làng là mấy mươi cô, thầy cắm bản dạy chữ.
 
“Vùng Lòm bị lũ cô lập, đường tắc, em phải ở lại với bà con mất gần chục ngày. Đường thông, tranh thủ về thăm nhà, thăm chồng con. Chủ nhật lên lại điểm trường, kịp chuẩn bị mai tuần học mới”. “Cô giáo người ở đâu?”-Tôi hỏi. “Đồng Lê anh!”. Thị trấn Đồng Lê… cách điểm cô giáo dạy học cả trăm cây số, lại thân gái dặm trường, mỗi tuần hai vòng đi về? “Dạ anh! Đã chín năm ni rồi, chừ cũng quen. Những ngày đầu mới nhận công tác, lạ nước, lạ cái, lạ người, lạ học trò…, khóc hết nước mắt, muốn bỏ ngang chừng. Thương nghề, yêu trẻ, tự động viên mình ở lại cùng dân bản. Chín năm trôi vèo lúc nào chẳng hay, đi cắm không biết bao nhiêu bản: Si, Dộ, Ra Mai, Tà Vờng…”
 
“Mới đầu làm giáo viên cắm bản, thời gian nghĩ chắc ba hoặc năm năm rồi được luân chuyển. Như anh nói, thân gái dặm đường xa ngái. Mà rồi hết ba năm, thêm ba năm khác. Nay đã qua ba lần ba năm như rứa mà chưa được về.”-lời cô giáo nghe buồn buồn, rưng rức.
 
Cô giáo che kín mặt, tôi chẳng biết suy nghĩ cô ra sao. Riêng tôi, cảm giác con đường chênh chao hơn, người tôi co lại, bé nhỏ trước cô, trước đại ngàn Trường Sơn. Tôi một năm chỉ đôi lần mang thương nhớ lên với mười mấy bản làng ở Trọng Hóa, vào vùng Lòm càng ít hơn, đếm trên đầu ngón tay. Thế mà về xuôi tự hào khoe mình đã thông tường.
 
3. Xe dừng lại phía trước bản Dộ, chúng tôi lặng lẽ chờ phút chia tay. Dáng người ấy, tôi khó đoán định tuổi. Ánh mắt ấy, khuất sau tấm khăn thấm ướt mồ hôi lúc buồn, lúc vui…, khó đoán định tâm tư. “Bản em cắm đây, anh xong việc ghé lại chơi!”, cô giáo nhắn nhủ.
 
Tôi bắt tay em, cảm ơn vì đồng hành cùng nhau trên một cung đường dài chông chênh, trắc trở. Phía trước tiếp tục là những con dốc cần phải vượt qua mới đến Lòm. Đi một quảng xa, tôi ngoái lại, vẫn thấy cô giáo đứng đó, bên chiếc xe máy cũ kỹ, hoang hoải trong buổi chiều biên viễn.
 
Rồi bất chợt ngẩn người khi kịp nhớ mình chưa hỏi tên ân nhân cho đi nhờ xe. Thôi, chẳng biết em là ai, tôi gọi em bằng một cái tên ân tình là cô giáo vậy!
 
Hồ An